Quan niệm nghệ thuật về con người của Molière trong vở kịch Don Juan phần 2

Quan niệm nghệ thuật về con người của Molière trong vở kịch Don Juan phần 2

Bởi Học văn cô Hà Huyền 14/09/2024
  1.  

Khái quát quan niệm nghệ thuật về con người của Molière trong vở kịch Don Juan

Hệ thống nhân vật trong vở kịch Don Juan gồm 19 nhân vật. Nhân vật trung tâm là Don Juan - nhân vật góp phần thể hiện tập trung nhất quan niệm nghệ thuật về con người thuộc tầng lớp quý tộc của Molière. Xung quanh Don Juan là các nhân vật khác như người đầy tớ của anh ta, Don Carlos và pho tượng, Done Elvire (vợ Don Juan), Gusman (kị sĩ của Elvire), Don Alonse (anh của Elvire), Don Louis (cha Don Juan), Charlotte, Mathurine (nữ nông dân), Pierrol (nam nông dân), La Violette, Ragotin (đầy tớ của Don Juan), M. Dimanche (ông lái buôn), La Ramée (kiếm khách), một người nghèo đều góp phần thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người của tác giả. Trong tác phẩm còn có sự xuất hiện của nhiều nhân vật phụ là tùy tòng của Don Juan, Don Carlos, Don Alonse như muốn khắc họa đậm nét hơn quan niệm của Molière về bản chất của giai cấp quý tộc. Đặc biệt, bên cạnh nhân vật kì ảo - pho tượng quận công, Molière còn đưa vào vở kịch của mình một bóng ma. Dù hệ thống nhân vật của Molière phong phú nhưng đều chịu sự chi phối của một quan niệm chung về con người.

Ông cho rằng một con người sẽ có một nét tính cách điển hình (tính cách chủ đạo) như tính học đòi, tính hà tiện hay tính đạo đức giả… Molière chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa duy lý nên ông cho rằng bản chất con người là vĩnh hằng bất biến, không phụ thuộc vào không gian và thời gian nên tính cách ấy sẽ không phát triển. Khi đi sâu tìm hiểu về một con người, tính cách là đối tượng trung tâm được tập trung cao độ để ông nghiên cứu, mô tả, làm rõ. Ông luôn liên tục quan sát để thấu hiểu đến cặn kẽ tâm can con người, từ đó tái tạo bức họa với chiều sâu là những tính cách đa dạng, những sự khác biệt giữa các giai tầng xã hội. Đó là lí do vì sao các tác phẩm kịch của Molière nói chung và tác phẩm Don Juan nói riêng được xếp vào hài kịch tính cách.

Các nhân vật trong Don Juan là các nhân vật kịch mang tính chất xác định của tính cách. Để xây dựng hình tượng nhân vật kịch, nhà văn đã sử dụng lời thoại và giọng nói của các nhân vật – chất liệu quan trọng nhất. Trong kịch không thể xuất hiện nhân vật người kể chuyện có nhiệm vụ giới thiệu tính cách, tâm tư của nhân vật mà chính các nhân vật phải tự cất lên tiếng nói biểu hiện cảm xúc, tâm trạng và động cơ của mình qua lời đối thoại cũng như độc thoại. Thế giới nội tâm của nhân vật kịch không phải là thế giới tự đóng kín trong bản thân mà nó được chuyển thành hành động kịch khi trong một môi trường đối thoại, các lời nói tác động qua lại với nhau. Và chính hành động kịch ấy là sự biểu hiện trực tiếp của động cơ, ý chí, tức là thành sự can dự ra ngoài của chủ thể. Vì vậy, nhân vật kịch không chỉ là chủ thể tự bộc lộ mà còn là khách thể có thể được quan sát bằng những điểm nhìn từ bên ngoài. Bằng những chất liệu riêng của sân khấu biểu diễn như lời thoại, giọng nói, trang phục của diễn viên hay cách trang trí sân khấu, nhân vật kịch không thể miêu tả chi tiết đặc điểm xã hội, mà chỉ có thể tập trung làm nổi bật một nét tính cách chủ yếu, một dục vọng cơ bản nào đó của con người. Tính xác định cao độ về tính cách của nhân vật kịch nằm ở chỗ đó.

