Quan niệm nghệ thuật về con người trong Miền thơ ấu phần 3

Quan niệm nghệ thuật về con người trong Miền thơ ấu phần 3

Bởi Học văn cô Hà Huyền 16/09/2024

Quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn Vũ Thư Hiên trong tiểu thuyết “Miền thơ ấu” thông qua nhân vật cô Gái

Cô Gái là chị cả trong gia đình có bốn chị em. Dưới cô Gái là cô Thiệp, cô Mỹ và chú Tư (bố của Thư). Cô Gái sống trọn đời đồng trinh (không chồng, không con cái) trong ngôi nhà cũ kĩ từ thời cụ kị để lại, các em của cô người thì đi lấy chồng xa, người thì chuyển lên thành phố sống, thành ra một mình cô trông nom nhà cửa, vườn tược. 

Con người bày ra vẻ ngoài xấu xa, đáng sợ để đối mặt với cuộc sống

          Trong sáng tác của mình, Vũ Thư Hiên quan niệm con người thường trưng ra ngoài bộ dạng xấu xa, đáng sợ để đương đầu với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Bởi đó là cách họ xây dựng lớp vỏ bọc cho mình khỏi những ảnh hưởng ngoài xã hội.

          Trong tiểu thuyết “Miền thơ ấu”, tác giả xây dựng nhân vật cô Gái với vẻ ngoài lạnh lùng, đáng sợ. Cô có “vóc người cao lớn, xương xẩu, dáng đi thẳng đuột, bộ mặt quàu quạu, cái nhìn chê bai và soi mói, giọng nói lạnh lùng”. Có lẽ bộ mặt và ánh nhìn cau có, khó chịu đó là một trong những lí do khiến mọi người sợ hãi, tỏ ra e ngại mỗi khi gặp cô. Ngày đầu Thư mới về quê sống, cô gọi cậu bằng chất giọng lạnh lùng, cùng “cái nhìn soi mói, xa lạ, phán xét như nhìn một con vật vừa mua” khiến cậu run sợ, phải ngoan ngoãn nghe lời cô. Cũng chính thái độ lạnh lùng đó, khiến mẹ con cô Thiệp mới về chơi phải lúng túng, sợ sệt, cố gắng làm mọi thứ để cô Gái hài lòng. Hay như khi ông Phó Mão đến nhà xin gạo, ông cũng rào trước với Thư xem cô Gái có nhà hay không. Khi nhận được thông tin cô đã ra ngoài, “ông thở phào nhẹ nhõm”,những lo sợ trong lòng cũng tan biến. Dường như mọi người đều sợ cô Gái, cố gắng né tránh hoặc tìm cách làm cô hài lòng.

          Bộ dạng xấu xa, đáng ghét còn được thể hiện qua tính keo kiệt, bủn xỉn của nhân vật cô Gái. Cô sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo khó, chính hoàn cảnh đó đã tác động đến lối sống của cô. Việc ăn uống và chi tiêu của cô hết sức hà tiện: đong gạo nấu cơm thì chỉ lấy cho vừa đủ; hằng ngày cô chỉ ăn cơm với cá rô kho và “rau muống luộc chấm mắm cáy”; cô ít khi dùng đến diêm, thường thì để lửa bằng đống rấm, nếu rấm tắt thì sang nhà hàng xóm xin lửa, một que diêm cô chẻ làm đôi để dùng dần,… Lối sống hà tiện đó khiến mọi người e dè khi muốn nhờ vả hay xin cô thứ gì. 

