Quan niệm nghệ thuật về con người trong Miền thơ ấu phần 4

Quan niệm nghệ thuật về con người trong Miền thơ ấu phần 4

Bởi Học văn cô Hà Huyền 16/09/2024

Con người khoan dung, trân trọng với những giá trị sống

          Con người trong sáng tác của Vũ Thư Hiên hiện lên với vẻ ngoài xấu xa, đáng ghét nhưng bản chất bên trong lại nhân hậu, đáng quý.  

          Bề ngoài, cô Gái tỏ ra là một người lạnh lùng, khó gần nhưng cũng có những khi cô quan tâm và yêu thương người khác. Cô yêu quý người em trai út (bố Thư), vậy nên khi nghe tin em bị bắt giam cô đau buồn và rơi nước mắt. Cô quyết định nhận nuôi Thư, mặc dù trước đó cô chẳng hề quan tâm đến cậu, nhưng có lẽ vì cậu là máu mủ ruột thịt và cũng vì cô thấy thương cho hoàn cảnh của cậu. Cô Gái thấu hiểu được tâm tư, nỗi niềm của người cháu khi phải sống xa gia đình. Cô biết Thư nhớ nhà, cô thương nhưng lại lúng túng không biết làm thế nào cho cậu khuây khỏa. Cô cố gắng nhớ lại những trò chơi thuở thơ ấu của mình để bày cho Thư chơi như đập ruồi làm mồi cho kiến tha, bắt bọ ngựa cho chúng đấu kiếm, gấp thuyền giấy thả xuống ao, đi câu công cống. Nhờ những trò chơi đó của cô mà Thư vơi đi nỗi nhớ, bắt đầu làm quen với cuộc sống ở vùng quê này. Những việc cô làm đó của cô xuất phát từ tấm lòng nhân hậu. Bởi nếu không yêu thương một ai đó, thì ta sẽ chẳng bao giờ quan tâm đến cảm xúc của họ.

          Cô Gái kể cho Thư nghe những câu chuyện thời ông bà nội còn sống, đó là chuyện ông nhắc nhở các con cần giữ cho nhà cửa sạch sẽ, chuyện ông chăm sóc vườn cây, chuyện ngày bé ông bà cho kẹo khi bố Thư buồn… Chính những câu chuyện vụn vặt đó đã gắn kết tình cảm hai cô cháu lại gần nhau hơn. Cô không còn gọi Thư là “mày” lạnh lùng như ngày trước, mà chuyển sang gọi là “cháu”.

          Không chỉ yêu thương người thân trong gia đình, cô Gái còn dành tình thương cho những người nghèo khổ. Khi bán thuốc ở chợ mà gặp người bệnh nghèo, cô sẵn sàng cho không mà chẳng lấy của họ đồng nào. Cô Gái cũng thương hoàn cảnh của ông Nhiêu Tuất, nhà nghèo, lại bị vợ bỏ, con cái đi làm ăn xa ít khi gửi thư về. Lắm lúc cô tức giận thay ông: “Cái thằng con nhà Nhiêu Tuất không thấy gửi gì cho bố, quân bất hiếu bất mục” rồi lo lắng “không biết ông lão lấy gì ăn”. Thế rồi cô lại bảo Thư “mang sang cho ông Nhiêu Tuất một rá gạo”, nhờ đó mà ông cầm hơi chờ được tiền con trai gửi về. Với chú Khóa, khi biết Thư lén lút mang gạo cho chú, cô cũng không quát mắng. Đặc biệt, lúc chú Khóa mất, cô bỏ tiền cho người khiêng chú đi chôn và đóng tiền vào nhà xứ “để xin một lễ Mi-sa mồ cầu cho linh hồn chú”. Trong nạn đói, ông Phó Mã dắt hai đứa con đến nhà cô Gái xin ăn. Một lần nữa, Thư lại lén lút mang gạo cho ông lão. Khi biết tin, cô Gái “khen cháu sáng dạ”, cô còn sợ “thằng cháu ở nhà không biết san sẻ với người đói”. Từ những việc làm ở trên, ta chẳng còn thấy một cô Gái keo kiệt, bủn xỉn mà là một người có tấm lòng nhân hậu, biết yêu thương, giúp đỡ người khác. Tấm lòng đó thật đáng trân trọng!

Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người trong Miền thơ ấu phần 5

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22