Trong cuộc xung đột, tranh giành giữa hai dòng họ Trịnh Bá và Vũ Đình mà nổi bật là cuộc đụng độ đầy kịch tính giữa Hàm và Thủ, Phúc, mỗi con người đều có những toan tính, mưu mô, thủ đoạn riêng. Họ nhân danh sự trung thực, tinh thần đấu tranh, tính đảng để hầm hè, đấu đá, giành giật chỗ ngồi. Tưởng như họ hiền lành vì công lý nhưng thực chất là cuộc đấu tranh của những con quỷ hiện lên trong cuộc sống ở làng quê Việt Nam thời hậu chiến.
Ở nhân vật Vũ Đình Phúc ta thấy được sự mưu mô thủ đoạn đến ghê người. Chỉ vì hai chữ chức quyền mà con người ta đã đánh mất đi cả đạo đức, sẵn sàng làm cả những chuyện bất nhân. Phúc đã quyết liệt, hùng hổ đứng lên đấu tố cha mình ở giữa làng để chứng tỏ lòng mình không bị địa chủ nhuộm đen. Phúc là một con người lắm mưu, nhiều kế, biết tính toán bằng mọi cách để có lợi cho bản thân, cho gia tộc nhà mình. Ông đã từng đưa ra quan điểm cho riêng mình khi đề cập đến vấn đề muốn lên chức vị ở thôn xóm: “Muốn có chỗ đứng thì phải biết lựa, chân dù nhún nhưng lòng vẫn khinh. Nhún với mấy thằng xằng để giữ cái lớn hơn, cái lâu dài. Bấy giờ không thế thì làm gì còn Đảng. Mà không có cái chân đảng viên thì cả họ nhà này chúng nó cho ăn bùn. Chân trắng thì làm gì chen được cái chân chủ nhiệm Hợp tác xã sáu, bảy năm trời? Mấy đứa trong họ nhà này được vào Đảng là nhờ ai? Tôi không ngồi đấy thì có mà mục thất” [2, tr.24].
Cũng trên mối xung đột quan hệ dòng họ, ở ông Hàm – một vị trưởng tộc dòng họ Trịnh Bá – lại là một người có lòng thù oán, căm tức dòng họ Vũ Đình một cách mạnh mẽ, quyết liệt hơn vì nó gắn liền với những thứ quan trọng nhất trong cuộc đời ông. Đó là hình ảnh người bố với lời trăn trối trước khi nhắm mắt xuôi tay và chuyện tình của vợ ông với Phúc. Lòng thù hận ấy luôn dồn nén, tích tụ trong ông. Ông luôn khắc sâu trong tâm can lời dặn dò của người bố với bao nỗi uất ức, sâu cay: “Trịnh Bá Hoành dặn Hàm sống ở làng này phải biết bố con Đại – Phúc là ai? Là người không thể đi chung đường, ngồi chung chiếu. Không bao giờ nó muốn ta ngóc đầu lên được” [2, tr.62]. Sau khi đọc đi đọc lại những điều bí mật của người cha quá cố để lại được cất giữ kỹ càng trong cái tráp bằng gỗ nghiến nhỏ là phương cách trả thù dòng họ Vũ Đình. Lòng ông Hàm dấy lên một sự quyết tâm trả thù và ông đã xác định được mình phải làm gì lúc này: “Thì phen này ông sẽ cho cả họ nhà mày ăn bùn! Ăn bùn” [2, tr.64]. Sự thù hằn giữa hai dòng họ Trịnh Bá – Vũ Đình ngấm trong máu ông Hàm ngày càng mãnh liệt, trào dâng không bao giờ nguội lạnh.
Nguyễn Khắc Trường cũng rất thành công khi thể hiện nhân vật Thủ, một nhân mẫu lớn ở nông thôn, với quyền chức trong tay, bề ngoài nhũn nhặn, mềm mỏng, luôn sống vì dân, vì nước, nhưng thực chất lại thâm độc, thủ đoạn, xảo quyệt, tàn bạo. Mỗi lời nói, suy nghĩ, hành động của Thủ là một toan tính kỹ càng, lươn lẹo, khéo léo khiến cho mọi người thấy được mà không thể phơi bày, lên án được ông. Bởi vì ông biết lôi kéo đối phương, biết xoay chuyển tình thế và quan trọng hơn là biết lấy lòng người. Là một bí thư – quyền cao nhất trong xã, nhưng làm việc gì Thủ cũng nghĩ đến việc tư, nghĩ đến gia tộc mình. Trong lòng Thủ đa mưu, láu lỉnh như đi guốc trong bụng người khác nên ông biết khi nào cần tiến, khi nào cần lui để thu phục lòng người. Con người của Thủ ít để ra sơ hở, điểm yếu của mình nên mọi người khó nắm bắt, quy tội được Thủ tuy trong lòng họ rất ấm ức, bực mình.
Với nhân vật Thủ, người đọc nhận thấy ở nhân vật này là con người nham hiểm, mưu mô và đầy thủ đoạn. Vì lòng đố kị, ghen ghét cùng với đó là mối thù hận giữa hai dòng họ, với chức danh bí thư xã, đeo mác đảng viên trên người, Thủ đã lợi dụng những thứ này như những công cụ, phương tiện hỗ trợ đắc lực cho mình trong việc thực hiện những toan tính trên. Thực nguy hiểm biết bao khi con người với chức trách đảng viên kia đã không đem tài năng, trí lực của mình để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng ở quê hương, làng xã. Chính những con người như Thủ đã gián tiếp góp phần đưa tới một cuộc sống trì trệ, bảo thủ, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của làng xã nông thôn Việt Nam xưa mà xóm Giếng Chùa là hình ảnh tiêu biểu.
Như vậy, qua những nhân vật trong Mảnh đất lắm người nhiều ma, chúng ta nhận thấy Nguyễn Khắc Trường đã đi sâu vào một trong những vấn đề phức tạp và rắc rối nhất ở nông thôn nước ta thời hậu chiến là qua n hệ dòng tộc. Tác phẩm đã phơi bày hiện thực mâu thuẫn, gay gắt dâng lên thành những đỉnh điểm, cao trào với những màn đấu trí, đấu lực dựa trên lòng thù hận. Tác giả đã khắc họa về sự biến chất, tha hoá của những người có chức có quyền ở nông thôn trong giai đoạn chuyển tiếp. Ở đó quan hệ người với người có lúc còn tàn bạo hơn cả loài thú vật và nguy hiểm hơn là nó còn nhân danh Đảng, chính quyền để hạ bệ nhau, rửa thù hận bằng những mưu mô thủ đoạn độc ác một cách tàn bạo, trắng trợn.
Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người trong Mảnh đất lắm người nhiều ma phần 4