Ngôn từ nghệ thuật trong văn xuôi Bình Định sau 1975 phần 9

Ngôn từ nghệ thuật trong văn xuôi Bình Định sau 1975 phần 9

Bởi Học văn cô Hà Huyền 07/11/2024

Trường từ địa danh Bình Định

Các địa danh Bình Định xuất hiện khắp các trang văn trong túi văn Bình Định, hầu như trong mỗi nhà văn đều có ít nhất vài trang nhắc tới địa danh Bình Định, bởi “Bình Định là quê hương tôi. - Ôi! Không đâu đẹp bằng quê hương! Lời em bé học trường làng ngày xưa mãi vang vọng trong tâm trí. Và cũng như em bé, tôi thấy quê hương đẹp không đâu bằng! Thấy quê hương đẹp không đâu bằng, vì không yêu đâu bằng quê hương. Yêu nhau phải nói bằng lời, cho nên tôi viết về Bình Định. Viết để nói lên những gì biết được và có thể nói được, cho thỏa lòng ấp ủ bấy lâu.” (Quách Tấn, Nước non Bình Định).

Có những nghệ sĩ là người con của Bình Định, từng tắm trong mình những dòng sông quê hương, hoặc cho dù họ không phải là người con gốc Bình Định, thì với họ - Bình Định cũng là quê hương thứ hai, họ có thời gian sống gắn bó ở đất võ. Phần lớn, các nhà văn đều lớn lên tại quê hương, trải qua tuổi thơ gắn bó với thiên nhiên, con đường,… đặc biệt dòng sông là hình ảnh chảy suốt bao nhiêu thế hệ nhà văn bởi ở Bình Định có khá nhiều con sông. Trong Sông thức của văn sĩ Lê Hoài Lương, mở đầu là dòng sông Hà Thanh đầy thơ mộng, lãng mạn “Trước khi đổ ra đầm Thị Nại, dòng Hà Thanh bỗng làm một cuộc đi vòng ngoạn mục tạo thành một vùng đất chừng vài cây số vuông”, dòng sông còn hiện lên với “Cảng Quy Nhơn hiền hòa những con tàu lớn đang bốc xếp hàng. Mặt đầm Thị Nại yên bình chói rỡ”. Rồi, xuất hiện “xóm Nhà Trường, sông Nhà Trường” mặc dù có tên trong bản đồ địa giới hành chính nhưng người dân bao đời cứ gọi như vậy, chi tiết này ta thấy được sự gắn bó giữa con người và văn hóa đặt tên theo đặc điểm của xóm đã là một thức quen thuộc trong con người làng quê Việt Nam. Một số địa danh chỉ kịp ghi mặt điểm danh để tô điểm cho xóm Nhà Trường nhưng không in đậm trong tác phẩm “Không có quả bom nào rơi xuống cái xóm nhỏ này dù đây là hành lang quân ta từ núi Bà qua Khu Đông, xuống Bãi Dài bạt ngàn sú, mắm làm bàn đạp vào Quy Nhơn” hay “xuống xe khách ở Cầu Đôi”. Trong truyện, Lê Hoài Lương đã xây dựng cậu bé “Hoàng Long” tuổi thơ bên sông Hà Thanh “Tao lớn lên từ con cá bống găm, cá bống cát sông Hà Thanh!”, Hoàng Long được Thành - nhân vật “tôi” trong truyện mệnh danh là “thổ công” của xóm Nhà Trường, “sông thức”- dòng sông Hà Thanh chứng kiến bao kỉ niệm của Thành và Thanh Thao trong những đêm hè hò hẹn, nhưng mọi thứ chỉ là kỉ niệm đẹp, họ không tiến tới cái viên mãn của tình yêu, sau này mỗi người đều có cuộc sống với những điều mà trước đó họ từng mong ước, song ở mỗi người lại hình như thiếu đi một cái gì trong cuộc sống “…Dòng sông đêm không ngủ…Dù bây giờ không còn mái lá nhưng ngôi nhà này, khu vườn này đã vĩnh viễn thành cổ tích. Hình như tôi đã đánh mất một cái gì thực sự quý giá. Hơn mười năm qua tôi chưa hề sống cuộc sống của tôi”, còn Thanh Thao cô sinh được đứa con trai, điều mà cô mong ước trước đó vì chứng kiến mẹ mình không sinh được con trai mà mẹ không hạnh phúc trong cuộc sống hôn nhân. “Sông thức” cũng là nơi chứng kiến Hoàng Long ra đời - kết tinh của một người chiến sĩ Cách mạng và mẹ của Hoàng Long, là nơi chứng kiến sự hội ngộ đầy đủ của mẹ chồng - nàng dâu - đứa cháu, là nỗi niềm được làm rõ gốc tích sau hơn ba mươi năm chịu đựng những xét nét của người đời về thân phận của Long. Dòng sông Hà Thanh còn xuất hiện làm mạch chính, không gian chính cho truyện Mỗi tháng có một rằm, nhưng dòng sông Hà Thanh xuất hiện mang lại cho hai người phụ nữ hai cảm xúc khác nhau, một người thì say trong cơn mê với tình cũ, còn người thì đứng từ xa chứng kiến họ ở bên nhau, khi “bà thấy ông nhìn mình là lạ, ánh nhìn hơi bối rối và đầy thương cảm”, linh cảm của người phụ nữ mách bảo việc chồng bà đang giấu giếm bà điều gì đó, bà sực nghĩ ra “Đây là quê ông, giờ gia đình đang ở thị trấn nhưng cũng là quê ông! Chuyện cũ… dòng sông Hà Thanh… lẽ nào?”, dòng sông là nhân chứng cho tình yêu cao đẹp của “ông” và bà Tâm “ông thú nhận đã yêu người ấy và không thể quên mối tình đẹp cùng những kỉ niệm sâu sắc bên dòng sông Hà Thanh”.

Đọc tiếp: Ngôn từ nghệ thuật trong văn xuôi Bình Định sau 1975 phần 10

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22