Quan niệm nghệ thuật về con người của Molière trong vở kịch Don Juan phần 10

Quan niệm nghệ thuật về con người của Molière trong vở kịch Don Juan phần 10

Bởi Học văn cô Hà Huyền 14/09/2024
  1.  

Mối quan hệ gia đình với người cha Don Louis

Trong vở kịch, cuộc gặp gỡ của hai cha con diễn ra hai lần. Trong mối quan hệ cha con, nếu như Don Louis là người cha cao thượng và đức hạnh thì Don Juan hiện lên là một đứa con bất hiếu, hỗn láo và là kẻ sống ăn bám.

Ở hồi IV, lớp 4, khi cha đến khuyên nhủ Don Juan về lối sống phóng đãng thì anh ta lại chỉ coi đó là “cuộc thăm viếng” gây khó chịu, phiền toái. Trong vở kịch, Don Louis là người có quan hệ máu mủ duy nhất với Don Juan. Ngỡ tưởng rằng tình cảm ruột thịt ấy sẽ đủ sức để cảm hóa Don Juan nhưng không thể. Bên cạnh Don Carlos thì Don Louis cũng là phát ngôn tư tưởng về phẩm chất mà người quý tộc phải có. Don Louis cho rằng, để trở thành quý tộc, không phải chỉ bằng việc mang tên quý tộc và đeo gươm. Dòng máu quý tộc không quan trọng bằng cách chúng ta hành động thế nào. Don Louis cho rằng, phẩm tước cao quý nhất của người quý tộc chính là đức hạnh, sau đó là việc noi gương đạo đức và thành tích của tổ tiên. Trái ngược với lòng mong mỏi, kì vọng, trong mắt của người cha, Don Juan không hề xứng đáng với dòng dõi quý tộc. Don Louis phải dùng hàng loạt tính từ mang sắc thái tiêu cực để nói về hành vi đáng hổ thẹn của Don Juan: “đê hèn”, bỉ ổi”, “bậy bạ”, “đốn mạt”, “nhục nhã”, “hư hỏng”, “vô lại”, “hư đốn”. Đối với Don Louis, một anh phu khuân vác lương thiện còn đáng tôn trọng hơn một bậc đế vương mà có lối sống như Don Juan. Cách đánh giá của Don Louis đã xòa nhòa ranh giới cao quý - thấp hèn giữa các tầng lớp. Dù đứng trong giai cấp quý tộc nhưng ông vẫn thẳng thắn nhìn ra những thói hư tật xấu trong giai tầng của mình và coi trọng phẩm chất tốt đẹp của bất kì con người nào, dù ở bất kì địa vị nào. Kết thúc lần gặp gỡ đầu tiên là lời cảnh báo đồng thời cũng là lời chối bỏ của cha dành cho Don Juan “Trời sẽ nổi cơn thịnh nộ để trừng phạt mày, rửa sạch điều ô nhục là đã trót để cho mày sinh ra đời” (IV, 5). Cùng với lời cảnh báo trước đó của Done Elvire, niềm tin về sự trừng phạt tất yếu xảy ra đối với Don Juan càng được khẳng định chắc chắn.

Lần gặp gỡ thứ hai của hai cha con xảy ra ở hồi V, lớp 1. Nếu như lần đầu, người cha phải đích thân đến gặp Don Juan thì lần này, anh ta chủ động đến gặp cha. Nhưng chi tiết ấy không báo hiệu cho sự hối cải của Don Juan mà chỉ là cơ hội để anh ta càng bộc lộ bản chất đạo đức giả của mình. Anh ta thừa nhận những lời hối lỗi mùi mẫn thực chất chỉ là một thủ đoạn để lấy lòng người cha khi cần đến. Don Juan đã lợi dụng tình phụ tử thiêng liêng để phục vụ mục đích cá nhân xấu xa của mình: để bảo vệ bản thân khỏi những điều rắc rối của xã hội.

Qua mối quan hệ cha con, Don Juan đã hiện ra là một con người vô lương tâm khi coi thường cả tình thân máu mủ, chà đạp lên cả những đạo lí thiêng liêng của con người.

Như vậy, Don Juan trong mối quan hệ biện chứng với các nhân vật khác đã làm bật lên những sắc thái khác nhau của tiếng cười phụ thuộc theo mối quan hệ với từng nhân vật. Molière để các nhân vật xuất hiện trước sau lần lượt qua từng lớp, từng hồi nhằm càng tô đậm lên thói ăn chơi trác táng cùng thói đạo đức giả đáng cười của Don Juan cũng như cái đáng cười trong tính cách của các nhân vật khác (sự ngây thơ “quá đáng” của hai nàng thôn nữ, sự hèn nhát của Xganaren…). Ban đầu con người Don Juan chỉ gợi lên tiếng cười vui vẻ nhưng đến cuối vở kịch, khi tất cả bản chất lố lăng đã bị phơi bày thì cái cười ở đây là cười ra nước mắt.

Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người của Molière trong vở kịch Don Juan phần 11

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22