Tính cách của nhân vật Don Juan được khắc họa và xây dựng thông qua nghệ thuật cường điệu hóa tính cách
Thói sống phóng đãng, đạo đức giả của Don Juan gây cười nhờ thủ pháp chính là cường điệu, phóng đại. Thủ pháp này được Molière sử dụng một cách tuyệt đối, đến mức cực đoan. Sự phóng đại ấy không phải thổi phồng nhân vật thành ngoại cỡ mà nó có nền móng chắc chắn của cơ sở hiện thực nên có sức mạnh và được thừa nhận. Biểu hiện của thủ pháp này thể hiện trong tổ chức tác phẩm cũng như ngôn ngữ đối thoại của nhân vật.
Dù trong vở kịch, Don Juan không tồn tại trực tiếp trong bầu không khí nóng hổi của thời đại nhưng Don Juan hiện ra vẫn rất chân thực, sống động như con người thực được sinh ra từ cuộc đời này. Bởi Molière đã “mô tả theo tự nhiên”. Trong lớp VI của vở kịch Phê bình “Trường học làm vợ”, Molière viết: “Khi anh vẽ người, anh phải vẽ theo tự nhiên. Mọi người đều muốn rằng bức chân dung của anh giống như thật. Nếu anh không làm cho người xem nhận ra được những con người của thời đại mình, tức là anh chẳng làm cái gì hết”.
Vì Don Juan là hài kịch tính cách nên tính cách là đối tượng được tập trung cao độ để nghiên cứu, mô tả, làm rõ. Nói về nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật trung tâm của vở kịch Don Juan, Molière không miêu tả sự hình thành, vận động và phát triển của tính cách Don Juan mà chỉ khắc họa một cách tập trung những nét tính cách cơ bản, nổi bật nhất. Để làm nổi bật tính cách nhân vật trong cái nhìn đa chiều, Molière đã quan tâm việc đặt nhân vật vào các cuộc gặp gỡ cụ thể với những cảnh ngộ khác nhau thay vì dẫn dắt hành động theo một trật tự hợp lí về hình thức. Trong vở hài kịch, tính cách của Don Juan hiện lên rõ nét khi va chạm với những tính cách khác thông qua một chuỗi những cuộc gặp gỡ của Don Juan với các hạng người khác nhau: người nông dân (Pierrol, Charlotte, Mathurine), người hành khất, người đầy tớ (Xganaren, La Violette, Ragotin), kiếm khách La Ramée, người quý tộc (Done Elvire, Don Carlos, Don Alonse, Don Loui), người lái buôn Dimanche. Dù được đặt trong nhiều mối quan hệ với những tính chất khác nhau, nhưng nhìn chung, Don Juan chỉ hiện lên rõ nét với một nét tính cách nhất định – chủ nghĩa hư vô về luân lý và tôn giáo. Những tính cách khác như phóng đãng, xảo trá, bội bạc, bất hiếu, lươn leo, … cuối cùng chỉ để phục vụ làm rõ cho tính cách chủ yếu được nêu lên ở trên. Để khắc họa tập trung cho một tính cách cụ thể và tăng cường tính hài kịch Molière không chỉ tước bỏ những chi tiết rườm rà, không phục vụ cho việc làm sáng rõ tính cách nhân vật mà còn cường điệu tính cách ấy, đẩy nó lên đến lằn ranh của sự phi lí đến khó tin. Tính hài kịch này của Don Juan được thể hiện ở óc chủ quan đến ngoan cố của nhân vật. Trước những cử chỉ kỳ lạ của bức tượng đá vô tri, Don Juan vẫn thản nhiên, không sợ sệt, không hề tin về sự bí ẩn đó. Nhưng nghệ thuật cường điệu của Molière không phải là sự sáng tạo tùy hứng mà nó được dựa trên hiện thực. Molière tạo dựng tính cách nhân vật một cách chi tiết, tỉ mỉ ngay ở việc sáng tạo ra lời nói cho từng người, phù hợp với từng cá tính và hoàn cảnh giao tiếp khác nhau. Ông không gọt rũa ngôn từ một cách thái quá mà sẵn sàng để cho người nông dân sử dụng lối nói dân dã, chất phác đến mức thô tục, để cho Don Juan lúc thì nịnh bợ, lúc thì hống hách… cốt cũng để làm nổi bật tính cách nhân vật. Ngôn ngữ nhân vật ở hồi II là ngôn ngữ địa phương, bản sắc của vùng miền dân tộc được đề cao. Điều này đi ngược lại với văn phong trang nhã và trong sáng của chủ nghĩa cổ điển. Bên cạnh đó còn có những đoạn nhân vật nói với khán giả vô cùng tự nhiên và chân thật.
Một trong những đặc điểm thi pháp quan trọng của nghệ thuật hài kịch Molière là xây dựng nhân vật từ góc độ tiếng cười. Để chỉ ra đặc điểm của nhân vật, mỗi tính cách của họ đều được Molière xây dựng gắn với những tiếng cười khác nhau.
Molière đã tổ chức chặt chẽ kịch tính, đảm bảo sự cân đối giữa các cảnh, các hồi nhưng lời thoại của các nhân vật còn dài, nói vòng vo, diễn giải, có sử dụng lối nói điệp cấu trúc “bao nhiêu…”, “rằng….” để trách móc. Giữa các lớp mang nội dung then chốt có đan xen các cuộc hội thoại của Don Juan và Xganaren như là bước đệm để bày tỏ quan điểm về sự việc quan trọng vừa xảy ra. Ông xây dựng các cuộc đối thoại giữa Don Juan và Xganaren ấy như cơ hội để bày tỏ, trao đổi những quan niệm đối lập nhau, qua đó thể hiện triết lí các vấn đề cuộc sống ở nhiều chiếu hướng, cách nhìn khác nhau.
Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người của Molière trong vở kịch Don Juan phần 12