Con người nhân tạo: tự trị thế giới hay làm chủ chính mình?
Khi trí tuệ AI phát triển bùng nổ, con người thường nghĩ về viễn cảnh máy móc thống trị chúng ta, và con người trở thành “nô dịch” của thứ công nghệ siêu việt ấy. Trong cái nhìn của nhà văn Ian McEwan, người máy thông minh không tự trị thế giới của riêng mình như một kẻ độc tài, mà ngược lại – chung sống “bình đẳng” với con người.
Trong tác phẩm, con người nhân tạo được trao cho sự bảo vệ đầy đủ dưới nhiều hiệp ước nhân quyền khác nhau: quyền kết hôn, quyền tài sản, quyền có hộ chiếu, quyền bỏ phiếu, và bảo hộ việc làm. Qua dòng trần thuật của nhân vật “tôi”, nhà văn vẽ lên viễn cảnh người máy thụ thai với con người và những đứa trẻ cacbon- silicon sống được ra đời. Con người nhân tạo làm chủ cuộc đời, họ tham gia vào thị trường lao động và cả đấu tranh chính trị, cũng có thể mở doanh nghiệp, làm giàu, tự có quyền quyết định ý thức (bị kiện, và bị giết thay vì bị phá hủy). Họ có quyền tự do trở thành bác sĩ, y tá, luật sư, nhân viên ngân hàng, tham gia cả giải Olympic, “thể hiện mình là các nhạc sĩ và nhà soạn nhạc xuất chúng trong mọi thể loại âm nhạc”. Trí tuệ nhân tạo đã tạo nên một tầng lớp riêng ngang hàng với loài người trong xã hội, chúng không còn là một sản phẩm mà quyền quyết định nằm ở người mua - kẻ bán nữa. Trong dòng hồi ức của “tôi”, xã hội đã trải qua thời kỳ “quá độ” để cuối cùng công nhận quyền tự do, bình đẳng của con người nhân tạo. Những buổi toạ đàm, những cuộc biểu tình đều lui vào dĩ vãng. Từ một vấn đề “không chấp nhận được trong xã hội” đã dần trở thành điều hiển nhiên, cuộc cách mạng về “quyền người máy” đã thắng thế và tạo nên cục diện mới: “Bằng những bước chậm nhưng đáng kể, và ảnh hưởng của đời sống xã hội cũng như tiến trình pháp lý, người ta bắt đầu hiểu và thường chấp nhận rằng những tạo tác đồng loại của chúng ta xứng đáng có đầy đủ phẩm giá, và tôn trọng sự riêng tư của họ.” Việc bạn hỏi một con người nhân tạo rằng bạn có phải được sản xuất từ một nhà máy nào đó không sẽ bị coi là hành động “phân biệt chủng tộc”. Liệu rằng, thế giới đang-là qua lăng kính của nhân vật “tôi” trong tác phẩm có trở thành thế giới sẽ-là trong thế giới thực tại của chúng ta?
Nhân vật người máy Jenny cũng không nằm ngoài mạch quan niệm về con người nhân tạo có khả năng làm chủ. Trong cuộc đối thoại với “tôi”, dù trong trạng thái “bị hỏi” nhưng Jenny lại mang tâm thế làm chủ, vị thế về lượt lời có phần “lấn lướt” hơn “tôi”. Đối diện với câu hỏi mà cả xã hội lúc bấy giờ coi là hành động “thượng đẳng và khiếm nhã”, nàng lật ngược tình thế: “Anh là của em”. Một sự hoán đổi tài tình! “Anh” - một con người thực thụ, giờ đây lại thuộc quyền sở hữu của “em” - một con người nhân tạo. Mặc dù đã được lập trình để luôn khiến “tôi” có cảm giác hài lòng (Còn em thì thuộc về anh. Mọi thứ khác đều là bọt biển), nhưng trong lời nói của nàng đã ngầm khẳng định vị thế làm chủ. Từ khả năng tự ý thức, tự quyết định đến năng lực tự làm chủ: con người nhân tạo đang phát triển nhanh hơn gấp nhiều lần so với quá trình tiến hoá của con người thực.
Thế giới thực tại bên ngoài tác phẩm, nơi mà có lẽ chúng ta phải chờ đợi một chu kì thời gian nữa mới có thể hiện hữu hoá được những cỗ máy như Jenny, nhưng con người đã và đang dần đánh mất quyền tự chủ vào tay những thiết bị công nghệ rồi. Và nếu viễn cảnh trong truyện ngắn Düssel…trở thành hiện thực, chúng ta - đối tượng vốn được coi là “chủ nhân của Trái đất” cũng chẳng quá bất ngờ, bởi chính robot Sophia đã được chính phủ Ả rập Saudi cấp quyền công dân từ năm 2017. Từ quan niệm con người nhân tạo trong tác phẩm có thể làm chủ chính mình, tác giả đặt ra vấn đề liệu rằng con người có đang “thua” máy móc trong việc chủ động kiến tạo cuộc đời mà không bị chi phối ở bất cứ một thế lực ngầm nào khác? Nối tiếp trò chơi mà tác giả tạo nên qua hình thức “độc giả hàm ẩn”: Hãy tự thú nhận đi, bạn có đang làm chủ chính mình?
Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người nhân tạo trong Dussel phần 4