Quan niệm nghệ thuật về con người của Molière trong vở kịch Don Juan phần 7

Quan niệm nghệ thuật về con người của Molière trong vở kịch Don Juan phần 7

Bởi Học văn cô Hà Huyền 14/09/2024
    1.  

Don Juan

Vẫn giữ những nét đặc trưng cơ bản của hình tượng Don Juan, Molière đã khắc họa lên được bức chân dung rất sinh động về tên quý tộc phóng đãng, tàn ác và lưu manh.

Nếu như một trong những hạn chế của chủ nghĩa cổ điển nằm ở việc các nhà văn mới chỉ xây dựng được những tính cách mà chưa thể từ những tính cách đó mà khái quát lên thành những điển hình của thời đại thì đến Don Juan, Molière đã khắc phục được điều đó. Ông đã khắc họa lên một bức chân dung hoàn chỉnh, sinh động về tên quý tộc trụy lạc, vô liêm sỉ, trở thành điển hình của chủ nghĩa hư vô, chủ nghĩa cá nhân ích kỉ, hèn hạ với con mắt khinh miệt mọi thứ trên đời. Don Juan trở thành đại diện cho một tầng lớp nhất định của xã hội đương thời - tầng lớp quý tộc của triều đình Pháp thế kỉ XVII. Mặc dù trong tác phẩm, ta vẫn chưa thấy được một cách rõ nét việc hoàn cảnh lịch sử chi phối đến tính cách nhân vật như thế nào. Vở kịch không miêu tả bối cảnh thời đại. Tính cách của Don Juan được khắc họa như thứ bản năng vốn có trong con người anh ta. Nhưng thông qua mối quan hệ của Don Juan với các nhân vật khác, ta có thể “tái tạo” được bức tranh xã hội tàn ác và bất bình đẳng đương thời. Như vậy, ắt hẳn, tính cách của Don Juan không thể tự nhiên mà có, nó được hình thành trong những điều kiện xã hội cụ thể nhất định.

Cách đặt tên

Đây là tên của một con người cụ thể nhưng đã trở thành một hiện tượng mang ý nghĩa chung của nhân loại. Cái tên ấy không còn chỉ là tên riêng để gọi nhân vật mà nó đã vượt ra ngoài cái khung khép kín của các tác phẩm nghệ thuật (kịch, văn, thơ), trở thành danh từ chung chỉ những kẻ phóng đãng, đa tình. Cái tên này có nguồn gốc và bề dày lịch sử lâu dài. Không phải đến Molière, Don Juan mới trở thành một hiện tượng đặc sắc. Trước đó, đã có những tác phẩm kịch khác viết về nhân vật này. Cái tên Don Juan được đặt theo tên của một nhân vật trong truyền thuyết Tây Ban Nha - nhà quý tộc Don Juan. Theo các nhà chép sử, Don Juan là một chàng quý tộc có thật tại thành phố Sevilla của Tây Ban Nha. Vở kịch đầu tiên về Don JuanEl Burlador de Sevilla (Gã tán gái thành Xêvilơ), được viết vào khoảng 1620 bởi một thầy tu có biệt hiệu là Tirso de Molina. Ở Ý có vở Il convitato di Pietra (Người khách đá) của Giliberto và Cicognini. Đến Pháp, Dorimon sáng tác vở kịch có nhan đề Bữa tiệc đá (hay là Đứa con tội lỗi). Villiers cũng viết vở kịch mang tên Bữa tiệc đá (hay là Gã vô thần bị trời đánh).

Vẻ đẹp hết sức phong phú và giàu sức sống của hình tượng Don Juan (từ kho tàng sáng tạo của dân gian Tây Ban Nha đến các tác phẩm của các nhà soạn kịch nước nhà, qua nước Ý, đến nước Anh trong sáng tác của Shakespeare, Byron, rồi đến Molière và sau này là Pushkin) đã cho thấy đây là một hình tượng không chỉ có giá trị minh họa lịch sử (valeur illustratoire), mà còn cao hơn là mang giá trị thức tỉnh (valeur révélatoire). Hình tượng có khả năng giáo dục tư tưởng, đạo đức, giúp con người mọi thời đại tránh xa những thói xấu làm hư hỏng con người và hướng họ vươn tới những lý tưởng cao đẹp. Không những vậy, nó còn có khả năng tái tạo và mở rộng ý nghĩa. Nhưng nhìn chung, mỗi khi nhắc đến cái tên Don Juan, người tiếp nhận nghĩ ngay đến một tên phóng đãng, trụy lạc và coi thường Chúa. Trong tác phẩm Don Juan, anh ta tán tỉnh, cám dỗ nhiều người đàn bà và cuối cùng chết bởi bức tượng của người mà anh ta đã giết.

Cách miêu tả ngoại hình

Trước hết, Don Juan được Molière khắc họa chân dung của một “ông to”, “ông lớn” - một người quý tộc thực thụ ngay từ ngoại hình, trang phục. Sự xa hoa được thể hiện qua cách vận trang phục đúng kiểu phong cách quý tộc của Don Juan. Ấn tượng đầu tiên là ở việc áo quần dát vàng, lắm khuy, lắm phụ kiện từ đầu đến chân. Cụ thể, anh ta đội bộ tóc giả; tay áo sơ mi rộng cùng với áo cụt, dài không đến rốn; chiếc khăn dài từ cổ áo đến đầu gối, có bốn tua dài đến bụng; ở đầu cánh tay có những dải vải nhỏ; ở ống quần có những miếng vải viền lóe ra; xung quanh quần và trên giày có đính rất nhiều băng. Quả là một vẻ ngoài hào hoa và phong nhã. Molière đã khám phá nhân vật từ bề ngoài đến bề sâu của tâm hồn. Và đã có sự tương phản, đối lập giữa bề ngoài sạch sẽ, cao quý với bên trong trụy lạc, mục nát đến tận xương tủy. Không chỉ vì trang phục mà bản thân anh ta đã nổi bật hơn cả, điển trai hơn cả so với đám tùy tùng và người đầy tớ của mình. Không thể phủ nhận diện mạo điển trai chiếm ưu thế của Don Juan dù không một câu nào Molière miêu tả điều đó nhưng qua việc Done Elvire sẵn sàng bỏ tu viện để theo chàng, qua câu hỏi của Charlotte “Có phải có một anh chàng đẹp giai hơn bọn kia không?” cũng đủ cho thấy vẻ ngoài ưa nhìn của anh ta.

Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người của Molière trong vở kịch Don Juan phần 8

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22