Quan niệm nghệ thuật về con người trong Ông già và biển cả phần 4

Quan niệm nghệ thuật về con người trong Ông già và biển cả phần 4

Bởi Học văn cô Hà Huyền 08/11/2024
    1.  

Con người cô đơn trước số phận và thời cuộc

Cô đơn là bản chất con người. Cá nhân là riêng tư, cá thể, không thể trộn lẫn với ai và không có phiên bản khác. Mỗi cá nhân là một tiểu vũ trụ bí ẩn, không ai hoàn toàn hiểu nó. Hình tượng con người cô đơn xuất hiện nhiều trong tác phẩm của Hemingway. Ngay cả nhan để tác phẩm“Ông già và biển cả” cũng gợi người đọc về nỗi cô đơn ấy, có ông già với biển cả mà thôi, không có ai khác nữa. Santiago còn là nhân vật tiêu biểu cho hình ảnh con người cô đơn. Vợ mất lão sống một mình trong căn lều tồi tàn, không tài sản. Tuổi già lại bị dân làng xa lánh cho rằng ông gặp vận rủi và đã “hết thời”, chỉ có một người duy nhất là cậu bé Manolin yêu thương, quan tâm ông lão. Lão ra khơi cũng một mình riêng rẽ từ khi bố mẹ cậu bé Manolin cấm cậu không được đi câu cùng ông. Bởi thế lão có thói quen nói to một mình “lão không nhớ lần đầu tiên lão nói to một mình như thế là tự bao giờ... có lẽ lão bắt đầu nói lớn khi chỉ có một mình, khi thằng bé ra đi... nhiều người đi biển kiêng nói chuyện nhảm, ông lão luôn thực hiện và tôn trọng điều đó. Nhưng bây giờ thì lão đã nói lớn ý nghĩ của mình bao nhiêu lần, bởi chẳng còn ai có thể nghe thấy để bực mìn” [6;405]. Đối lập với sự mênh mông của biển trời là sự nhỏ bé của ông lão đánh cá vùng Nhiệt lưu, bản thân ông cũng nhận thức được “người già không nên sống một mình khi đã xế bóng” nhưng “không thể nào tránh khỏi” [6;410]. Không bình luận, không nhân xét nhưng người đọc cảm nhận giọng văn của Hemingway khi miêu tả về sự cô đơn của nhân vật Santiago toát lên một nỗi buồn-một nỗi buồn thấm thía “lão nhìn quanh biển và biết lúc này lão cô đơn đến nhường nào” [6;418] bởi vậy lão thèm có người để trò chuyện, trong tác phẩm có gần đến 10 lần lão ước “giá mà có thằng bé ở đây thì tốt biết bao” và những lúc mệt mỏi đã có những lúc mệt mỏi, lão chỉ biết cầu nguyện sự giúp đỡ của đấng tối cao “lạy chúa, xin chúa” , “xin chúa hãy giúp nó đớp mồi” [6;407], “cầu xin chúa làm cho nó nhảy lên” [6;414]. Hình tượng con người cô đơn trong ông già và biển cả mang tính thời đại. Ở một số tác giả hiện đại, con người cô đơn xuất hiện cùng với những bế tắc chán ngán về cuộc sống, Rừng Nauy của H. Murakami là một tiêu biểu. Nhân vật chính trong tác phẩm hoang mang, cô đơn, cố gắng tìm cách tương thông với người khác trong tình bạn, tình yêu, tình dục mong tìm thấu ý nghĩa của cuộc đời dù trong khoảnh khắc ngắn ngủi nhất, nhưng cô đơn vẫn hoàn toàn cô đơn. Bế tắc, buồn chán nhân vật tìm đến cái chết, đến rượu, đến sự hành xác và lang thang vô hướng, đến thái độ bất cần, bất hợp tác với người khác. Nhưng cô đơn chỉ vơi đi chứ không biến mất. Nó trở thành một khối đặc quánh bao vây họ. Còn với Hemingway trong Ông già và biển cả, ông lão Santiago cô đơn nhưng ông ý thức được sự cần thiết của những người xung quanh “được nói chuyện với ai đó thì dễ chịu hơn phải tự nói một mình” [6;459] rằng “con người ta không nên sống một mình khi tuổi đã xế bóng” và nếu như không có ai xung quanh thì thiên nhiên cũng có thể làm bạn, với lão “con người ta không bao giờ cô đơn trên biển” bởi có mây trời chim cá nói chuyện với ông. Như vậy nỗi buồn, sự cô đơn không làm cho hình tượng Santiago trở thành hình tượng nhân vật yếu đuối mà trái lại nó đã làm toát lên vẻ đẹp của nhân vật, bởi vì chính nỗi buồn, sự cô đơn đã tiếp thêm nghị lực sống cho ông lão để đấu tranh với tự nhiên và với chính bản thân mình. Đây là một đặc điểm tích cực trong tư tưởng của Hemingway.

Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người trong Ông già và biển cả phần 5

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22