Cái chết đoạ-tính của một hiện-tính-thể trong thường-nhật-tính
Cái chết trong đời sống thường nhật của một hiện-tính-thể là trường hợp của một hiện-tính-thể bội-tính/nguỵ-tính (uneigentlich): “hiện-tính-thể chạy trốn tính- thể sâu thẳm nhất của mình (tính-thể-qui-tử) trong đời sống hằng ngày, trong những lo âu, những bổn phận của xã hội, trong sự bấp bênh nông cạn của ngày tháng hững hờ, trong sự tầm thường tẻ nhạt của một tập thể hời hợt.” [1; PL.83].
Đời sống thường nhật chính là nơi hiện-tính-thể/ con người ta chạy trốn trước cái chết, khuất lấp đi thực tại bằng một hiện thực khác. “Đối với hiện-tính-thể trong thường-nhật-tính cái chết được coi như là một biến cố xảy ra trong đời sống như một vật thể/ sự thể nào đó xảy ra mà chưa phải là cho tôi: “người ta chết, thiên hạ chết, nhưng người ta, thiên hạ đây vẫn chưa phải là tôi; người ta cũng không là ai cả. Chính người ta đã khuất lấp cái chết riêng lẻ của tôi: tôi chạy trốn cái chết, tôi không có can đảm đối diện, nhìn thẳng vào sự chết của mình. Tôi xua đuổi cơn xao xuyến bàng hoàng trước cái chết riêng lẻ của mình bằng cách xua đuổi cái chết vào “người ta chết”. Chạy trốn như vậy, là tôi đã chạy trốn trước khả-tính nội-tại tuyệt- đối nhất của mình.” [1; PL.84].
Cái chết trong thường-nhật-tính có hai yếu điểm: định-tính và bất-định-tính. Định-tính về cái chết; và bất-định-tính về thời gian mà cái chết xảy đến cho mình. Hiện-tính-thể trong thường-nhật-tính biết chắc chắn là mình sẽ chết, nhưng thường bỏ quên nó. Họ biết chắc chắn về định-tính của cái chết, rằng cái chết là một điều chắc chắn xảy ra ở trên đời, nhưng không thể hiểu nó như là một tự-tính của chính mình. Sở dĩ như vậy là bởi tính cách bất định của cái chết, không biết khi nào mình chết và coi sự chết của mình như là chưa xảy ra ngay lúc này, bây giờ, mặc dù cái chết vẫn luôn tiềm chứa trong mình và có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Hiện-tính-thể “tôi” và toàn bộ con người trong “Phong lữ thảo rụng nhiều hay ít?” đều là những hiện-tính-thể bị đoạ tính trong thường-nhật-tính, họ sống mà không biết rằng cái chết vẫn lặp lại và tiếp tục hàng ngày ở trong họ và xung quanh họ. Con người ta lao vào sự sống để quên sự chết, nhưng chính sự [cố tình] lãng quên cái chết đó khiến con người ta bị đoạ-tính, bội-tính, khiến họ phải hứng chịu cái chết của tính-thể nguyên-tính của mình. Cái chết trong “Phong lữ thảo rụng nhiều hay ít?” là cái chết của nguyên-tính của các hiện-tính-thể trong thường-nhật- tính, tức là, khi con người ta bị đoạ đày vào cuộc sống thường nhật, chấp nhận chịu nhận chìm trong cái thường nhật đó thì tức là con người đang [làm] chết đi cái phần nguyên-tính của chính mình. Con người lãng quên cái chết, trong khi nó là một tự- tính tuyệt-đối của chính con người, bởi mỗi một hiện-tính-thể đều cưu mang trong mình một tính-thể-qui-tử. “Cái chết vẫn được gặp lại ở quán cà phê đầy nắng với hoa phong lữ thảo”, những cái chết đoạ-tính.
Trong “Phong lữ thảo rụng nhiều hay ít?”, ý thức của “tôi” đã nhận thức rất rõ về trạng thái đông cứng như thường lệ của đời sống thường nhật. Nhưng khi đối diện với trạng thái đông cứng đó thì “tôi” đã lại hành động như những cái thường lệ mặc dù bên trong ý thức luôn có sự đối kháng. Tuy nhiên, ý thức đối kháng đó không thắng được sự chi phối của những cái như thường lệ lên đời sống của con người, của "thiên hạ người ta" và của chính “tôi”. Đối kháng trong ý thức là đối kháng tiềm năng.
Một điều cần lưu ý ở đây, ở phần đầu MÙA HẠ, nhân vật không xưng hô khi độc thoại nội tâm, đó toàn bộ là những câu bị khuyết đi chủ ngữ. Nhưng đến phần thứ hai MÙA ĐÔNG nhân vật đã sử dụng đại từ xưng hô “tôi” và “mi” trong sự đối thoại và độc thoại. “Tôi” hiện diện trong sự đối lập giữa ý thức và hành động trong mối tương quan với thường-nhật-tính.
Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người trong Phong lữ thảo rụng nhiều hay ít phần 14