Biểu hiện của quan niệm nghệ thuật về con người của Molière trong vở kịch Don Juan
Quan niệm nghệ thuật về con người của Molière được biểu hiện trong toàn bộ tác phẩm Don Juan. Tuy nhiên, yếu tố thể hiện tập trung nhất là qua cách miêu tả các nhân vật. Cụ thể cho cách miêu tả nhân vật là cách đặt tên, cách miêu tả ngoại hình, cách miêu tả hành động, cách miêu tả ngôn ngữ,…
Người đầy tớ của Don Juan
Trong những vở kịch khác, đã có nhiều tên dành cho người hầu của Don Juan: Catalinông (vở của Tirso), Paxarinô, Bơrighen hay là Philip. Molière đặt tên cho người hầu này là Xganaren (Sganrelle).
Hầu cận cho người quý tộc nhưng thực chất anh ta cũng chỉ là người lao động bình thường, xuất thân từ tầng lớp nông dân. Nét tính cách cơ bản của nhân vật này được Molière khắc họa là một người hầu có sự bất bình với lối sống phóng túng, trụy lạc của ông chủ nhưng cuối cùng vẫn chịu chấp nhận phục tùng anh ta. Mặc dù có sự cẩn trọng, nhún nhường và kinh sợ trước người chủ của mình nhưng cũng đã có những lúc người đầy tớ này dám nói lên suy nghĩ của mình. Anh ta hay nhắc đến Chúa và có những nỗi sợ “rất Người” - biết sợ trước thế lực vô hình nên khi Don Juan sai bảo đến mời pho tượng, anh ta rất cẩn trọng và lo sợ.
So với các vở kịch Ý, Molière đã giản lược đi rất nhiều những trò ảo thuật, trò hề và yếu tố thần kì của nhân vật Xganaren. So với sự xuất hiện của nhân vật Lêpôrellô của Pushkin, nhân vật Xganaren xuất hiện với mật độ dày đặc hơn hẳn với tỉ lệ 26/27 lớp kịch (trừ hồi II lớp 1 là cảnh trò chuyện giữa Charlotte và Pierrol). Xganaren xứng đáng là nhân vật chính song hành cùng Don Juan. Và sự thật rằng, gần như mọi lớp kịch có Don Juan đều có sự xuất hiện của Xganaren (trừ hồi I lớp 1 là cảnh trò chuyện giữa Xganaren và Gusman). Cũng chính nhờ sự xuất hiện thường xuyên này, Xganaren có cơ hội để có nhiều lời nói hơn, đưa ra những nhận xét, đánh giá, bình phẩm của mình về những vấn đề trong cuộc sống hay về chính người chủ của mình. Don Juan và Xganaren sóng đôi cùng nhau trong vở kịch tạo thành cặp nhân vật tương phản, đối lập. Họ đại diện cho những quan điểm, cách ứng xử khác nhau trước các vấn đề trong cuộc sống. Họ như những tấm gương soi chiếu cho nhau, đứng cạnh nhau để làm nổi bật tính cách, phẩm chất của người còn lại.
Xganaren vốn được coi là nhân vật tên hề cổ truyền, nửa hề nửa đầy tớ. Những lời đầu tiên trong hồi I đã cho thấy Xganaren là một người có phần ngốc nghếch và giản đơn. Anh ta nhắc đến Arixtôt (Aristoteles, 384 – 322 TCN) - nhà triết gia Hy Lạp cổ đại trong lời nói của mình dù chẳng liên quan gì đến nội dung. Anh ta chỉ nghĩ đơn giản nhà triết gia ấy tượng trưng cho tư tưởng bảo thủ. Xganaren đem Arixtôt và cả khoa triết học để so sánh không bằng thuốc lá và coi rằng hút thuốc lá là cái thú của người phong nhã. Theo quan niệm của anh ta, thuốc lá gắn bó, có vai trò quan trọng với người phong nhã đến mức “thuốc lá hướng dẫn tâm hồn theo con đường đạo đức và nhờ hút thuốc lá mà người ta học tập để trở thành phong nhã”; “khói thuốc gợi cho người hút những ý nghĩ về danh dự và đạo đức” (I, 1). Phải chăng ngay từ đầu tác phẩm, Molière đã đưa ra những chi tiết hạ bệ đầu tiên tầng lớp quý tộc phong lưu với những thú vui không lành mạnh? Xganaren có lối nói suồng sã và dông dài khi anh trình bày về bất kì một vấn đề gì. Thế nhưng khi nói về tư cách và đạo đức của ông chủ, Xganaren lại có khả năng tóm tắt chúng trong một công thức vừa gọn gàng vừa thâu tóm đủ tất cả ý nghĩa - “đại lãnh chúa tàn ác” hay “tên chủ ghê tởm” và cũng có những câu nói thật chân thành “tao sợ cô ta yêu mà chẳng được yêu đâu” (I, 1).
