Nghệ thuật khắc hoạ nhân vật
Trong Cái đồng hồ, Bùi Hiển không miêu tả ngoại hình của nhân vật mà chỉ đề cập đến công việc cùng những hành động, tâm lí của anh này. Anh ta là một trí thức “còm” điển hình trong các sáng tác của nhà văn, đại diện cho tầng lớp trí thức nghèo của Việt Nam trước cách mạng, sống lay lắt, bế tắc. Suốt đời anh ta phải mang cái dáng khổ lôi thôi lốc thốc, đạp chiếc xe đạp cà tàng cũ kĩ, chăm sóc cẩn thẩn cho cái đồng hồ mà cứ hễ trở trời là lại “cảm”. Với Bùi Hiển, nhân vật phần nhiều được miêu tả từ hành động để bộc lộ tâm lí. Nhà phê bình Nguyễn Văn Long cũng từng nhận xét: “Năng lực quan sát tinh tường pha chút hóm hỉnh, sự am hiểu tâm lí con người cùng khả năng miêu tả tinh tế đã làm cho truyện Bùi Hiển có sức hấp dẫn” [4; tr. 87]. Nhìn chung, nhân vật của Bùi Hiển ít được miêu tả ngoại hình mà thường đi sâu vào những diễn biến tâm lí. Nếu có mô tả ngoại hình, nhà văn chỉ phác họa những nét chính để từ đó cho thấy tính cách, tâm lý nhân vật. Đọc truyện, ta không thể không thấy cái sắc sảo của ngòi bút phân tích tâm lý nhân vật của tác giả, dù chỉ là những diễn biến tâm lí rất mong manh. Mặc dù không phải là những khám phá tâm lí đặc biệt so với ngòi bút Nam Cao, song Bùi Hiển cũng là cây bút có ý thức đi sâu tìm hiểu và có những khám phá các biểu hiện tâm lí phức tạp của con người, qua đó suy ngẫm về nhân sinh, thế sự. Nó đã góp phần làm phong phú thế giới nghệ thuật của nhà văn ở giai đoạn trước cách mạng
Ngòi bút của nhà văn lúc nào cũng sắc lạnh, điềm nhiên, lời lẽ chua chát, cay đắng khi nói về những bi kịch đời thường thể hiện ở chiều sâu của số phận và tính cách nhân vật. Nhưng xét đến cùng, giọng điệu khách quan lạnh lùng, tàn nhẫn chỉ là ý thức nghệ thuật, là sự nỗ lực kìm nén tình cảm thiết tha, sôi nổi của cây bút hiện thực tỉnh táo, nghiêm ngặt của trái tim nhân đạo lớn. Giọng văn lạnh lùng, khách quan ở bên ngoài nhưng buồn thương đồng cảm ở bên trong có liên quan mật thiết với tính cách con người và quan điểm sáng tác của nhà văn. Cái giọng điệu lạnh lùng tưởng như tàn nhẫn chỉ là giọng điệu bên ngoài. Đằng sau lớp vỏ âm thanh của ngôn từ thì không hề dửng dưng, lạnh lùng, tàn nhẫn như ta nhìn thấy. Sau cái giọng điệu ấy là nỗi đau đớn khôn nguôi trước tình trạng mòn mỏi của người trí thức trong cảnh sống thừa, những kiếp sống mòn và con người “không thể sống như thế mãi được”.
Con người nhỏ bé trong truyện ngắn “Cái đồng hồ” – Bùi Hiển và “Chiếc áo khoác” – N.V. Gogol dưới góc nhìn so sánh
Nghiên cứu tác tác phẩm Bùi Hiển, ta nhận thấy, nhiều nhân vật của Bùi Hiển làm ta liên tưởng đến các nhân vật của Gogol, Chekhov, A. Daudet,... Trong tập tiểu luận “Hướng về đâu văn học”, chính tác giả cũng thừa nhận có sự học hỏi từ các nhà văn trong và ngoài nước: “...học hỏi một cách tự nhiên, kiểu “đồng hoá”, đọc lướt thấy cái gì mình thích thì nhanh chóng và dễ dàng nhập tâm, để rồi sau đó thể hiện ra trong tập dượt sáng tác.” [2; tr. 31]. Ông cũng cho biết: “Học hỏi một cách tự nhiên thôi, đọc lướt thấy cái gì mình thích thì nhanh chóng nhập tâm để sau đó thể hiện trong tập dượt sáng tác mà không hề có dấu vết của sự bắt chước hoặc sao chép” [2; tr 32]. Qua tìm hiểu và nghiên cứu những vấn đề tiếp nhận và sáng tạo trong truyện ngắn của Bùi Hiển, ta có thể lí giải, đánh giá khách quan hơn đặc trưng nội dung và hình thức trong thế giới nghệ thuật của nhà văn, góp phần khẳng định đóng góp của ông trong quá trình vận động và đổi mới của nền văn học Việt Nam hiện đại. Đọc truyện ngắn Cái đồng hồ, ta dễ dàng nhận thấy điểm tương đồng với những tác phẩm văn học Nga về quan niệm con người nhỏ bé như Puskin với Người coi trạm, Gogol với Chiếc áo khoác. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài seminar này, người viết chỉ tập trung vào so sánh để nhận ra điểm tương đồng và khác biệt trong Cái đồng hồ - Bùi Hiển và Chiếc áo khoác – Gogol.
Đọc tiêp: Quan niệm nghệ thuật về con người nhỏ bé trong Cái đồng hồ phần 5