Nhận thức của nhân vật chính về triết lí tình thương – Nguồn cội của lòng yêu nước
Khác với các nhân vật phụ, qua hành trình năm ngày, trải biết bao sự kiện bất ngờ và thử thách nhân sinh quan vốn có, Lev Beniov cuối cùng đã ngộ ra lí tưởng của mình trong cuộc chiến tưởng chừng không hồi kết và không liên quan gì đến mình. Ban đầu, anh cũng mơ hồ về cuộc chiến không kém người bạn đồng hành bất đắc dĩ Kolya. Sự sống với anh thật vô thường: Những người bạn của anh “đã trở thành hư ảo, cứ như thể cái chết đã xóa sạch cuộc đời trước kia của họ vậy”. Khi cảnh sát bắt cha anh đi, anh “không sao hiểu nổi làm thế nào mà một con người… lại có thể không hề tồn tại nữa, như thể ông chẳng qua chỉ là một làn khói thuốc”. Chiến tranh với anh thật vô nghĩa: “Cảm giác điều đó thật mơ hồ đến tuyệt vời…, cuộc chiến của ai đó khác”. Anh cảm thấy tốt nhất là biết giữ cái thân mình đã. Tuy nhiên, từ khoảnh khắc Kolya cứu anh khỏi tên đồ tể, anh bắt đầu nhận ra trong cuộc chiến còn có tình người. Tình huống tiếp theo đẩy nhân vật lên một bước phát triển mới, đó là khi Lev cương quyết phản bác Vika: “Không…, tôi không đồng ý. Markov quan trọng. Tôi và cả cô cũng vậy. Đó là lí do tại sao chúng ta phải thắng”. Lần đầu tiên kể từ khi bước vào cuộc chiến, Lev nhận thức được mình chiến đấu cho điều gì. Quá trình tư duy của Lev về vai trò mà mỗi cá nhân đóng góp vào chiến thắng đạt đến cao trào ở sự kiện: Lev giết hai tên lính Đức để cứu Vika và Kolya. Lúc này, anh không chỉ nhận thức mà còn hành động. Anh đã lấy lại niềm tin vào cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại: “Ta chưa từng bao giờ là người ái quốc gì cho lắm… Nhưng đêm nay,… ta bỗng trào lên một tình yêu thuần khiết dành cho đất nước mình”. Nỗi sợ cái chết của anh đã chuyển hóa thành nỗi sợ những người thân yêu của mình phải chết. Đến đây, hẳn là Lev Beniov đã có thể rời “sân khấu” được rồi. Không, anh còn một nhiệm vụ: đem trứng về cho viên đại tá. Nhân vật của chúng ta cần trở lại chiến tuyến thực sự của anh – thành phố Piter. Cái chết của Kolya khép lại năm ngày sóng gió của Lev Beniov trong niềm đau đớn vô hạn nhưng có lẽ Kolya đã hoàn thành sứ mệnh người thầy dạy cho Lev thế nào là chiến tranh và giá trị của sự hi sinh. Điều đó phần nào an ủi những người trong cuộc. Kolya, Lev và Vika đã truyền thụ cho nhau và gửi gắm đến độc giả một định nghĩa giản dị về lòng yêu nước: Lòng yêu nước bắt nguồn từ tình yêu thương đồng loại, không phải ngay từ đầu đã là một cộng đồng lớn mà xuất phát từ lòng yêu từng con người thân thuộc bên mình.
KẾT LUẬN
Tiểu thuyết “Thành phố trộm” dựng lên chân dung những con người “không thể hóa thân đến cùng vào cái thân xác xã hội - lịch sử hiện hữu” [1]. Con người trong tiểu thuyết là con người nếm trải, như Lev Beniov, Kolya và Vika bị chiến tranh thử thách và trở thành những khả thể khác của chính họ. Qua đó, tiểu thuyết hướng bạn đọc đến một tư duy cởi mở và đa chiều về chiến tranh. Bằng phương pháp nghiên cứu của thi pháp học, người viết đã soi chiếu và phân tích một đặc trưng của thể loại tiểu thuyết – nhân vật nếm trải – trong một trường hợp cụ thể. Từ đó, người viết rút ra kết luận về vẻ đẹp nhân cách của con người có thể bị bào mòn hoặc củng cố thông qua những tình huống thử thách khắc nghiệt nhất về nhân tính.
Đọc tiếp: Nhân vật nếm trải trong tiểu thuyết Thành phố trộm phần 1