Quan niệm nghệ thuật về con người trong Mây trắng cò bay phần 2

Quan niệm nghệ thuật về con người trong Mây trắng cò bay phần 2

Bởi Học văn cô Hà Huyền 05/11/2024

Quan niệm về nghệ thuật con người sau chiến tranh

Ai đã đọc Bảo Ninh nếu chấp nhận được văn phong của anh hẳn sẽ thấy một năng lực chữ nghĩa dồi dào như mạch chảy ào ạt của sông suối. Văn Bảo Ninh giầu hình ảnh, trầm buồn, uyển chuyển, lắt léo, bất ngờ nhưng rất thực rất đời. Chữ nghĩa của Bảo Ninh cầu kỳ nhưng lại rất chính xác và đặc biệt ngập tràn cảm xúc (Phạm Ngọc Tiến).

​​​​​​​​​​​​​​Con người cô đơn, xa lạ

Trong thời chiến bà cụ là nhân vật anh hùng. Nhân vật bà cụ được kể vốn không được kể chi tiết về lai lịch. Không tên. Không tuổi. Không rõ quê hương. Lai lịch mờ đi. Người đọc gom lại trong câu chuyện chỉ thấy qua cách xưng hô của các nhân vật để thấy bà cụ tuổi đã cao; qua trần tỉnh về giá vé máy bay để thấy bà ở một miền quê nào đó; qua câu van xin để thấy bà từng là người chiến sĩ của thế trận chiến tranh nhân dân của Đảng ta trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ nối tiếp đến 30 năm (1945-1975). Mờ hóa về lai lịch của nhân vật vốn không phải là điều xa lạ trong văn học, thậm chí, khi đọc sáng tác của nhà văn nổi tiếng thế giới Kafka, nhân vật trong sáng tác của ông cũng thường không tên, nếu có cũng là dạng kí hiệu K,N,A,.. Dẫu có sự mờ hóa về lai lịch, nhưng chỉ cần thông tin về tấm ảnh con trai cụ đã hy sinh: Tấm ảnh được cắt ra từ một tờ báo, đã cũ xưa, nhưng người phi công trong ảnh còn rất trẻ đủ để người đọc nhận thấy bà xứng đáng là người mẹ Việt Nam anh hùng. Một người kháng chiến toàn tâm hướng về cách mạng.

Chiến tranh 30 năm chống Pháp, chống Mỹ, nhất là kháng chiến chống Mỹ, diễn ra rất ác liệt. Bom đạn kẻ thù, sự tiếp tay của những người Việt Nam quay lưng lại với lợi ích dân tộc, đi theo danh lợi của tiền bạc mà “bán nước cầu vinh” đã gây ra biết bao tổn thất, mất mát và đau thương cho nhân dân, cho lịch sử dân tộc. Để có chiến thắng hào hùng, có những “Điện Biên Phủ trên không”, …thì cũng đồng nghĩa với việc có nhiều chiến sĩ “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”, đã “áo bào thay chiếu anh về đất”, nhiều người mẹ “”Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”. Con trai bà cụ đã chiến đấu và hy sinh cũng là phản ánh khốc liệt của chiến tranh như thế. Điều để người đọc trân trọng, biết ơn những gia đình như của cụ, những người mẹ như cụ, những anh hùng trẻ tuổi như con trai cụ đã sống một thời oanh liệt, một đời hiến dâng “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Ra trận, chiến đấu và hy sinh để giải phóng dân tộc, để thống nhất đất nước là lý tưởng của thời đại Hồ Chí Minh. Thế nên, hình ảnh Tấm ảnh được cắt ra từ một tờ báo, đã cũ xưa, nhưng người phi công trong ảnh còn rất trẻ cũng là hai khía cạnh của vấn đề: vừa là sự mất mát hy sinh, nỗi đau thương; nhưng vừa là tấm gương về người anh hùng, là ánh sáng soi đường cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng của những con người xuất thân “Quê hương anh nước mặn đồng chua/Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”! Thời chiến đã là miền kí ức khuất đi trong câu chuyện, nó chỉ đồng hiện trong hành động tìm lại hình bóng của con trong tâm khảm của ngừi mẹ. Dấu ấn huy hoàng của thời đại anh hùng cũng trở nên mỏng manh trong lớp ngôn từ kể chuyện, nhất là trong tâm trí của những người còn sống. Nhà văn không dùng quyền năng của mình trong những năm tháng tham gia chiến tranh để tô vẽ cho thời đại hào hùng như thế. Nhà văn cũng lùi vào phía sau, thật xa, lỡ cỡ với chính cuộc sống này!