Những nét tính cách ấy đều là sản phẩm của xã hội đương thời. Mỗi nhân vật, họ đại diện cho những quan điểm, cách ứng xử khác nhau trước các vấn đề trong cuộc sống. Họ như những tấm gương soi chiếu cho nhau, đứng cạnh nhau để làm nổi bật tính cách, phẩm chất của người còn lại. Ví dụ: Tính cách sa đọa, phóng đãng, xảo trá, đạo đức giả của Don Juan mang tính chất đại diện cho giai cấp quý tộc trụy lạc, vô liêm sỉ của triều đình Pháp thế kỉ XVII lúc bấy giờ để rồi trở thành điển hình của chủ nghĩa hư vô, chủ nghĩa cá nhân ích kỉ, hèn hạ với con mắt khinh miệt mọi thứ trên đời. Thông qua nhân vật, Molière đả phá những tệ nạn xã hội, đả kích những thói xấu, mặt trái trong tâm lí, tính cách con người và hơn hết là “sửa chữa phong hóa bằng tiếng cười”. Cũng thuộc về tầng lớp quý tộc như Don Juan, nhưng Don Carlos lại mang nét tính cách hòa nhã, chừng mực, hào hiệp; Don Louis đức hạnh. Molière xây dựng các nhân vật này như những điểm sáng của giai cấp quý tộc chân chính với lý trí và tình cảm tốt đẹp, đúng đắn. Hay như tính cách giản đơn, an phận, cảm thấy bất bình với lối sống phóng túng, trụy lạc của ông chủ Don Juan nhưng cuối cùng vẫn chịu chấp nhận phục tùng anh ta của người đầy tớ Xganaren lại mang tính chất đại diện cho tầng lớp nông dân biết phân biệt phải- trái, đúng-sai nhưng lại hèn nhát, không đủ dũng cảm để đấu tranh. Cũng thuộc về tầng lớp nông dân như Xganaren, nhưng Pierrol lại hiện lên với mầm mống của ý thức phản khảng trước những thế lực gò bó, chà đạp lên quyền sống của con người. Và nhân vật nam nông dân Pierrol như điển hình đẹp đẽ của quần chúng lao động với sự nhanh nhẹn và khỏe khoắn. Bên cạnh đó, tính cách của mỗi nhân vật đều tồn tại cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Tuy Don Juan có những phẩm chất xấu xa, nhưng bên cạnh đó, anh ta cũng có những phẩm chất tốt như dũng cảm và lịch sự. Xganaren mặc dù có sự cẩn trọng, nhún nhường và kinh sợ trước người chủ của mình nhưng cũng đã có những anh dám nói lên suy nghĩ của mình. Bởi theo Molière, không có gì trái ngược nếu một người nực cười ở phương diện này nhưng ở phương diện khác lại trở nên lịch thiệp. Hai mặt tốt – xấu trên xen kẽ với nhau chi phối nhân vật Don Juan cũng như các nhân vật khác khiến hình tượng trở nên sinh động, phong phú.

Không chỉ hướng ngòi bút của mình đến với tầng lớp phong kiến quý tộc - những kẻ đại diện cho tầng lớp thống trị nhưng đã lỗi thời, đang trên bước đường đến với bi kịch tàn vong, Molière còn hướng ngòi bút ăm ắp tinh thần nhân đạo của mình đến những nguyện vọng của người nông dân bên bờ biển như Pierrol, Charlotte hay Mathurine… - đại diện cho ước mơ của quần chúng lao động Pháp thế kỉ XVII: ước mơ hạnh phúc đôi lứa, ước mơ công bằng xã hội, … Đây cũng là một trong những yếu tố làm nên sức sống cho tác phẩm của Molière vì tác giả đã dũng cảm đứng về phía không chỉ của quần chúng lao động mà còn của tầng lớp tư sản tiến bộ, sử dụng điểm nhìn của họ để chế giễu tầng lớp quý tộc và bộ phận tư sản lạc hậu đương thời. Chỉ khi có cái nhìn của nhân dân lao động, của bộ phận giai cấp tư sản tiến bộ, Molière mới có thể chỉ ra được những mâu thuẫn, những kệch cỡm đáng cười ẩn náu dưới vẻ bề ngoài của xã hội tường chừng như ổn định nhưng thực chất đã lồi thời để giã từ chúng vào quá khứ.

Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người của Molière trong vở kịch Don Juan phần 3

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22