Quan niệm nghệ thuật về con người trong Phong lữ thảo rụng nhiều hay ít phần 14

Quan niệm nghệ thuật về con người trong Phong lữ thảo rụng nhiều hay ít phần 14

Bởi Học văn cô Hà Huyền 08/11/2024

Thứ nhất, hành động như thường lệ theo lẽ thường của thiên hạ đẩy “tôi” biến thành "thiên hạ người ta".

Đời sống thường nhật vẫn tiếp tục với cái trạng thái như thường lệ của nó, đông cứng như đá: “MÙA ĐÔNG có mấy chiếc xe đạp bị nổ bánh. Vài ba đám mây, đó đây, đá và chỉ là đá. Tiếng hàng xóm chửi nhau, ông say rượu bắt đầu chửi thề. Cuộc đời vẫn đẹp như cái tên của cái hotel đối mặt với quán cà phê. Quán cà phê này độc nhất ở Việt Nam là có món pousse-café”. [2;206]

Trước sự quen thuộc đó, ý thức đối kháng của tôi muốn đi khỏi cái thường lệ vốn có đó trước hết bằng cách nói khác đi với cách điệu thông thường: “- Xin cho tôi một cái pousse-café... Nhiều lúc tôi muốn nói với người giữ quán hiền lành: - Xin cho tôi một cái pousse-pousse, một cái cyclo-pousse, một cái pousse-cafard, một cái pousse-ennui, một cái pousse-néant  ”.

Tuy nhiên, ý thức đối kháng tiềm năng đó không thể được hiện thực hoá bằng hành động bởi những bổn phận và trách nhiệm thường nhật mà con người ta đã mang trong đời sống. Tôi muốn nói … “Nhưng tôi phải trấn đê Nhị Hà lại? Vì làm sao pousse-rien được?”.

Những hành động của “tôi” là những hành động theo thường lệ gắn liền với cái bổn phận đã và đang có: “Phải tập ăn nói khả kính, đứng đắn, đàng hoàng”; “Xin kính mời đại đức khoa trưởng lên nhắn nhủ cùng anh em sinh viên đôi lời trong dịp họp mặt tất niên này. Cái micro phải gió bắt đầu reo lên. Merde, đại đức, thất đức, khoa trưởng, thôn trưởng, ấp trưởng, xã trưởng, lấy sách công dân giáo dục ra học lại cho khả kính ” [2;206].

Khi thực hiện những hành động theo lẽ thường như thường lệ này, ý thức lại cất lên sự đối kháng, nhưng nó vẫn chỉ là sự tiềm năng nơi ý thức: “Mi đã làm gì cho đời mi? Nhan đề một vở kịch của Sartre, chưa đọc “La Putain respectueuse”, sẽ đọc đêm nay, nếu không ngủ quên, không lười, không rầu, không mệt.” [2;206]. Sư ưu tư về trạng thái thường nhật của bản thân đã lên tiếng “mi đã làm chi đời mi?”, nhưng rồi nó lại để hành động chìm vào trong những thường nhật của đời sống “ngủ quên, lười, rầu, mệt”, đây vốn là những trạng thái như thường lệ trong đời sống tinh thần của con người.

Mặc dù có sự lên tiếng của ý thức ưu tư, nhưng hành động thực tiễn vẫn qui hồi vào thường-nhật-tính, vào cái như-thường-lệ, cái hợp với lẽ thường trong trách nhiệm của bổn phận mà con người phải mang trong đời sống này. Bổn phận của “tôi” là bổn phận của một đại đức khoa trưởng của một viện đại học danh giá bậc nhất đã nhận lãnh sứ mệnh tìm đường cho đời sống văn hoá của cả một dân tộc.

Ý thức có đối kháng, nhưng hành động lại khuất phục trước bổn phận thường lệ bằng một lời phát biểu đúng như thường lệ: “Chúng ta phải tìm lại một căn nguyên gốc rễ cho chúng ta. Tìm lại tinh thần văn hoá dân tộc … (tiếng micro lại xè xè như muốn réo pisse-pisse..).” [2;207].

Với những hành động hợp với thường-nhật-tính của đời sống thường nhật, “tôi” đã biến thành "thiên hạ người ta" trong hành động. “Tôi” hành động như "thiên hạ người ta", tức là tôi đã trở thành một phần trong cái "thiên hạ người ta" ấy.

Thứ hai, những hành động khác với thường-nhật-tính, khác với những cái như thường lệ của đời sống thường nhật, dù có xảy ra nhưng cũng không đủ để tạo nên sự thay đổi, và rồi hành động của “tôi” vẫn qui hồi lại vào sự thường lệ. Hay nói cách khác, cả những hành động khác với thường lệ cũng đẩy “tôi” biến thành "thiên hạ người ta".

Chi tiết “vỏ trái đất bị xáo trộn” chính là một tiềm năng thay đổi của đời sống, tiềm năng đó đã được ý thức bắt lấy. “Vỏ trái đất bị xáo trộn kinh thiên” chi tiết này được nói tới ở phần một, và được nhắc lại ở phần hai.

Khi ý thức bắt được tiềm năng thay đổi này của đời sống thường nhật, “tôi” đã có những hành động đi ngược lại những lẽ thường trong sự sống thường nhật của cá nhân. “Tôi” cảm nhận được sự thường nhật lặp đi lặp lại đó chỉ đem lại nỗi chán nản, ý muốn thoái khỏi sự chán nản đó đã bắt đầu được hiện thực hoá bằng những hành động: “Bỏ uống cà phê, bỏ hút thuốc, bỏ uống bia 33. Tập sống đạo đức giả cho đỡ buồn, lâu lâu giựt mùng cho muỗi đỡ đói. Cười con chó chạy cong đuôi ngoài sân, mở vò nước labavo, ực vào hăm lần cho đầy bao tử, tập uống nước bẩn cho đỡ sạch, đỡ chán” [2;204].

Những hành động trên là những hành động cá nhân độc lập, nó hoàn toàn có thể được thực hiện bởi một mình “tôi”, không cần tới một đối tượng đồng loại khác. Vậy nên, khi bước ra khỏi những hành động cá nhân, và trở lại với những hành động được đặt trong chằng chịt các mối quan hệ của cuộc sống thường nhật thì hành động của “tôi” lại bị ném vào cái như thường lệ của số đông "thiên hạ người ta". Sự trở lại cái như thường lệ trong hành động gắn liền với sự cố tình “quên” của ý thức: “Quên hết ngày hôm qua, quên hết ngày hôm nay, quên hết vỏ trái đất bị xáo trộn” [2; 204,205]. Bởi vậy nên, tiềm năng xáo động của đời sống vẫn bị để nguyên dưới dạng tiềm năng, tức vẫn chỉ là một khả-tính, từ mùa hạ đến mùa đông, từ năm trước đến năm nay: “Đài khí tượng đã báo động năm trước là vỏ trái đất bị xáo trộn dữ dội” [2;206].

Nỗ lực hành động khác với thường-nhật-tính của tôi được tiếp tục ở phần thứ ba MÙA THU thể hiện ở hành động mua hai con chó con. Hành động này là một sự lạ lùng, lạ lùng trong cái nhìn của "thiên hạ người ta" theo những lẽ thường: “Ông thầy chùa phải gió ôm hai con chó con băng qua đường, gọi taxi trở về nhà bà cụ. Thiên hạ hai bên đường ngó nhìn…” [2;207].

Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người trong Phong lữ thảo rụng nhiều hay ít phần 15

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22