Ngôn từ nghệ thuật trong văn xuôi Bình Định sau 1975 phần 8

Ngôn từ nghệ thuật trong văn xuôi Bình Định sau 1975 phần 8

Bởi Học văn cô Hà Huyền 07/11/2024

Hay đó là một giọng của người đàn ông trong Vọng biển của Nguyễn Mỹ Nữ “Mấy anh chờ lâu quá rồi nghen”, “ Một giọng Nam Bộ thân thiết và chân chất đến rưng lòng”. Những ngữ điệu “… nghen” còn xuất hiện rất nhiều trong Không kết nối của Nguyễn Mỹ Nữ tăng sức gợi trong người đọc về những câu nói, tạo cảm giác quen thuộc, dễ hình dung “Vậy thì tôi nói đây này. Bà vô mạng đi và coi liền cái clip về con gái bà nghen”, “Ba há?”, “Mẹ há”, “Hình phạt chỉ sơ sơ nhưng, Thoa này cũng hổng có mơ đâu à nghen”, “Đây, thêm một ngày nữa không kết nối coi sao nghen” hay những câu cửa miệng thể hiện thái độ cảm xúc đối với người nghe “Ối chào! Tiếc là ca chè đã ăn béng hết rồi, phải không?”, “… Mà không được kết nối cùng con chắc ba mẹ chết mất”. Hoạt ngôn đời thường cũng là phong cách viết của văn sĩ Trần Thị Huyền Trang, truyện ngắn Mưa rửa bùn, bà sử dụng mạng lưới dày đặc giăng kín khắp truyện những từ ngữ khẩu ngữ, ngữ điệu thông tục “….nghen?”, “…lựng à?”, “…. hở + đại từ nhân xưng”,… thể hiện qua lời nói của các nhân vật “Trời đất! Mưa gió vầy mà thổi tù và bán nhang cái nỗi gì. Để chị dắt vô chỗ đụt, nghen?”, “Tiền triệu lựng à?Tui trẩy nguồn xuôi chợ cả đời chưa biết tới tiền triệu.”, “Tội nghiệp!”, “- Thành công con mẹ gì! Bi thảm lắm anh Điền ạ.”, “- Nhóc, mày không nhận ra anh trai à?”, “- Phải tội xuống địa ngục mất. Sao đi tu mà phạm giớ, hở con?”, “- Nó bị người lớn bỏ rơi ở cửa Phật, sư cụ trụ trì chùa Khổ Trúc thương tình lượm về nuôi. Nào phải tu hành gì.”, “- Vậy là thầy quở đó!”, “- Con tao không còn mẹ, vẫn đỡ hơn thằng nhóc này, phải không mậy?”, “- Vẫn còn mưa to hở ông?”, “- Hai bó ngàn rưỡi được hông?”, “Ùi ui! Con trai tui! Con trai tui nè cô!”, “- Dạ, ảnh đẹp trai ghê heng bác?”, “- Đồ ngu. Mày mùa lòa biết gì! Tao cúng đủ năm trăm.”, “- Mày tật nguyền, chớ không thì… Đợi đấy! Thể nào tao cũng bảo sự cụ phạt mày quỳ rục cẳng, tụng kinh sám hối sùi bọt mép cho chừa thói nói láo!”, “Nhớ ghé qua cho mẹ tao biết chừng, dặn bà chăm thằng Bi kĩ giùm tao. Bảo anh em đúng chỗ này nghe chưa!”, “- Hổng được! Tui cho cháu tui mà!”, “- Chú tử tế vầy để tui lựa đứa con gái nào tốt tui mai dong cho.”, những câu nói của nhiều nhân vật chú tiểu, Điền, Sang, nhân vật bà già với những câu, từ thể hiện rõ tính cách của từng nhân vật. Phần lớn trong cuộc sống, lời nói phản ánh bản chất con người, nhà văn Trần Thị Huyền Trang đã tỉ mỉ xây dựng những cuộc đối thoại với những ngữ điệu khẩu ngữ tạo cảm giác quen thuộc, người đọc cũng hiểu được nhân vật qua lời thoại.