Cô Gái còn là người hay ngờ vực và đề phòng, cô lo sợ mọi người trộm tài sản của mình. Nếu sự nghi ngờ ấy với những người xa lạ thì đó là lẽ đương nhiên. Ấy vậy nhưng, cô lại đề phòng ngay cả những người thân trong gia đình. Bằng chứng là, trong mấy ngày cô Thiệp về chơi, cô Gái đã nhắc nhở Thư cần phải cảnh giác: “Coi nhà cho kĩ, cô Thiệp đi một bước là phải theo một bước, kẻo cô táy máy nghe chửa?”. Rồi cả khi cô Gái tuyệt vọng, gào góc vì lũ mối gặm nhấm số tiền tiết kiệm của mình, Thư chạy vào an ủi, động viên, thậm chí giúp cô tìm lại những đồng bạc hoa xòe và những tờ tiền chưa bị mối đụng đến. Tuy nhiên, khi thấy cậu ngồi trước hàng xấp tiền giấy, cô lại tỏ ra ngờ vực, “vội chạy đến”, gạt cháu ra, rồi “hấp tấp cài then cửa”. Hỡi ôi! Của cải vật chất đã che mờ tình thân ruột thịt, nó khiến con người ta trở nên ích kỉ, keo kiệt hơn, nó làm người ta hoài nghi, đề phòng cảnh giác với chính người thân của mình. Thật đáng buồn!

Vốn là người kĩ tính, hay soi xét, cô Gái cảm thấy khó chịu khi con cháu trong nhà nhận đồ của người khác. Khi thấy cô Nhung dấm dúi cho Thư mấy củ khoai lùi hay bắp ngô nướng, cô Gái “coi đó là sự phỉ báng lặng lẽ với bà”. Hay khi cô Thiệp được bạn bè trong xóm cho đồ, cô Gái không cho nhận và phản ứng một cách gay gắt. Với cô việc nhận sự giúp đỡ, hay ân huệ của người khác là một hành động “bêu xấu gia đình”, đánh mất lòng tự trọng, giống như kẻ ăn xin được người khác ban phát, bố thí cho. Cô Gái không chấp nhận việc hạ thấp bản thân mình nhưng điều đó lại vô tình làm tổn thương đến người khác. Người ta sợ không dám cho và cũng chẳng dám nhận thứ gì từ cô, họ sợ sự cay nghiệt của bà.

Ở đời, con người ta thường hay so đo, tính toán với những người xung quanh, bao giờ cũng sợ bản thân thua kém họ. Và thế là họ tìm mọi cách khiến cho mình nổi bật hơn kẻ khác. Sự xấu xa và đáng ghét đó được thể hiện rất rõ trong nhân vât cô Gái. Cô hay hơn thua với những bà cô cùng cảnh như mình –  không lấy chồng – đó là cô Oanh và cô Nhung. Khi thấy cô Oanh cho Thư bánh, cô Gái cũng gói bánh cho cậu ăn rồi tò mò muốn biết bánh của ai làm ngon hơn. Rồi cả khi cô kể chuyện ma cho mấy đứa cháu nghe, cô cũng muốn biết giữa cô, cô Nhung và cô Oanh ai kể hay hơn. Khi nhận được câu trả lời hài lòng, cô Gái “hởi lòng hởi dạ”, “mỉm cười sung sướng”, thế là cô kể hết chuyện này đến chuyện khác mà không thấy mệt.

          Như vậy, ở cô Gái hội tụ những tính cách tiêu biểu như lạnh lùng, keo kiệt, hoài nghi, so đo, tính toán,... Có lẽ, sự nghèo khó của làng quê, sự cô đơn khi phải gồng mình gánh vác trách nhiệm trông nom gia sản của ông bà để lại đã khiến cô trở nên xấu xa, đáng ghét và khó gần. Chính môi trường và hoàn cảnh sống đã nhào nặn con người ta trở nên xù xì, gai góc để chống chọi với những “phong ba bão táp” của cuộc đời. Đứng trước cuộc sống bề bộn, muôn màu muôn vẻ, nếu con người hèn nhát thu mình lại thì rất dễ bị kẻ mạnh hơn bắt nạt và chèn ép.

Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người trong Miền thơ ấu phần 4

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22