Quan niệm nghệ thuật về con người trong Phong lữ thảo rụng nhiều hay ít phần 15

Quan niệm nghệ thuật về con người trong Phong lữ thảo rụng nhiều hay ít phần 15

Bởi Học văn cô Hà Huyền 08/11/2024

Tại sao “tôi” lại thực hiện một hành động lạ lùng như vậy? Hành động lạ lùng trong mắt thiên hạ này là một sự phá vỡ tính thường lệ của đời sống hàng ngày. Tôi muốn phá vỡ cái thường lệ đông cứng, chán nản của đời sống này không phải vì mình, mà vì người khác, vì chính thiên hạ và đời sống này. “Thưa mẹ, con vừa mua hai con chó này, để đem về cho em Bích nuôi.”. Mẹ, em Bích “tôi” là ba đối tượng thuộc ba thế hệ khác nhau của đời sống: một thế hệ đã quen và là một phần của cái như thường lệ của đời sống (mẹ); một đối tượng đang vật lộn trong cái thường lệ của đời sống, dù ý thức đối kháng nhưng hành động lại phải tuân theo những lẽ thường (tôi/ con); một đối tượng thuộc thế hệ bắt đầu sống trong những lẽ thường, nhưng chưa bị cái như thường lệ đến đông cứng vật lộn, chi phối, nó có khả năng thay đổi, có khả năng làm xáo động đời sống nhất vì chưa bị ràng buộc bởi những bổn phận thường nhật trong đời sống như người trưởng thành (em Bích).

Người đời có hai xu hướng phản ứng đối với hành động có tính lạ lùng, xáo trộn của “tôi”: một, phản đối (như phản ứng của người mẹ); hai, tán đồng, hưởng ứng (như phản ứng của em Bích). Tuy nhiên, thực tế thì thường-nhật-tính vẫn thắng sự xáo trộn do “tôi” tạo nên. Mẹ không đồng ý và cho đi hai con chó sau hai ngày, em Bích gào khóc “tôi nghe nó khóc mà có cảm giác như nghe cả một dân tộc Do Thái đang khóc ở đền Jerusalem” [2; 208], nhưng rồi nó cũng quên hẳn sau gần 4 tháng “Ồ, con nít mau quên lắm”.

Khi “tôi” cố gắng tạo ra một sự xáo trộn để đời sống thường nhật có một vết nứt cho trạng thái đông cứng của chính nó, thì một phía phủ nhận, từ chối xáo trộn, muốn để yên cho những cái như-thường-lệ vẫn luôn như thường-lệ, bảo toàn cho một trạng thái ổn định; phía còn lại dầu hưởng ứng, thậm chí phản ứng mạnh mẽ khi sự xáo trộn bị tước bỏ, nhưng cuối cùng vẫn là một thái độ “có hay không cũng được”: có sự xáo trộn, phá vỡ cái thường lệ là tốt, nhưng không có nó cũng chẳng sao, sự thường nhật sẽ nhanh chóng làm lãng quên những xáo trộn.

Chính điều này đã khiến hành động của tôi quay trở lại cái thường nhật, bởi cái xáo trộn mà mình cố gắng tạo ra không đem lại sự cộng ứng của đồng loại, cũng không làm phá vỡ được cái gì của thường-nhật-tính. Ý thức bây giờ không còn cố tình quên, nó vẫn nhớ, vẫn ưu tư nhưng sự ưu tư cứ nằm đó, không ảnh hưởng gì nữa đến hành động của tôi, bởi tôi đã ném hẳn mình vào cái "thiên hạ người ta".

“- Không biết bây giờ đây hai con chó ấy đã làm gì cho đời chúng?”, kết nối với sự ưu tư đã có từ trước “- Mi đã làm gì đời mi?”, hai câu hỏi thể hiện một sự ưu tư về trạng thái và ý nghĩa tồn tại của “tôi” và của “chó”. Ưu tư về tồn tại của “tôi”- bản thân là một điều dễ hiểu, nhưng ưu tư về tồn tại của con chó thì lại là một sự ưu tư lạ lùng trong suy nghĩ như thường lệ của con người. Tuy nhiên, hình ảnh con chó và ưu tư về tồn tại của nó không phải là một sự lựa chọn bừa bãi, chọn đại của Phạm Công Thiện mà ở đây chính là vấn đề về “lối sống con chó” mà Phạm Công Thiện đã bàn tới khi nói về thể-cách tồn-tại “như chó” trong sự diễn giải về Neitzsche.

Phạm Công Thiện đã tự nhận “sâu bên trong bản chất của tôi là một con chó”, một con chó chạy”; còn Neitzsche đã từng viết “gần bảy năm sống cô đơn, cô độc, và gần suốt thời gian sống một cuộc sống của CON CHÓ vì tôi thiếu hết tất cả mọi sự cần thiết cho tôi; “Đối với cái gì vĩ đại và cao siêu thì mình phải im lặng hoặc có nói thì nói với tất cả vĩ đại và cao siêu. Nói với tất cả vĩ đại cao siêu – có nghĩa là nói theo điệu con chó và nói một cách ngây thơ vô tội” [3;515]. Chính trong những năm tháng Neitzsche tự nhận “sống như một con chó” và “nói theo điệu con chó” ấy, ông đã viết những tác phẩm đáng giá nhất đời mình. Phạm Công Thiện cũng vậy, “chính câu No1 của Neitzsche ở đây đã khiến tôi phải chọn lựa: hoặc im lặng hoặc nói theo điệu con chó. Im lặng hay chó, chó hay im lặng?” [3;515].

Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người trong Phong lữ thảo rụng nhiều hay ít phần 16

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22