Đoạ-tính trong thường-nhật-tính: cái-chết của hiện-tính-thể
Cái chết: tính-thể-qui-tử của hiện-tính-thể
“Tính-thể-qui-tử/ tính-thể-qui-tịch” (Sein zum Tode) thuộc về tính-thể của hiện-tính-thể. Con người chung thân luôn bị treo trước một án tử hình: “tôi sẽ chết, sắp chết, nhất định chết trong nay mai, tuyệt đối không thể tránh khỏi cái chết” [1; PL.75]. Chết là một tính-thể/ tự-tính mà mỗi hiện-tính-thể/ con người phải cưu mang trong mình. Mọi sự sống đều đi về phía sự chết, đó là tính qui-tử/ qui-tịch. Heidegger gọi đó là “tính-thể-qui-tử”, một tự-tính của mỗi hiện-tính-thể (tôi).
Cái chết của một hiện-tính-thể theo sự diễn giải của Phạm Công Thiện về quan niệm của Heidegger, là sự “dứt”, “chấm dứt”. Tuy nhiên, sự “chấm dứt” của hiện- tính-thể không có nghĩa là “xong”, “hoàn thành”, “chấm dứt công việc”, “thành tựu công việc”. “Dứt” ở đây cũng không thể hiểu theo nghĩa “mưa dứt, mưa tạnh”, cũng không phải là“biến mất”, “tiêu mất”, “mất hình”, “khuất bóng”. Sự “chấm dứt” hay cái chết của một hiện-tính-thể không nằm ở cuối đường, không ở “cuối tận” mà sự chấm dứt của hiện-tính-thể là: “tính-thể đang đi hướng về sự chấm dứt” (tính-thể-qui-tử/ tính-thể-qui-tịch/ tính-thể-qui-chung). Bởi vì, việc “hướng về sự chấm dứt”, “hướng về cái chết” đã nằm ngay trong cấu-tính của hiện-tính-thể. Vì sự chết thuộc về “tính-thể” của hiện-tính-thể, mà hiện-tính-thể phải cưu mang trong chính tự-thể của mình.” [1; PL.78].
Ý nghĩa của sự chết như là một tính-thể-qui-tử có ba khía cạnh: xuất-thể-tính; sự-tính và đoạ-tính
Thứ nhất, ý nghĩa của sự chết trong khía cạnh “xuất-thể-tính” (Existenzialiat): “Chết” ở đây có nghĩa là “cái đứng trước mặt”, cái sắp xảy ra trong bất cứ lúc nào, đó là “tiềm-tính mà hiện-tính-thể phải lãnh lấy, nhận lấy, cưu mang lấy trong chính tự-thể” [1; PL.78]. Cái chết tiềm chứa trong mỗi một hiện-tính-thể, một tính-thể khi thể hiện mình trong đời sống đã chứa sẵn trong đó một cái chết, hay nói cách khác, cái chết trước mặt được dự báo một cách chắc chắn. Đó là một sự tuyệt-đối và không thể nào vượt qua.
Thứ hai, ý nghĩa của sự chết trong khía cạnh “sự-tính” (Faktizitat), “vừa lúc hiện-tính-thể xuất thể-tính cũng là lúc hiện-tính-thể bị ném, bị quăng vào tiềm-tính (sự chết) này rồi” [1; PL.79]. Hiện-tính-thể bị đặt trước một sự-đã-rồi: “sự việc bị treo án tử trong đời sống của mình: sớm muộn gì rồi cũng chết và đã chết từ lúc mới bắt đầu sống” [1; PL.80]. Chính khi bị quăng ném vào trong tiềm-tính của cái chết, thì hiện-tính-thể/ con người/ tôi sẽ có sự “xao xuyến hoảng hốt” trước cái chết, sự “xao xuyến hoảng hốt” cũng chính là một khả-tính của hiện-tính-thể. “Sự “xao xuyến hốt hoảng” ở đây không có nghĩa là sợ hãi (Fruch) trước cái chết” [1; PL.80], mà là một khả-tính của một hiện-tính-thể/ con người đang đi và biết mình đang đi về phía cái chết. Anh biết “xao xuyến hốt hoảng” trước cái chết khi nào anh ý thức được cái chết là một tiềm-tính, một tính-thể có tính cách tuyệt đối của chính mình. Sống trong ý thức về cái chết [sẽ chắc chắn đến] một cách rõ ràng, ý thức rằng cái chết vẫn luôn đang ở trong bản thân tôi như một tự-tính tuyệt-đối. Ý thức đó là một dạng của sự “xao xuyến hốt hoảng” trước cái chết.
Thứ ba, ý nghĩa của sự chết trong khía cạnh “đoạ-tính” (Verfallen), đây là khi “hiện-tính-thể bỏ quên tính-thể của mình là một tính-thể-qui-tử” [1; PL.79]. Thông thường, phần đông con người ta không màng tới sự chết, tức là hiện-tính-thể đã trốn bỏ, chạy trốn khỏi tính-thể-qui-tử, chối bỏ cái chết riêng lẻ của bằng cách hoà vào "thiên hạ người ta", bằng sự sa đoạ thoái hoá. Quên đi cái chết của cá nhân mình trong cái chết của người đời. Người ta/ họ chết nhưng không phải “tôi”, nhưng cũng không là ai cả.
Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người trong Phong lữ thảo rụng nhiều hay ít phần 13