Có cả những sự mô phỏng âm thanh của cậu bé nói ngọng, lắp “Chú Cằn ơi! Xằng Cọt bị … tai nạn xe máy!”, “Xằng … xằng Cọt chạy … chạy xe âm … âm dô cột iện bị gãy … chân. Người ta đưa nó dô nhà … thương rồi.”, “Chú Cằn ơi, ể cháu chở chú I cho mau”. (Trần Quang Lộc, Tiền). Ở Gã lái chó của Lê Hoài Lương, thằng bé Hiển cũng hiện lên với “giọng ngọng líu lo: “Bẹ bẹ …”. Thanh âm linh thiêng nhất của đời người nó học được của chị Vinh”. Trong một truyện ngắn của Triều La Vỹ Quái Ngư, có những từ được phiên âm như trong mỗi trạng thái, con người sẽ có cách nói khi thì dõng dạc, khi thì yếu ớt, khi thì kéo dài chữ ra “Trong cơn mê sảng, Hai Thu chỉ nói được hai từ hảo, hả..o… rồi quái, quá…i gì đấy, nghe không rõ nghĩa. Trước khi mất, ông có nhắc tới từ răng… với hai hàm răng đã cắn chặt như đóng đinh vào lưỡi”. Những ngôn ngữ như vậy được dùng trong tác phẩm rất quen thuộc với cuộc sống đời thường, khiến trang văn trở nên chân thực và sinh động thông qua cách xưng hô, những lối nói mang đậm phong vị cuộc sống, nhân vật dường như chính là con người trong cuộc sống thực bước vào tác phẩm. Tiếng nói của những con người đời thường làm cho truyện gần gũi, thân quen với người đọc. Cũng có khi những từ ngữ được láy lại gấp đôi lên, cách nói thường nhật hay dùng trong sinh hoạt của con người cũng bước vào văn xuôi Bình Định những bước đi hiên ngang “tận đẩu tận đâu” trong Mỗi tháng có một rằm Sông thức của Lê Hoài Lương; “úp úp, mở mở”, “giấu giấu, che che”, “ẩn núp- ẩn núp” trong Một nơi về rất cũ, “ríu ra ríu rít” trong Vọng biển, “lâu lắc lâu lơ”, “chúi đầu chúi óc”, “đi lui, đi tới”, “lí do lí trấu” trong Không kết nối của Nguyễn Mỹ Nữ ; “mồ côi mồ cút” trong Mật đời của Vũ Đình Thung; “luống ca luống cuống” trong Lan trinh nữ của Trần Quang Lộc; “nôn thốc nôn đáo” trong Tên tử tù trong bệnh viện của Hà Thúc Chí; “xa lắc, xa lơ” trong Lời nguyền chiếc áo xanh của Nguyễn Hoàn; …

Những ngữ điệu đời thường trong sinh hoạt tự nhiên hiện ra cho chúng ta như đang chứng kiến những cuộc đối thoại trực tiếp ta được nghe “Ai… i có chó đổi mùng mền, bột ngọt, bình tách, bán - m..u..a.” (Lê Loài Lương, Gã lái chó), như một tiếng rao của người bán hàng vang lên, tiếng rao này được đặt ở đầu truyện ngắn Gã lái chó, tạo cho người đọc tâm thế thâm nhập vào truyện nhanh chóng, hiểu ngay về đối tượng và dự đoán được phần nào diễn biến của truyện.

Như vậy, mỗi dân tộc, mỗi vùng miền đều có văn phong riêng. Nhưng, giống nhau vẫn là giọng nói chất phác của tình người, ngôn ngữ quả là “tấm gương thực sự của nền văn hóa dân tộc” (E.M. Veresaghin- V.G.Coosstômarôp). Đọc tác phẩm của những nhà văn Bình Định, ta không chỉ bắt gặp những hình ảnh quen thuộc của làng quê mà còn là những từ ngữ âm vị quê hương đậm đà xứ Nẫu - ấn tượng trong độc giả, những từ ngữ trong sinh hoạt cứ trải dài trong văn xuôi mộc mạc, bình dân như chính tiếng nói của chúng ta trong thường nhật, đọc văn xuôi Bình Định ta như hiểu thêm hơn về con người, văn hóa và nghe được tiếng nói thân thương gọi là thổ âm xứ nẫu của con người Bình Định.

Đọc tiếp: Ngôn từ nghệ thuật trong văn xuôi Bình Định sau 1975 phần 9

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22