Cô Gái còn là người hay hoài niệm và trân trọng những kỉ niệm gắn liền với quá khứ. Cô trông coi ngôi nhà mà ông bà để lại. Mặc dù “không có người ở, nhưng cô tôi vẫn giữ nếp sáng mở ra, tối đóng lại như khi ông bà còn sống”. Ngôi nhà này nhiều chỗ bị mọt ăn rỗng, nhưng cô Gái cố gắng vá lại, quyết giữ gìn nó bằng bất cứ giá nào. Bởi lẽ, không đâu khác, chính căn nhà này là nơi ghi lại dấu vết của các thế hệ đi trước, nơi lưu giữ những kỉ niệm từ khi cô còn nhỏ đến hiện giờ. Vậy nên, có những hôm, cô ngồi im lặng giữa gian nhà, có khi lẩm bẩm điều gì đó, mà cũng có thể cô đang “nói chuyện với những người vô hình, những người đã sống trong ngôi nhà này”.
Cô Gái xúc động khi nghe cô Thiệp, cô Mỹ nhắc lại những chuyện quá khứ, chuyện hồi nhỏ cô Thiệp làm vỡ cốc rồi bị mẹ mắng, chuyện con Vàng được ông mang về nuôi rồi khi ông mất nó cũng buồn bã đi theo, chuyện bố Thư hồi nhỏ đi tắm sông suýt chết đuối… Những kỉ niệm ấm áp ngày xưa đó đã đánh thức trái tim của cô Gái, “những giọt nước mắt chân thành bỗng ứa ra, chảy trên đôi gò má”, cô tiếc nuối tuổi thơ đã qua. Dường như lớp vỏ bọc lạnh lùng, vô cảm của cô đã bị tháo gỡ, lúc này cô Gái hiện lên thật dịu dàng, hiền hậu và đẹp đẽ.
Cô Gái còn là người gìn giữ những giá trị văn hóa từ lâu đời. Cô “trông nom nhà cửa, bằng mọi cách cứu lấy nó, không cho nó trôi tuột vào quá khứ, không cho nó mất đi dáng vẻ bề ngoài”. Ngôi nhà ấy, không chỉ là nơi chứa đựng những kỉ niệm mà còn là nơi lưu dấu văn hóa của vùng miền. Từ cấu trúc đến cách sắp xếp, bày biện đồ vật bên trong ngôi nhà đều được cô Gái giữ nguyên như thời ông bà còn sống. Gia đình theo đạo Thiên Chúa, bởi vậy, cô vẫn đều đặn thực hiện các lễ nghi như làm dấu, đọc kinh, cầu nguyện, xưng tội,… Cô gìn giữ những món được xem là “bảo vật” (tóc thánh, xương thánh) và cảm thấy tự hào vì chỉ gia đình mình có thứ này.
Công việc của cô là bán thuốc viên. Nghề thuốc được truyền từ thời kị cho cụ, từ cụ cho ông, rồi từ ông sang bác Linh, nhưng bác Linh lên tỉnh nên bỏ nghề. Cô Gái thấy tiếc nuối nên quyết định làm. Mặc dù không được truyền nghề, nhưng bằng vốn liếng có được khi giúp ông làm thuốc, cô lựa chọn gắn bó với nghề này. Cô ý thức được sự quý giá của những bài thuốc cổ truyền và thấy rằng mình cần có trách nhiệm gìn giữ nó. Cô trăn trở về việc tìm người nối nghề thuốc của gia đình. Với cô, làm cái nghề này cần có tâm, vì nếu không may truyền cho người xấu để họ lợi dụng “bắt chẹt làng nước thiên hạ, mình hóa ra có tội”.
Như vậy, trái với vẻ ngoài lạnh lùng, keo kiệt, sâu bên trong cô Gái là người có tấm lòng nhân hậu, bao dung, là người biết trân quý những giá trị sống. Điều đó cũng được cậu bé Thư nhận thấy: “Thực ra, cô Gái tôi không phải người ác. Bên trong vẻ ngoài khắc khổ, nghiệt ngã, ẩn náu một trái tim tốt lành.”. Phải chăng, khi đứng trước cuộc sống bề bộn, con người thường bộc lộ vẻ xấu xa, đáng ghét, nhưng sâu thẳm trong họ vẫn giữ được bản tính lương thiện của con người.
Kết luận
Như vậy, con người trong quan niệm nghệ thuật của Vũ Thư Hiên gồm có hai mặt đó là con người xù xì, gai góc đương đầu với khó khăn thử thách và con người nhân hậu, khoan dung, bảo vệ những giá trị truyền thống lâu đời. Có lẽ, quan niệm nhà văn chịu ảnh hưởng sâu sắc từ quan niệm truyền thống về con người, coi trọng vẻ đẹp phẩm chất hơn là vẻ đẹp hình thức:
“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người.”
Từ đó, nhà văn Vũ Thư Hiên lên tiếng ca ngợi và trân trọng vẻ đẹp tâm hồn của con người, dù hoàn cảnh có ra sao đi chăng nữa thì họ không bao giờ đánh mất đi sự lương thiện, phần “người” của mình.
Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người trong Miền thơ ấu phần 1