Quan niệm nghệ thuật về con người trong Ông già và biển cả phần 3

Quan niệm nghệ thuật về con người trong Ông già và biển cả phần 3

Bởi Học văn cô Hà Huyền 08/11/2024

Quan niệm nghệ thuật về con người trong tác phẩm “Ông già và biển cả

Ông già và biển cả” là một tiểu thuyết rất ngắn, số lượng nhân vật của tác phẩm cực ít. Theo C. Carey, “Ông già và biển cả” có tám nhân vật (bao gồm cả cá kiếm và cá mập), song hiện diện trên hầu hết các trang sách và trung tâm của tác phẩm là nhân vật Santiago. Ba ngày đêm của cuộc đời Santiago được tái hiện trong tác phẩm quá ngắn ngủi. Hơn nữa khi được đặt trong không gian mênh mông về bản chất nhưng chật hẹp bởi thị lực con người, câu chuyện dường như diễn ra trong khoảnh khắc. Tuy vậy, bằng ngòi bút tài năng của mình, Hemingway đã diễn tả được nhiều bình diện quan hệ của con người chỉ thông qua nhân vật chính Santiago. Có những lúc, ta thấy một ông già đơn độc đối chọi với biển cả; lại có khi ta thấy ông gắn bó với người bạn thân thiết là chú bé Manolin, nhận sự chăm sóc như gia đình; có khi lại là mối quan hệ xa cách với những người dân chài, nhưng ông vẫn ý thức mình “là một mảnh của toàn thể”; cả cách ông đối diện với thiên nhiên như với một kẻ thù, nhưng cũng là một ân nhân, … Tất cả những phức tạp trong những mối quan hệ ấy làm nên tính đa chiều cho nhân vật. Đọc “Ông già và biển cả”, tìm hiểu về nhân vật Santiago, chúng ta thấy không chỉ một con người ở đó, nhân vật ấy là hiện thân của rất nhiều kiểu người trong cuộc sống. Soi chiếu nhân vật trong các mối quan hệ, chúng ta sẽ thấy rõ quan niệm nghệ thuật về con người mà Hemingway gửi gắm trong đó.

Con người cá nhân

Con người với những ước mơ, khát khao chinh phục

Trong con mắt của những người dân biển, Santiago giờ đây chỉ là một ông già gầy gò, yếu ớt vô tích sự vì chưa đánh được con cá nào đáng giá. Để mưu sinh nuôi bản thân và cũng là để chứng minh cho mọi người thấy khả năng của mình, Santiago đã quyết định một chuyến đi xa trên biển. Hy vọng của ông lão tưởng chừng như vô vọng bởi tám mươi tư ngày trôi qua chỉ là con số không. Ngày thứ tám mươi lăm - ngày thắp lên hy vọng trong cuộc đời chài lưới của ông lão, và cái hy vọng đó đã trở thành hiện thực khi có một con cá Kiếm khổng lồ cắn câu. Nhưng để có được chiến thắng con người ta phải trải qua đấu tranh gian khổ. Ông lão Santiago để đưa được con cá Kiếm vào bờ đã phải trải qua những vật lộn chinh phục con cá. Khát vọng dấn thân vào cuộc hành trình dù biết trước nó sẽ ẩn chứa bao trở ngại khó khăn. Qua những trang viết đầy hấp dẫn của Hemingway, ta thấy Santiago hiện lên như một chiến sĩ, một anh hùng kiên trung trên mặt trận chống lại số phận. Dù đã trải qua bao bất trắc, sóng dập, gió dồi nhưng ông vẫn luôn lạc quan, yêu đời “hãy giữ tỉnh táo và biết cách chịu đựng như một con người” [6;439]. Ông lão cho rằng “con người sinh ra không phải để thất bại... con người có thể bị hủy diệt chứ không thể khuất phục” [6;445]. Với ông cuộc sống vẫn đáng yêu biết nhường nào khi đã được sinh ra, được làm người trên cuộc đời này. Dù khi đã hoa mắt, dù khi “đã kiệt sức đến lả đi” nhưng đã là con người thì không bao giờ được bó tay trước mọi hoàn cảnh.

Đọc tiếp:  Quan niệm nghệ thuật về con người trong Ông già và biển cả phần 4

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22