Ba thể điệu căn bản của hiện-tính-thể
Ba thể điệu căn bản của hiện-tính-thể, hay chính là ba đặc-tính của hiện-tính- thể.
Cảm-thế-tính: hiện-tính-thể bị bỏ rơi, quăng ném vào "thiên hạ người ta"
Cảm-thế-tính là sự tự ý thức về việc mình bị quăng ném vào cuộc đời, bị “xuất thể trong thể điệu của tính-thể mà mình đã cảm thấy giữa thế gian” [1; PL.53,54].
Phương diện thứ nhất của cảm-thế-tính là tính-cách bị quăng-ném của hiện- tính-thể. Hiện-tính-thể bị quăng ném, bị bỏ rơi vào giữa dòng đời, vào "thiên hạ người ta", rồi tự mình phải xoay sở, cưu mang lấy trách nhiệm của chính mình. Hiện- tính-thể trong “Phong lữ thảo rụng nhiều hay ít?” là một hiện-tính-thể bị quăng ném như vậy. Bị quăng ném tức là không chủ động. “Tôi” không chủ động đi ra ngoài đời sống mà bị lôi kéo ra một cách thụ động “hai chân kéo lôi ra ngoài đường” [2; 203].
Phương diện thứ hai là “cảm trạng” ưu tư: “ưu tư về chính tự-thể trong trần thế và những đồng-loại-thể khác (những hiện-tính-thể khác)” [1; PL.55]. Đây chính là ý thức của “tôi”, ý thức luôn đặt trong sự ưu tư về thể-cách và ý nghĩa tồn tại của chính mình và của những hiện-tính-thể khác trong "thiên hạ người ta": “- Mi đã làm gì đời mi?”, “- Không biết bây giờ đây hai con chó ấy đã làm gì cho đời chúng?”.
“Tôi” trong truyện ngắn “Phong lữ thảo rụng nhiều hay ít?” luôn ý thức về tính đông cứng của trạng thái như thường lệ trong đời sống thường nhật. Chính cái ý thức này đã đối lập “tôi” với “thiên hạ người ta” trong chính cái đời sống thường nhật đó. “Tôi” ý thức được trạng thái đông cứng của những cái như thường lệ; còn “thiên hạ người ta” thì vẫn vô tư “trét xi măng” lên đời mình và đời sống bằng những cái như thường lệ ấy bởi họ không (hoặc chưa) ý thức được trạng thái đông cứng đó.
“Tôi” ý thức được toàn bộ sự đông cứng của đời sống cũng như của chính bản thân mình khi hành động theo những cái như thường lệ. Trước hết, “tôi” ý thức được trạng thái đông cứng của đời sống thường nhật. Khi diễn tả những trạng thái của đời sống thường nhật, tác giả sử dụng nhiều phép lặp từ trong một câu và lặp cú pháp giữa các câu nhằm nhấn mạnh sự lặp đi lặp lại của đời sống như “buổi sáng, mỗi sáng, như thường lệ, bỏ, quên hết,…”. Bên cạnh đó, những câu này đều xuất phát từ điểm nhìn ý thức của “tôi”, tức là sự như-thường-lệ (trạng thái đông cứng của đời sống) được nhận thức từ điểm nhìn và ý-thức của “tôi”. Nhân vật “tôi” trong “Phong lữ thảo rụng nhiều hay ít?” xuất hiện trong ý-thức và bằng ý thức về đời sống thường nhật. “Tôi” không xuất hiện một cách trực tiếp mà xuất hiện thông qua những dấu hiệu của điểm nhìn và chuyển động. Ở phần một - Mùa Hạ của tác phẩm, tác giả không sử dụng bất kì một đại từ nhân xưng nào cho nhân vật, các câu [được xem] như lời thoại nội tâm của nhân vật hoàn toàn không có chủ ngữ - biểu thị cho chủ thể của phát ngôn. Nhưng đã có phát ngôn tức là phải có người phát ngôn, tức là có “tôi”. Những lời [được xem] như là độc thoại nội tâm được trình bày dưới hình thức của câu trần thuật đơn thuần, không có dấu hiệu về mặt hình thức (ví dụ được đặt trong dấu ngoặc kép, đằng sau dấu hai chấm, hoặc đặt trong một câu dẫn gián tiếp có những cụm từ chỉ dẫn như “tôi nghĩ, trong đầu tôi vang lên,…”) để xác nhận đó là một lời thoại nội tâm như “Đẹp, đẹp”; “Yêu đời, yêu đời quá!”; “Ngực khô ran, hút thuốc nhiều, lúc nào bỏ hút thuốc?”; “Lúc nào không mở mắt, lúc nào không bước đi”, ... Đại từ xưng hô chỉ xuất hiện ở những câu thoại trực tiếp, tức trong sự giao tiếp với người khác.
Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người trong Phong lữ thảo rụng nhiều hay ít phần 4