Quan niệm nghệ thuật về con người nhỏ bé trong Cái đồng hồ phần 1

Quan niệm nghệ thuật về con người nhỏ bé trong Cái đồng hồ phần 1

Bởi Học văn cô Hà Huyền 07/11/2024

Mở đầu

Nhà văn Nga M. Gorki quan niệm: “Văn học là nhân học”.  Khi ta đọc bất cứ một tác phẩm văn học nào, ta đều thấy có sự xuất hiện của con người. Như vậy, có thể nói tất cả những gì liên quan tới con người đều là vấn đề quan tâm của văn học. Con người được xuất hiện trong văn học, là sản phẩm của nhà văn, thể hiện cách nhìn, cách cảm, quan niệm của nhà văn về con người. Trong dòng chảy lịch sử văn học, nó luôn luôn đổi thay quan niệm nghệ thuật về con người qua từng thời kì. Đây là yếu tố then chốt, cơ bản nhất của một chỉnh thể nghệ thuật, chi phối tới quan niệm sáng tác của các nhà văn.

Văn học hiện thực ở Việt Nam thời kì 1940 - 1945 có những nét khác biệt với thời kì 1930 - 1939 trước đó. Nếu như ở thời kì trước, các cây bút hiện thực đi vào phanh phui những mâu thuẫn giai cấp quyết liệt thì ở giai đoạn này, các nhà văn dường như có xu hướng đi vào các vấn đề hằng ngày và những con người nhỏ nhoi, còm cõi... Bùi Hiển là nhà văn có vị trí quan trọng trong nền văn học Việt Nam, là cây bút truyện ngắn kỳ cựu của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Với thể loại truyện ngắn, Bùi Hiển đã sớm tạo cho mình một phong cách riêng, thể hiện ở sự quan sát tinh tế, ở cái nhìn đôn hậu hóm hỉnh mang đậm tính nhân văn. Hơn nửa thế kỉ bền bỉ, thủy chung với thể loại truyện ngắn, Bùi Hiển đã được giới nghiên cứu phê bình và công chúng văn học đánh giá là cây bút truyện ngắn có hạng của văn xuôi Việt Nam.

Nội dung

Quan niệm nghệ thuật về “Con người nhỏ bé” trong Văn học Việt Nam

      Với văn học hiện thực, mỗi nhà văn lại có cách nhìn, cách cảm, quan niệm khác nhau. “Con người nhỏ bé” là kiểu nhân vật xuất hiện nhiều trong văn học hiện thực, thường ở những vị trí thấp kém trong xã hội. “Con người nhỏ bé” luôn là đối tượng được các nhà văn và độc giả quan tâm trong hoàn cảnh xã hội tồn tại rất nhiều ngang trái, bất công.

     Quan niệm nghệ thuật về “con người nhỏ bé” đã xuất hiện trong văn học Việt Nam từ thời cổ. Trong ca dao, ta bắt gặp người phụ nữ thân phận bất hạnh, chịu ép buộc bởi lễ giáo: “Thân em như tấm lụa đào/ Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?”. Trong văn học trung đại, các nhà thơ nhà văn đã đề cập đến thân phận những con người nhỏ bé: người mẹ và những đứa trẻ trong Những điều trông thấy - Nguyễn Du; số phận bất hạnh của Thúy Kiều; thân phận nhỏ bé của người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương... Tuy nhiên, những sáng tác ấy còn chưa mang tính chất phổ biến, chưa tạo thành dòng văn học riêng. Cho đến khi bước sang thời kì văn học hiện đại, dòng văn học hiện thực ra đời, đặc biệt ở giai đoạn 1930 – 1945, hình tượng con người nhỏ bé đã trở thành hình tượng mang tính phổ quát của văn học. Hình tượng văn học ấy gắn với những cái tên như Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Bùi Hiển, Kim Lân, Nam Cao... Các nhà văn đã hướng ngòi bút vào việc phản ánh số phận, cuộc đời của những con người khốn cùng, những con người dưới đáy của xã hội, đồng thời thể hiện tình cảm yêu thương, cảm thông với những con người nhỏ bé. Cũng như nhiều nhà văn hiện thực thời kì ấy, Bùi Hiển đã hướng ngòi bút tới số phận những con người nhỏ bé thuộc tầng lớp tiểu tư sản: những viên chức nghèo, nhà giáo “còm”, học trò “tỉnh lẻ” với một niềm xót xa thông cảm, nhưng đồng thời cũng lên án nghiêm khắc lối “sống mòn” với những biểu hiện khác nhau của họ. Cuộc sống “xam xám, nhờ nhờ” đã làm cho người tiểu tư sản trở thành những kẻ nhu nhược hèn yếu, mang trong mình thói nô lệ thảm hại. Bùi Hiển đã phê phán gây gắt thói nô lệ, một biểu hiện tệ hại của lối sống phàm tục của tầng lớp tiểu tư sản trước cách mạng. Thói nô lệ làm cho những con người vốn đã nhỏ bé lại càng nhỏ nhoi, hèn hạ, vô nghĩa lý hơn. Và từ những câu chuyện xoàng xĩnh dường như không có cốt truyện đó cứ lặng lẽ toát ra các vấn đề khiến người đọc phải vấn vương sau khi đọc. Bùi Hiển luôn có ý thức khám phá vẻ đẹp trong tâm hồn con người, thể hiện lòng tin yêu ở con người, mặc dù ông không tô vẽ, lí tưởng hóa. Ông cố tìm tòi để phát hiện trong chiều sâu tâm hồn con người những phẩm chất tốt đẹp. Bùi Hiền sẵn có niềm tin vào khả năng hướng thiện của con người. Ông cho rằng: “Con người suy cho cùng vẫn luôn hướng tới những gì đẹp đẽ thanh thản và cao quý... và con người hãy biết quan tâm đến nhân, lắng nghe của nhau những gì chắt lọc và thuần khiết diễn ra trong tâm tưởng để thêm chỗ dựa cho lòng tin, thêm sức mạnh mà phấn đấu cho đời” [2]. Những suy nghĩ ấy cho thấy hạt nhân trong tinh thần nhân đạo của ngòi bút Bùi Hiển.

Có thể nói rằng, quan niệm nghệ thuật về “con người nhỏ bé” là quan niệm khá quen thuộc trong nền văn học Việt Nam và đã trở thành nhân vật trung tâm của nhiều tác phẩm văn học và là nguồn cảm hứng nghệ thuật, thể hiện quan điểm nhân đạo về con người của các nhà văn hiện thực.

Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người nhỏ bé trong Cái đồng hồ phần 2

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22