Xganaren thường xuyên nhắc đến Chúa: “chỉ mong một ngày nào đó Chúa nổi cơn thịnh nộ và trừng phạt lão”; “hừ! Lạy chúa!”; “giễu cợt Trời là một lối giễu cợt ác độc và những kẻ phóng đãng không bao giờ chết êm đẹp đâu”; “xin Chúa chứng dám cho con!”; “lẽ ra phải cảm ơn Thượng đế…”; “lạy Chúa chưa ai có thể tự hào là đã dạy cho con điều gì”; “Ôi! Lạy Đức Mẹ!”. Điều đó cho thấy Xganaren có niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của Chúa, của thần linh. Nó như sự đối chọi lại với quan niệm vô thần của Don Juan. Mang trong mình niềm kính trọng với Chúa như vậy, nhưng vì thân phận hèn mọn trước chủ nên đôi khi anh ta phải hùa theo báng bổ Chúa “bọn chúng tôi coi thường cái đó lắm”. Một chi tiết nhỏ nhưng cũng đủ cho thấy thực trạng khi tầng lớp hèn mọn trong xã hội bị bó buộc, kìm kẹp, họ không dám ra mặt bảo vệ những điều mà bản thân cho là thiêng liêng.
Xganaren rất hiểu chủ của mình. Có lẽ vì càng hiểu nên Xganaren càng bất bình hơn với con người này. Nhưng nỗi sợ tầng lớp trên cao đã khiến anh ta phải cẩn trọng trước những lời nói với chủ mình. Nhưng khi nào chủ cho phép thì rất thành thật “không tán thành lối sống của ông và con thấy ông yêu đương lung tung như vậy thì thật là xấu xa quá”. Nhiều lần, Xganaren thể hiện thái độ thật sự của mình với ông chủ nhưng cũng chỉ dám “nói riêng”, “nói một mình”. Xganaren vẫn phải nhẫn nhịn và nịnh hót Don Juan. Xganaren chỉ dám nói thật về con người của chủ khi hắn ta không có mặt ở đó hoặc thông qua những lời mượn cớ. Nhưng con người Xganaren không phải không có sự thay đổi, tiến triển. Lúc đầu, anh ta vẫn giữ thái độ nhẫn nhịn, xu nịnh nhưng rồi trước những hành vi và suy nghĩ lệch lạc của Don Juan, anh ta đã tiến dần từ việc bày tỏ gián tiếp qua những lời mượn cớ đến việc bày tỏ trực tiếp với người chủ của mình.
Và dường như trong con người ở tầng lớp thấp kém này, sự hèn nhát đến đáng thương trùm lấp lấy anh ta: từ việc sợ hãi trước chủ đến việc hai lần trốn chạy khi gặp bọn cướp và khi bức tượng đến. Và dù có bất bình trước cách sống của Don Juan đến đâu thì khi chủ bị trừng phạt, anh ta không thực sự cảm thấy hả hê khi cái xấu bị đánh bại mà chỉ quan tâm đến “Ôi! Tiền công của tôi!” (V, 6). Tiếng kêu la ầm ĩ được lặp lại đến bốn lần của Xganaren như làm giảm bớt đi ý nghĩa thiêng liêng ở sự trừng phạt cuối cùng của Thượng đế. Cái nhìn hạn hẹp của tầng lớp dưới dường như vẫn chưa đủ để làm nên những đột phá.
Chi tiết Xganaren mặc quần áo giả làm thầy thuốc đã phản ánh được chân thực thực tế đời sống y học thế kỉ XVII với những vị thầy thuốc dốt nát, cứng nhắc, hoặc là kê đơn theo những phương thuốc dân gian hoặc là bằng những thuật ngữ chuyên môn khó hiểu. Trước hết, chi tiết ấy có ý nghĩa đả kịch hàng thầy thuốc dởm. Nghề thầy thuốc vốn là một nghề thiêng liêng, có thể cứu sống mạng người nên chăng bộ quần áo cũng phải thật xứng đáng. Vậy mà bộ quần áo của thầy thuốc lại được miêu tả là “bộ quần áo lố lăng”. Đâu chỉ vậy, trang phục đặc thù chỉ dành riêng cho người làm thầy thuốc vậy mà cũng bị đem đi cầm ở hiệu, chỉ cần có tiền là mua được. Giờ đây, chỉ một bộ quần áo mà có thể thay đổi được cả bản chất bên trong “được vị nể, người ta chào… xin thăm bênh…”. Đỉnh điểm của việc báng bổ y học được thể hiện qua lời nói hồn nhiên đến xót xa của Xganaren khi kể về một người 6 ngày chưa chết nhưng dùng thuốc là có thể chết ngay. Dù không phải là thầy thuốc thực thụ nhưng Xganaren vẫn kê bừa một đơn thuốc viết loằng ngoằng cho bệnh nhân. Tiếng cười bật ra nhưng đó là tiếng cười chua xót. Không chỉ đả kích một bộ phận thầy thuốc dởm, Molière còn đả kích cả nền y học lạc hậu của xã hội lúc bấy giờ vì đã ngó lơ những phát minh khoa học tiến bộ.
Trong tác phẩm, Xganaren chính là người đối thoại thường xuyên nhất với nhân vật chính Don Juan. Người nhân dân – đầy tớ này là nhân vật lém lỉnh nhất, được Molière sử dụng nhiều thủ pháp trào lộng để bóc trần thói xấu của ông chủ.
Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người của Molière trong vở kịch Don Juan phần 4