Tóm tắt: “Văn học và cuộc sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người.” (Nguyễn Minh Châu). Thật vậy, từ xưa đến nay, văn học luôn lấy con người làm đối tượng trung tâm. Người đọc đến với văn chương bắt gặp một thế giới mới hiện ra như chính thế giới thực tại với biết bao con người, bao số phận được các nhà thơ, nhà văn tái hiện trong tác phẩm. Từ đó, văn học làm cho con ngườ i thêm phong phú, tạo khả năng cho con người lớn lên, và ngày càng hiểu về con người nhiều hơn. Nghiên cứu “Quan niệm nghệ thuật về con người trong tiểu thuyết “Ông già và biển cả” của Ernest Miller Hemingway” là tìm về những giá trị mà nhà văn đã lí giải, cắt nghĩa, thể hiện tầm nhìn, tầm cảm về con người trong tác phẩm của ông. Đó là những suy nghĩ, trăn trở và cảm nhận về con người của nhà văn soi chiếu trên những bình diện: con người cá nhân; con người trong mối quan hệ với xã hội và con người với thiên nhiên. Giáo sư Trần Đình Sử trên báo Văn học và tuổi trẻ số tháng 10, năm 2008 có viết: “Nét đặc sắc của Hemingway trong tác phẩm này là sáng tạo ra con người như một ý thức về mình. Mọi sự vật, hoạt động khách quan đều được đưa vào ý thức ông lão”. Có thể nói, quan niệm nghệ thuật về con người của Hemingway được khai thác đa phương diện thông qua một nhân vật chính là ông lão Santiago. Từ đó, Ernest Hemingway giúp chúng ta tìm về những giá trị giá trị tốt đẹp của con người mà đôi khi ẩn khuất giống như phần chìm của “tảng băng trôi”.
Từ khóa: Quan niệm nghệ thuật; Ông già và biển cả; Quan niệm nghệ thuật về con người; Hemingway.
MỞ ĐẦU
Là một nhà văn lớn, Ernest Miller Hemingway và tác phẩm “Ông già và biển cả” của ông trở thành mục tiêu nghiên cứu và cảm hứng sáng tạo cho nhiều nhà phê bình và nhà văn trên toàn thế giới. Những công trình nghiên cứu với các mức độ nông, sâu khác nhau đã soi chiếu con người và sáng tác của Ernest Hemingway trên rất nhiều phương diện. Đặc biệt, quan niệm nghệ thuật về con người lại là một trong những vấn đề cơ bản, cốt lõi khi đi sâu tìm hiểu về tư tưởng, phong cách của nhà văn. Đặng Anh Đào trong cuốn Văn học phương Tây chỉ ra nhiều vấn đề đặc sắc của tác phẩm “Ông già và biển cả”: “Santiago giống như một biểu tượng về cuộc đấu tran h của con người hiện đại trên thế giới này: suốt cuộc đời cực nhọc vẫn đuổi theo một giấc mơ kỳ vĩ,… Tuy nhiên bên cạnh ông, vẫn còn chú bé Manolin đang nhìn ông mơ giấc mơ sư tử, đang khóc vì bàn tay rách nát của ông... Người ta nhìn thấy qua Ông già và biển cả một bản di chúc của con người đã suốt đời lao động sáng tạo và hiểu nỗi đắng cay của con người ở giữa cuộc đời này, là Hemingway.” [8;722]. Tác giả Lê Huy Bắc viết hẳn một cuốn sách về Hemingway đó là cuốn “Nhà văn Ơnit Hêmingway”, trong đó ông viết: “Hemingway luôn tâm niệm sẽ cố viết cho bằng được áng văn xuôi chân thực về con người”. Như vậy, Hemingway luôn chú ý nhân vật của mình được viết như thế nào, có ý nghĩa gì khi xuất hiện trong tác phẩm. Dựa vào những đánh giá trên đây, chúng ta phần nào cũng có được cái nhìn toàn diện hơn về tác phẩm, từ đó thấy được quan niệm nghệ thuật về con người của Ernest Miller Hemingway.
Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người trong Ông già và biển cả phần 2