Quan niệm nghệ thuật về con người nhỏ bé trong Cái đồng hồ phần 2

Quan niệm nghệ thuật về con người nhỏ bé trong Cái đồng hồ phần 2

Bởi Học văn cô Hà Huyền 07/11/2024

Quan niệm về “Con người nhỏ bé” trong truyện ngắn Cái đồng hồ – Bùi Hiển

Quan niệm “Con người nhỏ bé” qua bi kịch nhân sinh trong cuộc sống đời thường

          Trong truyện Cái đồng hồ, nhân vật chính xuất hiện với hình ảnh “ngày ngày, cúi đầu trên vuông giấy dày mà một ngọn đèn chiếu sáng từ phía dưới xuyên qua tấm kính”, “anh dò những nét cong khúc khuỷu... Anh họa, anh họa, cử động một cách gầ n như máy móc, im lặng, lưng gù, trí nghĩ vơ vẩn”; “cuối tháng lĩnh được đâu vài chục bạc lương” [8]. Dường như, chính anh cũng đang là một cái đồng hồ, ngày ngày chạy đua với thời gian, với công việc, làm việc như một cỗ máy đã được lập trình sẵn, không cảm xúc, chỉ làm việc mà không có suy nghĩ. Công việc của anh ta chỉ là sự lặp đi lặp lại những nét vẽ: “ những dải sông xanh, những con đường đỏ và tím, những tràng chữ thập phân địa giới ” [8] một cách thụ động, thiếu sự sáng tạo và anh ta lại hài lòng về công việc ấy, mỗi tháng mang về cho gia đình vài chục bạc lương. Bi kịch nhân sinh của nhân vật còn được thể hiện trong cuộc sống sinh hoạt đời thường vô cùng khắc khổ, chi tiêu phải tính từng đồng. Muốn thực hiện một điều gì đó lớn lao, phải trông chờ vào món tiền thưởng bất ngờ. Một viên chức họa đồ “ Cuối tháng lĩnh được đâu vài chục bạc lương, anh bỏ tiền vào một cái phong bì đem về nộp vợ nguyên vẹn… chị vợ mút mút bút chì loay hoay dự tính trên một trang sổ nhỏ sự chi tiêu trong ba mươi ngày sắp đến… ” Ta thấy, mọi sinh hoạt của một gia đình bốn người đều trông chờ vào số tiền lương ít ỏi của người chồng. Người vợ phải bớt khoản này, đập vào khoản kia nhưng có lẽ vẫn không đủ cho chi tiêu sinh hoạt của gia đình.

       Một hôm, người chồng nhận làm công việc bất ngờ và được món tiền thưởng bốn đồng. Sau một hồi phân vân, người chồng quyết định mua chiếc đồng hồ vì “ anh đã nhiều lần điêu đứng vì thiếu đồng hồ. Khi phỏng chừng sắp đến giờ làm việc, thì hai vợ chồng đều vểnh tai nghe ngóng cái đồng hồ quả lắc của nhà ông Tham bên cạnh. Nhiều hôm anh đến sở chậm và phải lén leo qua cửa sổ để khỏii bị cự. Thằng con đầu được việc lắm: mỗi khi cha nó lồm cồm dậy sau giấc ngủ quá trưa, thì nó rụt đầu vào cổ, lạch bạch dìu xe đạp cha ra đợi ở cổng: anh ta vội vàng khoác cái áo rồi chạy ra nhảy lên chiếc xe tàng mà phóng, mặc cho cốt bánh gỉ rít lê n cót két đến ghê tai ”[8] . Chi tiết cả nhà phải trông chờ vào chiếc đồng hồ của ông hàng xóm, hình ảnh người đàn ông “vội vàng khoác cái áo rồi chạy ra nhảy lên chiếc xe tàng mà phóng, mặc cho cốt bánh gỉ rít lê n cót két đến ghê tai” đã một lần nữa khắc họa thêm cuộc sống khó khăn, vất vả của gia đình nhà viên chức họa đồ sở đạc điền. Có lẽ, vật có giá trị nhất của gia đình anh chỉ có chiếc xe tàng mà ngày ngày anh đi đến chỗ làm việc kiếm tiền nuôi gia đình. Bùi Hiển đã hướng ngòi bút tới số phận những con người nhỏ bé thuộc tầng lớp tiểu tư sản với một niềm xót xa thông cảm, nhưng đồng thời cũng lên án nghiêm khắc lối “sống mòn” của họ. Câu chuyện xoàng xĩnh dường như không có cốt truyện đó cứ lặng lẽ toát ra các vấn đề khiến người đọc phải vấn vương: “ Ông thường kể những câu chuyện vụn vặt về những con người tầm thường sinh ra và lớn lên một cách còm cõi trong môi trường của những cái hàng ngày xám ngắt vô nghĩa. Âm hưởng chung của những chuyện này dĩ nhiên là buồn ” [5; tr 57]. 

Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người nhỏ bé trong Cái đồng hồ phần 3

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22