Điểm tương đồng
Trong Chiếc áo khoác, nhân vật Akaki Akakievich – cái tên lấy đại một tên từ người bố quá cố (tức Akaki con của ông Akaki, “tên bố nó làm sao thì cứ gọi nó như vậy” - đã nhấn mạnh cái bản chất “chỉ biết chép mà không biết nghĩ” của nhân vật). Nhân vật xuất hiện trước mắt người đọc vói hình dáng “thân hình nhỏ bé, mặt hơi rỗ, tóc hơi hung hung, mắt lại cận thị, trán hơi hói, má đã hằn nhiều nếp nhăn và có nước da mà người ta gọi là của kẻ bệnh trĩ” [6; tr 131], với công việc “bao giờ cũng vẫn ngồi nguyên một chỗ, giữ nguyên một tư thế, một chức vụ bao giờ cũng làm cái công việc sao chép; đến nỗi lâu dần người ta tin chắc rằng bác sinh ra đã mặc chế phục, sẵn sàng bắt tay vào công việc” [6; tr 133]. Ở địa vị thứ 9 trong tổng số 14 bậc, mọi người không tôn trọng, không ai coi bác ra gì. Ngoài công việc này ra, bác chẳng còn quan tâm gì nữa, “thế giới xung quanh diễn biến ra sao, bác không cần biết đến”. Bác ta không nhận ra được sự vô nghĩa trong cuộc việc và cuộc sống, ngược lại tỏ ra say mê với chúng như cố ý tạo ra một ảo ảnh làm cứu cánh cho tâm hồn nghèo nàn, chai sạn và vô cảm của mình. Như vậy, điểm chung gặp gỡ đầu tiên trong quan niệm về con người nhỏ bé là bi kịch nhân sinh trong đời sống thường ngày. Trong truyện, hai nhân vật đều là những viên chức nhỏ, đều làm công việc nhàm chán, tẻ nhạt như những cỗ máy. Bên cạnh đó, đời sống sinh hoạt cũng gặp rất nhiều khó khăn: một người quanh năm chỉ mặc một chiếc áo khoác cũ, khi nó cũ đến mức không thể mặc được thì bác mới quyết định may cái mới; còn người kia thì làm cả năm vẫn không đủ tiêu. Họ hiện lên là những người đàn ông bé nhỏ về vật chất, bằng lòng chấp nhận với công việc và cuộc sống hàng ngày. Hai con người, hai đất nước khác nhau, hai thời đại, hai hoàn cảnh khác nhau nhưng đều làm một công việc đơn điệu, nhàm chán, không khác gì những cỗ máy với những đồng lương ít ỏi. Họ hiện lên trong cái tĩnh, đứng yên cả về thể chất lẫn tinh thần. Họ dường như chỉ làm việc một cách âm thầm, im lặng, gạt đi mọi cảm xúc, ý niệm khác ngoài công việc, bằng lòng với công việc mình đang có. Ta nhận ra, dù ở đâu, ở hoàn cảnh nào thì bộ máy quan liêu cũng đang ngày ngày bóc lột sức lao động của những con người nhỏ bé. Và những con người nhỏ bé ấy, họ không có lối thoát, bị lôi vào một guồng quay công việc khiến họ cứ chấp nhận một công việc như thế.
Điểm thứ hai gặp gỡ trong quan niệm về con người nhỏ bé của họ chính là bi kịch về đời sống tinh thần. Thế giới xung quanh Akaki Akakievich là thế giới tràn ngập những sự giễu cợt, chế nhạo của đám viên chức trẻ tuổi, đôi khi điều đó trở nên quá quắt đến mức bác phải nói: “Các anh hãy để tôi yên! Sao các anh lại cứ làm khổ tôi thế” [6; tr 134]. Đó là lời van lơn của một “con người nhỏ bé” đã cố gắng thu mình lại, thậm chí thu mình đến nỗi khiến cho sự tồn tại của bác trở nên vô hình, vô nghĩa, một sự tồn tại tối thiểu tuyệt đối, “một con số 0 to lớn về kích thước con người”. Cuộc sống của Akaki Akakievich thay đổi nhiều sau khi bác ý thức được việc mình sắp có chiếc áo khoác mới. Chiếc áo khoác đã khiến cho Akaki Akakievich từ một con người chỉ đang tồn tại ngày qua ngày chuyển mình trở thành con người sống với những mục đích rõ ràng, hào hứng. Nhưng niềm vui, sự háo hức mong chờ của nhân vật càng lớn bao nhiêu thì hiện thực lại càng tàn nhẫn bấy nhiêu. Akaki thực sự trở thành nhân vật bi kịch khi bị cướp mất chiếc áo khoác giữa đêm khuya lạnh giá, cuống cuồng chạy cầu cứu khắp nơi. Khoảnh khắc khi nhân vật ấy bị cướp đi chiếc áo khoác vừa mới may đã gây niềm cảm thương hơn cả nơi người đọc. Akaki Akakievich bị mất chiếc áo khoác không chỉ là vật chất mà còn là mất mát về mặt tinh thần, mất vì niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của bác cũng không giữ được. Mất áo khoác, Akaki Akakievich mất đi ý nghĩa cuộc sống. Cũng không ai để ý đến cái chết của Akaki Akakievich, ngay sau khi bác lâm bệnh. Bác đã chết đi trong đau khổ lặng lẽ.
Như vậy, từ Chiếc áo khoác của Gogol đến Cái đồng hồ của Bùi Hiển, ta nhận thấy học là những con người không chỉ nhỏ bé về vật chất, nhỏ bé về những cái bên ngoài mà họ còn nhỏ bé ở ngay chính tâm hồn mình. Có lẽ, họ không ý thức được bi kịch tinh thần đang diễn ra. Với họ, mỗi ngày đi làm đều đều như một cái máy, cuộc sống chỉ xoay quanh giấy bút, từ nhà đến sở và từ sở về nhà. Bi kịch tinh thần khủng khiếp hơn, đó là hiện thực nghiệt ngã đã cướp đi ước mơ mà bấy lâu hai người đàn ông khát vọng, mong ngóng. Họ càng hi vọng, mong chờ bao nhiêu thì nhận lại lại càng đau khổ, thất vọng bấy nhiêu.
Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người nhỏ bé trong Cái đồng hồ phần 6