Quan niệm nghệ thuật về con người trong Mảnh đất lắm người nhiều ma phần 1

Quan niệm nghệ thuật về con người trong Mảnh đất lắm người nhiều ma phần 1

Bởi Học văn cô Hà Huyền 14/09/2024

Tóm tắt:

“Mảnh đất lắm người nhiều ma” là một trong những sáng tác tiêu biểu của nhà văn Nguyễn Khắc Trường. Tác phẩm xoay quanh câu chuyện về làng Giếng Chùa những năm đói kém, nhiều hạng người, nhiều loại nhân vật bị cuốn cuộn vào các sự kiện dồn dập. Trong đó phảng phất sự u ám giữa những cuộc tranh giành của các dòng họ hay giữa những thế hệ cũ và tư tưởng bảo thủ tranh đấu nhằm mục tiêu loại trừ lẫn nhau. Quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn Nguyễn Khắc Trường đã được bộc lộ rõ nét qua những trang viết về một vùng nông thôn với nhiều thay đổi qua các sự chuyển giao, xáo trộn, tranh đấu giữa các bên đối lập nhau, tranh chấp nhau giữa các thế hệ cũ như ông Thủ, ông Phúc rồi cho đến khi lớp người trẻ như Đào và Tùng họ bắt đầu tiếp cận với những đổi thay đã bắt đầu vén màn cho những tia sáng xóa tan lớp màn đêm u tối quấn lấy tư tưởng và cuộc sống của mỗi người dân nơi làng Giếng Chùa. Bên cạnh đó, không gian ma trong tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma”, đã cho thấy sự sáng tạo độc đáo của nhà văn Nguyễn Khắc Trường. Đó cũng là một điểm nhấn giúp nhà văn thể hiện rõ cái nhìn nghệ thuật về con người trong giai đoạn lúc bấy giờ. Như vậy, việc khảo sát và tìm hiểu về tác phẩm không chỉ mang đến cho người đọc những khám phá, chiêm nghiệm về sự đổi thay từng ngày của vùng nông thôn Việt Nam mà còn làm sáng tỏ quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn Nguyễn Khắc Trường.

Đặt vấn đề

Văn học Việt Nam sau năm 1975 đã có sự biến đổi mạnh mẽ và sâu sắc. Trong đó nổi bật là những vấn đề thế sự và đời sống hằng ngày. Có thể nói năm 1986 là một dấu mốc quan trọng trong đời sống xã hội nói chung và đời sống văn học nghệ thuật nói riêng. Bởi đây là thời điểm ghi nhận sự đổi mới tư duy trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có văn học. Với không khí cởi mở, dân chủ của đời sống văn học tác động mạnh mẽ đến chủ thể sáng tạo với quan niệm mới về nhà văn, sự thay đổi quan niệm nghệ thuật về hiện thực và con người hay sự thay đổi thi pháp thể loại của các thế hệ nhà văn Việt Nam, từ lớp nhà văn tiền chiến như Tô Hoài, Chế Lan Viên đến những cây bút hậu sinh.

Có thể thấy Nguyễn Khắc Trường cũng là một nhà văn tiêu biểu và tạo được thành công trong giai đoạn đổi mới từ sau 1986 đến nay. Ông đã mang vào tác phẩm của mình cái nhìn toàn diện cùng những đánh giá sâu sắc về những cống hiến thầm lặng của những người lính trong và sau chiến tranh, cũng như những vỉa sâu tâm hồn đang dậy sóng trong con người ở thời kỳ đổi mới đất nước. Văn xuôi sau 1975 của Nguyễn Khắc Trường nổi bật với những mảng đề tài viết về người anh hùng, người lính và đề tài nông dân. Với tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” chúng ta như bước vào một thế giới với những toan tính, thủ đoạn, sự tha hoá, biến chất của con người ở nông thôn trong thời hiện đại với những mâu thuẫn mới đang nảy sinh trong cuộc sống.

Đặc biệt, mảng đề tài viết về nông thôn của nhà văn được người đọc và giới phê bình văn học quan tâm, ghi nhận và chú ý nhiều nhất. Bởi Khắc Trường là một trong những cây bút mạnh dạn xoáy sâu vào những vấn đề lưu cửu, nhức nhối đang diễn ra đau xót ở nông thôn nước ta trong giai đoạn chuyển đổi từ cơ chế cũ sáng cơ chế mới. Bằng chính tâm hồn của một người nông dân chân chính, lại thêm có vốn hiểu biết cùng với tấm lòng nhân hậu, Nguyễn Khắc Trường đưa được hiện thực nông thôn Việt Nam thời kỳ đổi mới hướng ra ánh sáng, thức tỉnh lươn g tâm của mỗi con người để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tóm lại, trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Khắc Trường, tiêu biểu là tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” ta có thể nhận ra quan niệm nghệ thuật về con người trong văn xuôi của ông có tính định hướng và nhất quán ngay từ đầu. Đó là sự hướng đến những giá trị của chân thiện mỹ trong cuộc sống.

Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người trong Mảnh đất lắm người nhiều ma phần 2

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22