Cách miêu tả tính cách, phẩm chất
Tính cách, phẩm chất của Don Juan sẽ là yếu tố trung tâm làm tròn đầy bức chân dung của anh ta. Don Juan từ trước đến nay vốn để lại một ấn tượng tuyệt đối về con người có phẩm chất xấu xa. Tuy nhiên, đây là một hình tượng không đơn giản mà có tính phức tạp và tính mâu thuẫn lớn của cuộc đời nên bên cạnh những nét tính cách tiêu cực - là hiện thân cho bọn quý tộc lỗi thời (tham tàn, nhẫn tâm, dâm ô, xảo trá, trơ trẽn …), Don Juan cũng có những nét nhìn như là tích cực về ngoại hình, thể chất và trí tuệ, tư tưởng tự do, phẩm chất tốt (dũng cảm, lịch sự). Bởi theo Molière, không có gì trái ngược nếu một người nực cười ở phương diện này nhưng ở phương diện khác lại trở nên lịch thiệp. Hai mặt tốt – xấu trên xen kẽ với nhau chi phối Don Juan khiến hình tượng trở nên sinh động, phong phú.
* Tính cách, phẩm chất tích cực
Anh ta có thể coi là một người can cảm. Điều ấy được thể hiện trước hết qua lời nói khảng khái “Nhưng cái gì ở đằng kia? Có một người đang bị ba người khác đánh? Số lượng đôi bên chênh lệch, ta không thể nhắm mắt làm ngơ trước một điều hèn hạ như thế” (II, 2). Việc thấy có người bị đánh, cho đó là điều hèn hạ, không thể nhắm mắt làm ngơ đã dẫn đến hành động hào hiệp của Don Juan: ra tay đánh bọn kẻ cướp, cứu Don Carlos (III, 3). Lời nói sau đó của Don Juan nghe càng hào phóng, vì chính nghĩa: “Tôi cũng chỉ làm cái việc mà ngài sẽ làm nếu như ngài đứng ở địa vị tôi. Trong những trường hợp như thế này, danh dự của chúng ta khiến chúng ta phải ra tay và hành động của bọn bất lương kia hèn hạ đến nỗi nếu không chống lại chúng thì cũng chẳng khác gì là tham gia vào việc chúng làm” (III, 3). Liệu đây có thể coi là phẩm chất tốt đẹp đích thực của người hiệp sĩ khi hành động của Don Juan có tính chất vô tư, lúc ấy Don Juan cũng không biết Don Carlos là anh trai của Elvire? Nhưng trong lời nói, Don Juan lại nhắc đến “danh dự” thay vì tấm lòng vì chính nghĩa. Việc đánh thắng được bọn cướp cũng cho thấy sức mạnh thể chất đáng ngưỡng mộ của anh ta.
Don Juan là một người “phóng đãng” (libertin, theo danh từ của thế kỉ XVII). Nhưng người “phóng đãng” ở thế kỉ XVII có hai kiểu khác nhau. Kiểu thứ nhất là những người “phóng đãng triết gia”, có thể kể đến tên của Gassandi, La Mothe le Vayer, Molière... Họ là những người chịu ảnh hưởng của triết học duy vật Epiquya, mang tư tưởng nhân bản. Kiểu thứ hai là bọn “phóng đãng quý tộc”. Họ là những con người hư hỏng, sống tự do, phóng túng theo quan niệm chủ nghĩa vô thần. Mà Don Juan lại thuộc vào kiểu thứ hai.
Don Juan là một người thông minh. Trước mỗi một người cụ thể, trước mỗi một hoàn cảnh giao tiếp cụ thể, anh ta đã biến hóa khôn lường từ cách ứng xử, thái độ đến lời nói linh hoạt và khéo léo.
Việc Don Juan không tin vào Chúa một mặt nào đó đã thể hiện tư tưởng tiến bộ chống đối lại nhà thờ Thiên Chúa giáo – thứ tôn giáo như một cái chông trong đời sống sáng sủa của xã hội, cần phải nhổ đi để bảo vệ sự yên vui của mọi người. Nhưng thực chất, sự can đảm, phong nhã hay thông minh của Don Juan suy cho cùng cũng chỉ là để phục vụ cho những mục đích bỉ ổi, xấu xa của hắn mà thôi.
*Tính cách, phẩm chất tiêu cực
Nhân vật Don Juan trong vở kịch của Molière sống trong hoàn cảnh được miễn xá tội giết người nên anh ta rất hiên ngang vì không phải trốn chui lủi. Chính trong hoản cảnh này, anh ta càng không kiêng nể, sợ hãi bất cứ điều gì và vẫn tiếp tục sống theo lối tùy tiện. Nhân vật Don Juan của Molière được phóng đại đến mức cực đoan để thể hiện một thói xấu. Đó chính là lối sống phóng túng, sa đọa cùng thói đạo đức giả. Để thể hiện bản chất một cách tập trung theo nguyên tắc cường điệu thì qua từng hồi, qua từng cuộc đối đáp giữa Don Juan và những người khác, bản chất lố bịch ấy sẽ dần bộc lộ ra ở một khía cạnh nào đó. Như vậy, những khía cạnh trong bản chất ấy sẽ được làm rõ qua các mối quan hệ giữa nhân vật chính Don Juan và các nhân vật xung quanh.
Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người của Molière trong vở kịch Don Juan phần 9