Trong thời bình – bà cụ là con người cô đơn, xa lạ. Lai lịch nhân vật bà cụ trong “Thời xa vắng” cũng mỏng mảnh như làn mây trên nền trời xanh thẳm. Trước mặt của người kể chuyện xưng tôi, bà cụ vẫn không được tô đậm thêm, không sáng tỏ thêm. Người đọc chỉ thấy, trong dãy ghế có ba chỗ ngồi, bà cụ là một hành khách của chuyến bay, người đến từ một “thế giới khác”. Những thông tin về hành khách: họ tên, tuổi, số chứng minh nhân dân, điểm khởi hành cũng xóa mờ.

Xóa mờ lai lịch nhân vật như nhân vật bà cụ còn lan ra cả khoang máy bay. Chỉ duy nhất, sự vật được xác định là máy bay mang số hiệu TU (một loại máy bay dân dụng do Liên Xô sản xuất), còn lại những nhân vật khác cũng bị xóa mờ lai lịch. Người đọc chỉ biết đến tên chung chung: nhân vật xưng tôi, nhân vật dùng đặc điểm trang phục (tay mặc comple), nhân vật mang đặc điểm nghề nghiệp (cô tiếp viên). Lai lịch của bà cụ được biết đến không còn là một chiến sĩ, một người kháng chiến nữa, mà là một công dân, một người nông dân trong xu hướng xây dựng xã hội Độc lập – Tự do – Hạnh phúc! Bước ra từ quá khứ hào hùng, ánh hào quang thời đại không đủ giúp bà cụ tìm được sự bình an trong cuộc sống. Hiện lên trong toàn bộ câu chuyện là hình ảnh của bà cụ già, cuộc sống khó khăn: Hình vóc bé nhỏ, teo tóp của bà như chìm lấp vào thân ghế. Ở quê đừng nói triệu với trăm ngàn, ngàn với trăm cũng khó. Trên chiếc bàn gấp bày đĩa hoa cúng, nải chuối xanh, mấy cái phẩm oản và ba cây nhang cắm trong chiếc cốc thủy tinh đựng gạo.

Nhìn từ những dấu ấn ngoại hình: bé nhỏ, teo tóp, nhìn từ dấu ấn kinh tế gia đình: ngàn, trăm cũng khó. Nhìn từ vật phẩm cho con: hoa, nải chuối xanh, phẩm oản, ba cây nhang,..Từ những cái bà có, bà sở hữu đều xác lập cuộc sống vật chất đạm bạc, nghèo khó. Đó còn là bà cụ như lạc lõng, xa lạ với cuộc hiện đại. Hành trình chuyến bay hơn 1 giờ đồng hồ bà cụ là trung tâm của câu chuyện. Bà bộc lộ sự ngây ngô trước sự vật trong không gian mới lạ bên ngoài: mây trời, không gian, điểm đến,..Bà bộc lộ sự ngây ngô trước sinh hoạt trong không gian máy bay: ăn nhẹ trên máy bay, giá vé, an toàn bay,…Đó còn là bà cụ với nỗi đau dai dẳng. Hành trình của chuyến bay là hành trình bà tìm về miền con khuất. Bà chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi nhớ con: lưu giữ tấm ảnh, tìm hình bóng của con nơi đơn vị cũ. Bà sợ hãi trước sự phản đối của người ngồi bên cạnh về mong mỏi tâm linh của mình. Thái độ của bà cụ cho thấy tình cảm thiêng liêng của tình mẫu tử và nỗi đau không thể chữa lành mà chiến tranh đã để lại cho cuộc đời người ở lại.

Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người trong Mây trắng cò bay phần 3

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22