Pho tượng đá
Pho tượng đá là một nhân vật kì ảo quan trọng tham gia vào cốt truyện, làm nên kịch tính trong cả vở kịch của Molière. Pho tượng đá là chân dung của người bị Don Juan sát hại. Và chính pho tượng vô tri vô giác nhất trong vở kịch sẽ là người trừng phạt Don Juan, mở nút cho mọi mâu thuẫn, xung đột.
Quận công đều được các nhân vật chú ý đến ngoại hình của pho tượng và tính cách khi còn sống. Việc nhận xét về tính cách ấy đều được thực hiện bởi Don Juan. Cuộc gặp gỡ giữa pho tượng đá và Don Juan diễn ra ba lần tương ứng với ba giai đoạn vận động của hành động kịch: trình bày, thắt nút - đỉnh điểm - mở nút.
Tình huống bắt đầu ở hồi III, lớp 5 khi Don Juan bắt gặp ngôi mộ của quận công, nơi có pho tượng lộng lẫy. Don Juan đã chủ động “đến thăm”. Mọi tình huống xảy ra trong câu chuyện đều do sự lựa chọn (xuất phát từ tính cách) của nhân vật. Pho tượng được miêu tả với vẻ ngoài làm bằng đá cẩm thạch, mặc trang phục của hoàng đế La- mã, giống hệt người sống. Giống đến mức Xganaren cảm tưởng như pho tượng đang chuẩn bị nói, nhìn về phía họ. Quận công qua con mắt của Don Juan là người hà tiện nhưng lại thích phô trương, khi còn sống thì chỉ ở trong một ngôi nhà tầm thường nhưng đến khi chết lại xây lâu đài tráng lệ, tạc tượng mình bằng đá cẩm thạch đẹp tuyệt.
Điều kì lạ đầu tiên chính là hành động hai lần cúi đầu nhận lời ăn chiều của pho tượng. Tình tiết truyện đến đây chưa tạo ra kịch tính. Cuộc gặp gỡ của pho tượng và Don Juan bị trì hoãn bởi những cuộc gặp gỡ khác. Đó như là cách để kéo dài câu chuyện, khiến khán giả phải hồi hộp, tò mò về những điều sẽ xảy ra tiếp theo.
Đến hồi IV, lớp 8, cuộc gặp gỡ thứ hai của pho tượng và Don Juan mới diễn ra. Theo đúng lời mời, pho tượng đến dùng bữa chiều nhà Don Juan. Sau đó, pho tượng mời lại Don Juan đến dùng bữa chiều với mình và kèm theo một câu hỏi như thách thức “Anh có đủ can đảm đến không?” (IV, 8). Cuộc gặp gỡ thứ hai kết thúc trong sự ra về của pho tượng mà vẫn chưa có một sự trừng phạt nào diễn ra. Nhưng câu nói cuối cùng nhắc về Chúa của pho tượng quận công chính là lời nhắc nhở đến Don Juan: “Khi đã có Chúa dẫn đường thì chẳng cần đến ánh sáng” (IV, 8).
Cuộc gặp gỡ cuối cùng và cũng mang tính chất quyết định xảy ra vào lớp cuối của vở kịch (hồi V, lớp 6). Diễn biến của cuộc gặp gỡ này diễn ra mau lẹ hơn bao giờ hết và sự trừng phạt sẽ được thực thi. Pho tượng kết án Don Juan “ngoan cố trong tội lỗi thì dẫn đến một cái chết thảm khốc, và khước từ thánh sủng của Chúa là mở đường cho sấm sét của Người” (V, 6). Lời kết án cũng tựa như một phát ngôn về tư tưởng. Pho tượng đã “mượn” tay Chúa hay nói đúng hơn pho tượng đã thay Chúa để để trừng phạt Don Juan. Như vậy, đây là sự trừng phạt của Chúa đối với Don Juan. Nếu như trong hài kịch của Molière, đối với những xung đột khó giải quyết, ông thường dùng đến motif kết thúc tác phẩm bằng sự xuất hiện của nhân vật quan trọng nhất, đặc trưng cho thời đại cổ điển chủ nghĩa thế kỉ XVII - nhà vua đến phán xử thì trong Don Juan, đấng minh quân ấy lại là Chúa. Hình ảnh Chúa hiện lên như một thế lực hùng mạnh với sấm sét và ánh chớp sáng đặc trưng của Người. Nơi Don Juan ngã xuống như là địa ngục - nơi vực thẳm có ngọn lửa lớn. Qua cái chết của Don Juan, điều Molière muốn gửi gắm không phải là sự thỏa mãn khi trừng phạt được kẻ xấu xa mà giúp người tiếp nhận hiểu về những logic tự nhiên chung của các thói hư, tật xấu đáng cười trong xã hội.
Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người của Molière trong vở kịch Don Juan phần 13