Lí giải các yếu tố chi phối đến quan niệm nghệ thuật về con người của Molière trong vở kịch Don Juan
Quan niệm nghệ thuật về con người của Molière bị chị phối bởi các yếu tố như: thời kì lịch sử xã hội, thời kì văn học và bởi chính tư tưởng, cách nhìn cá nhân của tác giả.
Về thời đại, Molière sống tại nước Pháp vào thế kỉ XVII. Nước Pháp thế kỉ này đang ở giai đoạn phát triển ổn định trên nền tảng của một quốc gia hòa bình, thống nhất và một nền kinh tế thương mại phát triển nhanh chóng. Bởi nước Pháp lúc bấy giờ là nhà nước quân chủ chuyên chế, đã tạo ra được thế quân bình chính trị giữa hai bộ phận đối lập, tức là có sự thỏa hiệp tạm thời giữa: bộ phận phong kiến tập quyền trung ương và bộ phận tư sản giàu có ở thành thị với mục đích nhằm chống lại bọn phong kiến cát cứ ở địa phương. Cụ thể đặc điểm tình hình của mỗi bộ phận như sau: giai cấp quý tộc vẫn duy trì bộ máy thống trị phong kiến nhưng đang trên đà suy thoái; trong khi giai cấp tư sản phát triển nhưng chưa hùng mạnh. Là con người sống giữa lòng thời đại như vậy, Molière đã thể hiện quan niệm của mình về giai cấp quý tộc lạc hậu thông qua hình tượng Don Juan. Thời đại mà Molière sống cụ thể là thời kì nhà nước ở hình thức quá độ - triều đại Louis XIV - tức Louis le Grand (1643 – 1715) – ông vua được mệnh danh là “Vua Mặt trời”. Vua Louis là người yêu thích, coi trọng văn hóa nghệ thuật nên các viện hàn lâm nghệ thuật và khoa học được xây dựng, sinh hoạt văn nghệ ở cung đình được tổ chức. Chính sách bảo trợ các nghệ sĩ cùng với việc Molière được nhà vua mến trọng tài năng đã tạo điều kiện cho Molière có cơ hội thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người của mình. Molière quan niệm rằng cần phải chống lại lòng căm thù của quyền lực nhà thờ và tầng lớp quý tộc hủ bại.
Về thời kì văn học, giai đoạn Molière sống là thời kì chủ nghĩa cổ điển (Le classicisme) đang phát triển rực rỡ nhất. Chủ nghĩa cổ điển vì được hình thành trên thế cân bằng lịch sử nên nó phản ánh ý thức hệ tư sản nhưng lại mang màu sắc phong kiến. Nhân vật Don Juan mang một nét tính cách chủ đạo như vậy bởi theo quan niệm của chủ nghĩa duy lý, bản chất con người là vĩnh hằng bất biến, không phụ thuộc vào không gian và thời gian nên tính cách ấy sẽ không phát triển.
Về bản thân, nhờ sự xuất thân gần gũi với triều đình cùng với cuộc sống lăn lộn lại được gần gũi với nhân dân, nên ông nhìn thấu rõ những thói hư tật xấu của giai cấp tư sản lạc hậu muốn quý tộc hóa cũng như những thối nát, hủ bại của tầng lớp quý tộc ăn bám, vô đạo để xây dựng được nên các tính cách điển hình. Cùng với tài năng và khuynh hướng tư tưởng xuất chúng của Molière trên cơ sở thay đổi có tính chất nguyên tắc, ông đã phát triển nội dung xã hội của một hình tượng vốn mang tính truyền thống nay có thể trở thành điển hình cho một giai cấp nhất định của thời đại, đó là hình tượng Don Juan. Nếu như trong các bản cũ, Don Juan hiện lên chỉ là một nhân vật trừu tượng, mang nặng tính chất giáo huấn của tôn giáo, chỉ là điển hình cho thói ăn chơi trụy lạc, vô thần chung chung thì đến Molière, với tất cả những yếu tố trên, ông đã đem lại văn học thế giới nói chung và văn học Pháp nói riêng có được một hình tượng Don Juan như đại biểu cao nhất của xã hội đương thời Pháp thế kỉ XVII về tầng lớp quý tộc dâm ô trụy lạc đến vô sỉ. Tuy nhiên, thời đại của ông còn hạn chế vì chưa phải là thời đại của cách mạng xã hội, vậy nên, ông chỉ đi tới được chủ trương giáo dục con người theo lý trí tự nhiên và lương tri như các nhà văn tiến bộ đương thời.
Kết luận
Như vậy, quan niệm nghệ thuật về con người của Molière không nằm ngoài hệ thống quan niệm chung của chủ nghĩa cổ điển Pháp thế kỉ XVII khi cho rằng mỗi con người đều mang một nét tính cách chủ đạo. Bởi theo quan niệm của chủ nghĩa duy lý, bản chất con người là vĩnh hằng bất biến, không phụ thuộc vào không gian và thời gian nên tính cách ấy sẽ không phát triển. Và hình tượng Don Juan với nét tính cách chủ đạo là đạo đức giả như đại biểu cao nhất của xã hội đương thời Pháp thế kỉ XVII về tầng lớp quý tộc dâm ô trụy lạc đến vô sỉ.
Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người của Molière trong vở kịch Don Juan phần 1