- Quan niệm “Con người nhỏ bé” qua bi kịch trong đời sống tinh thần
Bi kịch con người bé nhỏ trong đời sống tinh thần được thể hiện ở thái độ của mọi người xung quanh và chính thái độ của nhân vật đối với công việc của mình. Nhân vật viên chức họa đồ sở đạc điền “ ngày ngày, cúi đầu trên vuông giấy dày mà một ngọn đèn chiếu sáng từ phía dưới xuyên qua tấm kính ”. Anh - một người mang danh là viên chức nhưng lại vô cùng bình thường, không có một niềm vui thích với công việc, không hoài bão, lại chấp nhận hiện thực “lương mình chỉ có thế”, anh không đấu tranh cho số phận, mà chỉ tồn tại một cách hết sức bình lặng trong góc nhỏ của xã hội.
Cuộc sống của viên chức họa đồ sở đạc điền cũng thay đổi từ khi anh ta có ý định mua chiếc đồng hồ “ bàn giấy, mặt vuông, xinh nhỏ như một đồ chơi, cạnh hình vẽ, con số dử mồi 3đ, viết bằng chữ lớn thay cho số 6đ phía dưới bị xóa bằng hai nét gạch thập ” [8]. Vì nhiều lần điêu đứng do thiếu đồng hồ nên lần này, anh vô cùng háo hức và mong chờ. Tác giả không đi sâu vào miêu tả tâm trạng của anh nhưng có lẽ món đặc biệt từ Hà Nội ấy đối với anh cũng như “một người tình” giúp anh trải qua những ngày tháng tẻ nhạt, điêu đứng, vội vã vì sợ muộn giờ đi làm sắp tới. Nó chính là sự hãnh diện của anh với đồng nghiệp, với vợ con và với tất cả mọi người.
Thế nhưng, “món quà đặc biệt từ Hà Nội” ấy lại hiện ra khác hẳn với những gì anh tưởng tượng: “ nó chiếm cả bề rộng của hộp, không nhỏ nhắn như anh vẫn tưởng ”. Chiếc đồng hồ hiện ra là “đồng hồ treo nhà bếp” - viên xếp phòng họa đạc giảng – “với cái dáng khổ khổ lôi thôi lốc thốc”. Và khi để nó chạy thử để xem nó chạy có đúng với đồng hồ sở không thì “chạy được một phút, quả lắc như hết hơi không kêu tích tắc nữa rồi nhẹ dần”. Anh đã bắt đầu nghi ngờ sự mẫn cán của chiếc đồng hồ. Khi về nhà, thay vì thất vọng, anh đã khen rối rít với vợ: “ Cái đồng hồ về rồi đây, xinh lắm mình ạ. Nó to chứ không phải chỉ bằng nắm tay như mình nghĩ đâu, nhưng người ta bảo đồng hồ càng to chạy càng khỏe ”. Ta thấy bi kịch của anh ở đây chính là không dám đối diện, không dám chấp nhận sự thật. Anh tìm mọi lí do bao biện cho cái đồng hồ để vợ và các con không bị thất vọng. Khi ăn cơm xong, anh chuẩn bị mọi thứ với mong ước đồng hồ sẽ chạy đúng. Rồi tay run run, mắt chăm chăm theo dõi, lo lắng tự bảo thầm: “ Này này… nó sắp đứng… nó sắp đứng ”… Và chiều hôm ấy khi đứa con đón anh ở cửa và bảo: “ Ba ạ, nó dừng từ lúc bốn rưỡi rồi ”, anh lại loay hoay chữa, xê dịch đồng hồ, và tìm mọi lí lẽ biện bạch với vợ. Cứ như vậy, cuộc sống của anh xoay quanh nỗi lo đồng hồ không chạy, luôn tìm đủ mọi cách sửa chữa để mọi người trong nhà tin rằng chiếc đồng hồ đang chạy đúng. Từ đó, anh bắt đầu gian lận. Sau giờ trưa anh ở nán lại sở năm phút, rồi thong thả đạp xe về, để kêu lên: “Đấy, tính xem, tôi đi mất mười phút, thế là bây giờ vừa mười hai giờ mười ”; “ Rồi trưa đó, thừa lúc không ai để ý, anh đẩy kim tới thêm năm phút. Buổi chiều anh cũng dùng mưu như thế “ Anh ta cứ lắp đi lắp lại, bộ hả hê: “ Gọi là cứ đúng ngăn ngắt! Đúng ngăn ngắt”; “mỗi đêm, trước khi đi ngủ, anh lại lén lút đẩy kim tới thêm mươi phút, được trừ hao vậy rồi, giờ sáng mai sẽ đúng”. Và chiếc đồng hồ “sống sung sướng trong gia đình nhỏ ấy, được ông chủ ân cần săn sóc như cha, đúng hơn, như mẹ”. Như vậy, càng háo hức, mong chờ, hi vọng bao nhiêu, anh chồng lại càng khổ sở, thất vọng bấy nhiêu. Anh không dám chấp nhận sự thật, luôn tìm mọi cách bào chữa và thỏa hiệp cùng cái đồng hồ. Bi kịch tinh thần của anh ta chính là sự thỏa hiệp, chạy theo cái đồng hồ, coi chiếc đồng hồ như đứa con mà chăm lo cho nó từng chút một.
Con người ấy không chỉ nhỏ bé về vật chất, nhỏ bé về những cái bên ngoài mà họ còn nhỏ bé ở ngay chính tâm hồn mình. Có lẽ, anh ta không ý thức được bi kịch tinh thần đang diễn ra. Với anh ta, mỗi ngày đi làm đều đều như một cái máy, cuộc sống chỉ xoay quanh giấy bút, từ nhà đến sở và từ sở về nhà. Bi kịch tinh thần khủng khiếp hơn, đó là hiện thực nghiệt ngã đã cướp đi ước mơ mà bấy lâu người đàn ông khát vọng, mong ngóng. Họ càng hi vọng, mong chờ bao nhiêu thì nhận lại lại càng đau khổ, thất vọng bấy nhiêu. Tình trạng của anh ta có lẽ cũng là tình trạng chung của những người trí thức “còm” trước cách mạng. Họ sống một cuộc đời bình thường, biến mình thành những cái máy, sống mà không tìm thấy ý nghĩa, sống mà chỉ lay lắt để tồn tại. Cái bi kịch ấy nhìn qua thì có vẻ như không có gì lớn lao, nhưng thực chất đó lại là liều thuốc ru ngủ, đầu độc và giết chết cả cuộc đời của họ.
Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người nhỏ bé trong Cái đồng hồ phần 4