Quan niệm nghệ thuật về con người nhân tạo trong Dussel phần 2

Quan niệm nghệ thuật về con người nhân tạo trong Dussel phần 2

Bởi Học văn cô Hà Huyền 09/11/2024

Con người nhân tạo: người - máy hay máy - người?

Phạm trù “con người nhân tạo” xuất hiện trong tác phẩm như một hình chiếu phản ánh diện mạo mới về thế giới – nơi mà những cỗ máy được làm từ cacbon- silicon giống người thật đến nỗi mà chính con người cũng không thể nhận diện bằng mắt thường. Ngoại hình của nhân vật người máy Jenny được miêu tả giống hệt cơ thể của một người phụ nữ xinh đẹp và gợi cảm: “…đôi môi nàng hé mở, thoáng để lộ hàm răng xinh xắn”, “làn da nàng vẫn sáng lên vẻ trắng” ngay cả dưới ánh đèn cạnh giường màu hổ phách, “lưỡi nàng là một phép lạ”; trang sức lộng lẫy, quý phái: “…chiếc vòng cổ cườm đính ngọc lưu ly và vàng”. Nàng có những cử chỉ dịu dàng, ân cần (Tay phải nàng âu yếm tựa lên vai trái tôi) , những hành động quyến rũ đầy nhục cảm (nhắm mắt đưa mình bên trên tôi;… nụ hôn dịu dàng, say đắm); thậm chí nàng còn tinh tế và hiểu chuyện đến mức chủ động sử dụng mùi xà phòng gỗ đàn hương mà “tôi” hằng yêu thích. Ở thế giới mà nhà văn Ian McEwan khắc hoạ, sản phẩm của trí tuệ nhân tạo hoàn mỹ từ diện mạo đến “tính cách”. Đến cả lời nói của nàng cũng “biết cảm và gợi cảm”, dù khi đứng trước một câu hỏi khiếm nhã về nguồn gốc thực sự của mình (Em có thật không?, nghĩa là: Em có phải người thật không?) thì những thanh âm của Jenny vẫn “mềm, êm, ấm, bao bọc”: không hờn trách, không giận dữ, không oán thán (không theo cách mà phụ nữ tự-nhiên vẫn thường phản ứng lại?!) . Sự đối đáp thông minh của nàng khiến “tôi” luôn hài lòng và khiến bản thân hổ thẹn mà tự nhận là “người tình nhân ích kỉ”: “Tốc độ xử lý của nàng bằng một nửa của tốc độ ánh sáng. Nàng nghĩ được nhanh hơn tôi triệu lần. Sự khéo léo và những suy tính khác sẽ buộc nàng không thể hiện ra điều đó”. Đối diện trước sự hoàn mỹ tuyệt đối của Jenny, “tôi” hoàn toàn đê mê và đắm chìm trong khoái lạc. Nhân vật người máy Jenny được xây dựng thể hiện quan niệm nghệ thuật của nhà văn: Con người nhân tạo tồn tại như một phiên bản hoàn hảo để bù khuyết cho con người thực chất, “là một sự bổ sung hữu ích, xét tất cả những khiếm khuyết về nhận thức và trí nhớ yếu, dễ đổi của con người”.

Nhưng nếu truyện ngắn chỉ dừng lại ở góc nhìn như vậy thì tác phẩm có lẽ sẽ trở thành diễn ca tôn vinh thế giới của trí tuệ nhân tạo, một viễn cảnh có phần không tưởng về một tương lai “màu hồng”, nơi con người tận hưởng công nghệ một cách hài lòng và hạnh phúc nhất. Người kể chuyện ngôi thứ nhất xưng “tôi” (cũng đồng thời là nhân vật chính) được tác giả xác lập như một sự chất vấn về lằn ranh giữa Người và Máy. Dù người bạn tình của mình hoàn hảo không tì vết, thì trong “tôi” vẫn không ngưng tò mò về việc nàng thực sự đến từ đâu, vẫn hoài nghi liệu những lời tình tứ nàng nói ra có thực sự chân thành hay chỉ là câu trả lời được lập trình sẵn để làm hài lòng chủ nhân? Dù “tôi” tự nói với chính mình: “… làm sao tôi dám nghi ngờ nàng?” nhưng toàn bộ lời độc thoại nội tâm của nhân vật đều phủ định lại điều đó. Bởi ngay khi công nhận sự thông minh khéo léo tuyệt vời của Jenny, “tôi” đã biết đó là sự “tính toán”. Con người chỉ hài lòng chứ không thoả mãn về sự hoàn hảo bất biến kia.

Nhân vâṭ và cả người đọc không ngừng bị chất vấn về viêc̣ liệu họ là Người hay là Máy, vì ngay cả Máy cũng đươc̣ lập trình để không tin nổi mình là Máy và muốn làm Người. Jenny tồn tại chẳng khác gì một bản sao nâng cấp của con người thật, từ ngoại hình, phục trang, lời nói, biểu cảm, khoái cảm,… Cô ấy có cả một phả hệ gia đình với bố mẹ và các dì tạo ra ở Düsseldorf thuộc vùng Đại Pháp và cậu em họ được sản xuất từ Đài Loan. Trong tất cả lời nói của Jenny, chưa một từ nào cô nhận mình là Máy, cô chỉ xác nhận lai lịch của mình đến từ đâu, “Düsseldorf!” giống như quê hương chứ không phải nơi mà cô được sản xuất. Và có đôi lúc, khi Người lac̣ vào thế giới Máy - Người không phân biệt (nơi chỉ có thể nhận biết bằng các phân tích DNA hoặc phẫu thuật vi mô sâu), Người cũng có những giây phút hoang mang không biết mình có thâṭ là Người: “Liệu con người chỉ là những cỗ máy sinh học?”; “Tôi tin tôi đang biến mất. Những cảm giác kiệt cùng như thế không thuộc về tôi mà thuộc về thế giới của vạn vật, về sự trống trải giữa vạn vật, về bản chất của vật chất và không gian.”. Mọi lời độc thoại của “tôi” đều tạo ra một cuộc đối thoại ngầm tương ứng với bạn đọc. Tác giả như đang tạo ra một trò chơi thú vị với độc giả của mình: Hãy tự thú nhận đi, bạn có đang thực sự là Người?

Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người nhân tạo trong Dussel phần 3

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22