Nhân vật nếm trải trong tiểu thuyết Thành phố trộm phần 2

Nhân vật nếm trải trong tiểu thuyết Thành phố trộm phần 2

Bởi Học văn cô Hà Huyền 08/11/2024

Sự chất vấn về nhân tính trong chiến tranh và nỗi hoài nghi về lòng yêu nước của nhân vật chính

Cuốn tiểu thuyết “Thành phố trộm” của David Benioff nằm trong khuynh hướng thứ hai, tuy nhiên, cốt truyện lại xoay quanh một tình huống vừa trớ trêu, vừa tàn khốc: Hai người lính bị bắt, một người bị can tội đào ngũ vì đến gặp tình nhân ở cách đơn vị của anh ta 40km và người còn lại bị can tội ăn cắp vì lấy một con dao từ xác một tên lính Đức. Họ sẽ được xóa bỏ tội danh của mình nếu hoàn thành một nhiệm vụ bất khả thi là tìm về 12 quả trứng gà để con gái ông Đại tá có một chiếc bánh trong đám cưới diễn ra giữa cuộc chiến đầy khốc liệt – Thế chiến II. Nếu là một ngày bình thường, 12 quả trứng gà chẳng hề khó kiếm, nhưng giữa chiến trường bom rơi đạn lạc, con người còn phải vật lộn để sống thì sự tồn tại của trứng gà đối với các nhân vật trong tiểu thuyết này vừa giống một trò đùa tai ác, vừa giống một huyền thoại. Trước khi đi vào mạch truyện chính, độc giả có thể thấy nỗi băn khoăn về lí tưởng chiến đấu của một thời đại đã qua thôi thúc tác giả phỏng vấn ông ngoại mình – một cựu binh sống sót trở về sau Thế chiến II. Ông không muốn viết về những anh hùng tưởng tượng nữa, ông cũng “không muốn viết về cuộc đời mình”. “Tôi muốn viết về Leningrad”, “có điều gì mà khủng khiếp vậy?”. Ông muốn biết ông ngoại - “người đàn ông mảnh dẻ, trầm lặng,… ngồi trên băng ghế công viên đọc tờ báo tiếng Nga” đã sống sót qua Chiến tranh thế giới lần thứ hai như thế nào.  

Câu chuyện mở ra bằng bức tranh toàn cảnh khu chung cư Kirov ở phố Voinova, nơi ông ngoại của tác giả sống từ lúc lên năm, vào đêm Giao thừa tháng 1 năm 1942. Cái đói và cái rét khiến người ta phải hối tiếc vì bảy tháng trước đã ăn uống phung phí. Nhân vật “ta” - ông ngoại của tác giả David Benioff - đang suy tư về lí do mình lựa chọn ở lại thành phố, không cùng mẹ và em gái đi sơ tán. Anh hồi tưởng lại chính anh khi đó, dõng dạc tự tuyên bố rằng: “Ta đã mười bảy tuổi, ngập tràn một niềm tin vào số phận anh hùng của mình”. Lời hiệu triệu đầy khí thế của Molotov đã tác động hiệu quả đến hàng nghìn cậu thiếu niên như anh, cổ vũ họ sẵn sàng hi sinh vì độc lập tự do cho dân tộc. Họ đều đói đến nỗi không còn biết hạnh phúc là gì nhưng vẫn tin rằng đây là Ý nghĩa: Nước Nga còn thì chúng ta còn. 

Thế nhưng, thực tế chiến tranh mỗi ngày dội một gáo nước lạnh hòng dập tắt những cái đầu thuần khiết ấy. Nó lạnh lùng chất vấn: Chiến tranh đây, chết chóc và thất vọng. Những con người sống giữa sự tàn khốc của nó dường như ngày càng không tin vào chiến thắng không biết bao giờ đến.Thành phố trộm” chỉ ghi lại cuộc hành trình năm ngày của nhân vật “ta” - từ Piter đến Mga và ngược lại - nhưng đã lột tả chân thực và sắc lạnh độ tàn khốc của cuộc chiến. Cuốn tiểu thuyết mang lại một trải nghiệm lạ lùng về chiến tranh. Nó không miêu tả cuộc chiến đấu ở tiền tuyến hay cảnh đói khát thê lương, cầm chừng ở hậu phương. Nó là câu chuyện của riêng “ta” - kẻ đứng giữa cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại như một người thừa. Anh chưa đủ tuổi nhập ngũ, anh cũng không đủ sức khỏe: “Từ khi sinh ra ta vốn đã là một đứa còi cọc”. Dường như anh không làm gì cả hay nói đúng hơn, không thể làm gì ngoài cố gắng sống sót, và suy nghĩ. Cuộc sống của anh ở khu chung cư chỉ có đói và rét là hai mối nguy cơ thường trực, máy bay địch thả bom thậm chí còn đóng một vai mờ nhạt hơn. Vậy anh quan tâm đến điều gì? Lev chỉ cần biết rằng hôm nay mình còn sống. Anh cần ăn, dù chiến tranh đã sản sinh ra những món không-phải-cho-người-ăn nữa: “Thậm chí cả bây giờ, thậm chí cả khi ta đã quên khuôn mặt của những người mà ta yêu quý, ta vẫn còn nhớ vị của thứ bánh mì đó”, thứ bánh mì khẩu phần có vị mùn cưa và cứng như đá. “Nửa củ hành và một ổ bánh mì 125 gam chia làm bốn - đó là một bữa tươm tất”, anh không nghĩ xa hơn thế. Lev và những người bạn sống cùng chung cư sẽ bị lịch sử lên án vì chỉ biết lo cho mạng sống của mình, họ thậm chí còn dám uống rượu lấy từ một tên lính Đức đã chết. Tuy nhiên, Lev khác mọi người - anh còn suy nghĩ. Trong khi những người xung quanh - Vera Osipovna, anh em nhà Antokolsky - đều chiến đấu theo nghĩa vụ và ăn, ngủ theo bản năng, anh lại vừa làm tất cả những chuyện đó, vừa nghĩ vơ vẩn. Tình trạng này kéo dài suốt cuộc hành trình năm ngày cùng anh lính Kolya đi tìm mười hai quả trứng trong vô vọng. Năm ngày ấy là cơn sóng gió lớn nhất trong kí ức của anh về chiến tranh. Trên hành trình thực hiện một nhiệm vụ điên rồ - kiếm cho ra mười hai quả trứng gà để ông đại tá tổ chức đám cưới cho con gái, Lev Beniov - nhân vật “ta” đã gặp biết bao cảnh tượng kinh hoàng chưa từng thấy: “Những ngày vừa rồi đã trở thành một mớ thảm họa hỗn độn; điều mới buổi chiều còn tưởng như không thể thì đến tối đã là một sự thật trần trụi. Những cái xác Đức rơi từ trên trời xuống; lũ ăn thịt người bán những dây xúc xích làm từ thịt người xay ở Chợ Giời; những tòa chung cư sụp đổ tan tành; lũ chó biến thành những quả bom; những người lính đóng băng trở thành bảng chỉ đường; một người du kích còn nửa khuôn mặt đứng lảo đảo trong tuyết, trân trối nhìn những kẻ vừa giết mình”. Những khẩu hiệu trong hoàn cảnh này trở nên lố bịch, bọn SS chẳng thèm bận tâm vì không cảm thấy một chút đe dọa nào. Còn Lev và những người đồng hành - Kolya, Vika - thì hiểu rằng chúng không cứu được mình. 

Đọc tiếp:  Nhân vật nếm trải trong tiểu thuyết Thành phố trộm phần 3

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22