Quan niệm nghệ thuật về con người trong Miền thơ ấu phần 2

Quan niệm nghệ thuật về con người trong Miền thơ ấu phần 2

Bởi Học văn cô Hà Huyền 16/09/2024

Vài nét về nhà văn Vũ Thư Hiên và tiểu thuyết “Miền thơ ấu”

Nhà văn Vũ Thư Hiên

          Vũ Thư Hiên sinh năm 1933 tại Hà Nội, bút danh là Kim Ân. Cha ông là Vũ Đình Huỳnh và mẹ là Phạm Thị Tề đều là thành viên của Thanh niên cách mạng Đồng chí Hội – tiền thân của Đảng cộng sản Đông Dương. Năm mười ba tuổi, ông tham gia đội tuyên truyền xung rồi trở thành người lính năm mười sáu tuổi. Trong thời gian này, tài năng văn chương của ông dần được bộc lộ.

Năm 1953, Vũ Thư Hiên sáng tác vở kịch “Lối thoát”, đây là tác phẩm giúp ông gia nhập vào làng văn nghệ kháng chiến. Sau đó, Vũ Thư Hiên được mọi người biết đến nhiều hơn nhờ dịch “Bông Hồng Vàng” và tập truyện ngắn của nhà văn Nga K.G. Paustovsky. Tuy nhiên, đến truyện ngắn “Đêm mất ngủ” và kịch bản “Đêm cuối cùng, ngày đầu tiên” thì ông bị gán cho tội bất mãn chế độ, không lập trường giai cấp và bị đẩy vào tù. Năm 1976, ông ra tù rồi tiếp tục dịch sách, viết truyện và kịch. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông sau năm 1975 như Luật rừng, Khúc quân hành lặng lẽ, Miền thơ ấu, Đêm giữa ban ngày. 

Tiểu thuyết “Miền thơ ấu”

“Miền thơ ấu” được Vũ Thư Hiên sáng tác trong hoàn cảnh đặc biệt, đó là vào thời gian ông bị bắt giam. Vũ Thư Hiên chia sẻ, mùa đông năm 1967, giữa cái lạnh buốt giá, ngồi trong xà lim không có lò sưởi, không có quần áo ấm, ông bỗng cảm thấy rất nhớ quê hương. Có lẽ, cái mùi khói cay nồng từ đống lá mà công nhân quét đường đốt lên để sưởi ấm bên kia bức tường đá của nhà ngục, bay vào trong xà lim đã đánh thức những kí ức về thời thơ ấu của nhà văn. Bởi vì, ở quê của ông, người ta cũng thường đốt những đống rấm như thế để ngăn sương muối không hạ xuống vườn rau.

Bằng tình yêu và nỗi nhớ da diết về quê hương, Vũ Thư Hiên đã quyết định viết một cuốn sách về cái làng quê nghèo khó ấy, nơi chứa đựng biết bao kỉ niệm đáng nhớ của tuổi thơ. Ông bắt đầu thực hiện ý tưởng của mình từ mùa thu năm 1969. Lúc đầu, ông viết trên vỏ bao thuốc lá, giấy kẹo, trên những riềm báo cũ bằng hai cái ruột bút. Những mẩu bản thảo được gia đình bí mật đưa ra ngoài và tập hợp thành một bản hoàn chỉnh. Sau khi Vũ Thư Hiên ra tù, mãi tới năm 1987 cuốn sách mới được nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh in ra. Cũng trong năm này, “Miền thơ ấu” đạt giải A, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cho hạng mục tiểu thuyết.

Miền thơ ấu” kể về cậu bé Thư 7 tuổi sống cùng gia đình ở Hà Nội vào khoảng những năm 40 của thế kỉ XX. Nhưng vì một biến cố đặc biệt – bố cậu tham gia hoạt động cách mạng bí mật rồi bị bắt – cậu phải về quê sống với cô Gái (chị cả của bố). Đó là một làng quê bùn lầy nước đọng ở vùng chiêm trũng Bắc Bộ, một xứ đạo Công giáo thuần thành. Mới đầu về, cậu bị cô Gái bắt học kinh bổn, cầu nguyện, đi nhà thờ,… rồi được cô dẫn đi chào hỏi các cô bác xung quanh. Dần dần, cậu cũng quen với cuộc sống làng quê, đi câu cá, tập bơi, tụ tập cùng các anh chị nghe kể chuyện ma, lén lút mang gạo cho người nghèo,… Những điều này đã trở thành một phần kí ước khó phai trong tâm hồn của cậu bé Thư.  

Mỗi nhân vật trong truyện đều có hoàn cảnh, tính cách và số phận riêng, cô Gái là một con chiên ngoan đạo, sống trọn đời đồng trinh, tính keo kiệt, bủn xỉn nhưng lại thương người nghèo, cô Thiệp nhút nhát, cố gắng làm mọi thứ để vừa lòng mọi người, chị Phương hiền lành, cam chịu gánh vác công việc của gia đình, ông Nhâm Tuất bị vợ bỏ, con trai đi làm ăn xa ít thư từ gửi về… Ở cái làng quê ấy, con người tuy nghèo khó, vất vả, dù đôi khi họ đỗi đãi với nhau nghiệt ngã, tủn mủn, nhưng ẩn phía sau là vẻ đẹp mộc mạc, chân chất, là tấm lòng nhân hậu, bao dung.

Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người trong Miền thơ ấu phần 3

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22