Kết luận
Quan điểm nghệ thuật về con người, đặc biệt là con người nhỏ bé được nhắc đến nhiều từ thời kì trung đại như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… Đến văn học hiện đại, Bùi Hiển là một trong số các nhà văn viết nhiều về những con người bé nhỏ, thường là những anh trí thức tiểu tư sản nghèo đói, sống một cuộc đời bế tắc, quẩn quanh. Con người nhỏ bé trong sáng tác của ông là những người có cuộc đời trầm lặng, ngột ngạt và cam chịu, thỏa hiệp với tất cả. Xã hội với những bế tắc đã tạo ra một lớp người nhỏ bé như vậy: nhỏ bé cả về vật chất và nhỏ bé từ bên trong linh hồn. Bùi Hiển đã phát hiện và đưa vào trong văn học những hiện tượng ấy để phơi bày hiện thực xã hội và nhìn thẳng vào bản chất con người.
Dưới góc nhìn so sánh, tác phẩm Chiếc áo khoác của Gogol và Cái đồng hồ của Bùi Hiển được nhìn nhận trên nhiều phương diện. Bùi Hiển chịu ảnh hưởng bởi sáng tác của Gogol, chính ông cũng coi việc đọc những nhà văn khác là nguồn cảm hứng để sáng tạo. Ở hai tác phẩm, ta đều bắt gặp hình ảnh người công chức tầng lớp dưới của xã hội. Họ sống cuộc đời nghèo khổ, ngột ngạt, tự biến mình thành những cái máy vô cảm. Bi kịch của họ, một phần nào đó, cũng chính là bi kịch chung của con người. Bi kịch vật chất, bi kịch tinh thần như có thể chôn vùi cuộc đời họ, chỉ còn những cái bóng lờ mờ như cố gắng để lại một dấu vết gì trên cuộc đời này. Sự nhỏ bé thấm sâu vào trong linh hồn khiến cuộc đời của họ mệt mỏi, ngột ngạt.
Bài Seminar của người viết được lấy cảm hứng quan niệm con người nhỏ bé trong sáng tác của Bùi Hiển, cụ thể là tác phẩm Cái đồng hồ - một truyện ngắn còn tương đối mới mẻ, chưa có những nghiên cứu sâu sa. Bên cạnh đó, bản thân người viết nhận thấy sự kế thừa và những nét khác biệt trong sáng tác của Bùi Hiển so với sáng tác của Gogol. Dưới góc nhìn so sánh, chúng tôi muốn trình bày những đặc điểm nổi bật nhất của hai tác phẩm và hai tác giả, đồng thời thấy được nét riêng biệt của từng nhà văn. Đây là một đề tài chưa được tìm hiểu và nghiên cứu sâu rộng, vì vậy chúng tôi hi vọng bài báo cáo sẽ đóng góp một phần nhỏ nào đó vào quá trình tìm hiểu quan niệm về con người bé nhỏ, và mở rộng ra mối quan hệ giữa văn học Nga và văn học Việt Nam trong tiến trình vận động và phát triển. Văn chương đích thực, có giá trị chưa bao giờ là một cuộc sao chép nguyên mẫu. Để có thể tồn tại, văn chương luôn đòi hỏi người nghệ sĩ phải tìm ra những khác biệt, sáng tạo từ những gì có vẻ quen thuộc nhất.
Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người nhỏ bé trong Cái đồng hồ phần 1