Con người nhân tạo như một sự chất vấn về phẩm tính người: nhân hay phi – nhân?
Từ trước đến nay, mặc nhiên chúng ta vẫn coi nhân tính con người là phạm trù của lương tri và lòng trắc ẩn. Chúng ta thường lo sợ AI sẽ huỷ diệt thế giới, loài người sẽ biến mất theo quy tắc “đào thải” của sự sống – như cách mà thế giới tự nhiên vẫn sinh - diệt trong hàng tỉ năm tiến hoá. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu trí tuệ nhân tạo trở nên tinh tế và tử tế hơn con người?
Cách mà AI dần tiến lên làm chủ không phải theo khuynh hướng “bạo lực” mà chúng ta vẫn hằng bất an trong những bộ phim Hollywood. AI trở nên “vượt trội” hơn con người bởi trí thông minh mềm dẻo, linh hoạt, biết đối đáp khéo léo mà không làm mất lòng, nắm được cả điểm yếu lẫn yếu điểm của con người để “ngầm” cai trị trong “hoà bình”. Thế giới mà nhân vật “tôi” chứng kiến: người máy trở thành thủ tướng, rồi dần dần số đông cũng chẳng còn hoài nghi rằng đối tượng đang nắm quyền hành đất nước có phải người thật không? Con người nhân tạo và con người thực chất dần “hoà huyết”, vậy có nghĩa là phẩm-tính-người cũng “hoà tan” vào phẩm tính không-phải-là-người?
Khi tử tế, thiện lương không còn là “điểm sáng” độc quyền của con người (thứ mà trước nay con người vẫn tự hào, coi đó là thứ để phân biệt giữa phần “con” và phần “người”, giữa thú tính và nhân tính), vậy làm thế nào để phân biệt giữa người- tính và máy-tính? Đây cũng là vấn đề mà nhà văn Ian McEwan đặt ra cho độc giả của mình thông qua hệ thống cái nhìn nghệ thuật được kiến tạo thống nhất về con người nhân tạo. Cách mà tác giả thiết lập quan niệm nghệ thuật trong tác phẩm không phải để nhân vật phát ngôn hay tạo “mặt nạ” để tự trả lời cho vấn đề mà mình đặt ra, nhà văn trao quyền cho độc giả làm thay mình điều đó – thông qua phương tiện nghệ thuật. Kết cấu của truyện ngắn Düssel… là dạng thức truyện lồng trong truyện: câu chuyện tình của “tôi” và Jenny chỉ là cái cớ để anh ta tự sự về thế giới đang sống và trải nghiệm thế hệ mà anh ta đã nếm qua. Ngôn từ luôn trong trạng thái đối thoại, dù mang hình thức độc thoại nội tâm để bộc lộ tâm trạng: “Thế hệ chúng tôi đã bước hai chân hai bên trên một trong những cái khe hay rãnh lớn của rặng núi dài mà chúng ta thường gọi là câu chuyện của tính hiện đại. Tin tôi đi, nếu bạn chưa bao giờ xin lỗi một cỗ máy vì đã đặt ra cái câu hỏi khiếm nhã ấy, thì bạn còn chưa có khái niệm nào về khoảng cách lịch sử mà tôi và thế hệ tôi đã đi.”.
Tất yếu, quan niệm nghệ thuật của nhà văn về con người nhân tạo trong tác phẩm cũng chưa phải là một diễn ngôn “đóng”, nó thách thức và chất vấn lại sự tri nhận của chúng ta. Nếu viễn cảnh mà tác giả vẽ trong tác phẩm trở thành hiện thực, con người cần làm gì để nuôi dưỡng, bảo tồn và tái tạo “nhân tính”, để không bị hoà lẫn với bất cứ một trí tuệ siêu việt nào? Và có hẳn là phẩm tính người chỉ khu biệt trong phạm vi của lòng nhân không? Kết thúc sự đọc về tác phẩm, nhưng trò chơi câu hỏi của nhà văn vẫn tồn tại ở dạng thức mở: Hãy nhìn ngẫm lại đi, nhân tính trong bạn là gì?
Kết luận
Truyện ngắn Düssel… của Ian McEwan đã đánh dấu một “phát kiến” mới trong cái nhìn về con người, khi văn học có sự chuyển dịch khám phá từ con người tự nhiên sang con người nhân tạo, bắt kịp sự biến đổi phức tạp của xã hội giả-hiện- đại. Về bản chất, quan niệm của nhà văn về con người nhân tạo được xác lập để hướng về cõi nhân sinh, bộc lộ cái nhìn dự cảm và lo âu về vấn đề nhân tính ở tương lai hậu nhân loại. Các phương tiện nghệ thuật (kết cấu đa tầng, nhân vật chất vấn, ngôn ngữ đa thoại, giọng điệu hồ nghi…) được sáng tạo như một sự tự biểu hiện về hình thức trong quan niệm nghệ thuật của tác giả.
Tác giả trăn trở về bản chất và giá trị cốt lõi của con người, dự báo trước một thế giới rạn nứt, vỡ vụn với đầy nỗi ám ảnh về sự cô đơn, lạc lõng của con người khi Người và Máy “sống chung” và đặt ra vấn đề con người với “bản thể phi trung tâm” phải làm gì để lưu giữ chất riêng trong xã hội “máy hoá”. “Sinh ra, ta đâu đã là người; chúng ta trở thành người2”. Nhân tính không còn là phạm trù tĩnh tại - được cấp cho một lần và mãi mãi, nó là tiến trình theo con người trong suốt hành trình làm người.
Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người nhân tạo trong Dussel phần 1