Thiên Nga Sô Zuôn là một nhà văn trẻ, người đồng bào, là Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định, góp phần làm phong phú thêm lực lượng sáng tác. Các truyện ngắn của Thiên Nga có nhiều lượt đối thoại giữa các nhân vật, trong cách thể hiện lời nói của nhân vật, tác giả đã sử dụng những ngữ điệu gần gũi trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, “Sao lại có con vợ tham lam đến thế!”, cách dẫn vào câu này ngay đầu truyện Nơi thần linh trú ngụ đã hé mở những cảnh tượng đau xót trong diễn biến truyện. Lời nói của “anh trai” giúp độc giả từng bước đi vào cảm nhận sâu hơn bản tính tham lam háu đất ở những lời nói,cử chỉ của vợ anh trai với chồng và con Út - cô em chồng “Cái rẫy chuối chết tiệt! Cái hố bom quỷ quái!”, “Này! Mày có định lấy đất cho tao không hả?”, “Vẫn quấn chăn để ăn vạ tao à?”, “Sốt siết gì mà ăn nhiều như quỷ. Tao mà sốt là đắng miệng ăn hổng có vô. Đó, mày thấy chưa! Giữ đất cho cố vào, rồi sau này già, đau ốm cứ gọi nó lo cho. Gọi vợ chồng tao làm gì. Mà tao không chăm là thằng anh mày đập vỡ bát đĩa. Đúng là cái thứ của nợ mà”, chị vợ còn quát người chồng bừng những lời khiếm nhã, thô kệch “Mày có im cho tao ngủ không! Khóc vợ mày chết hả”. Xoa dịu cái lạnh tanh những câu nói từ chị dâu, những câu nói tự nhiên thể hiện tình thương của người anh đối với đứa em gái ba bốn năm nay chưa biết cảm giác ăn ngon là gì đã làm xoa dịu hoàn cảnh đáng thương của người em “Mày ăn lẹ đi! Toàn thịt ngon đấy. Con vợ tao mà thấy, nó lại mắng cho bây giờ”, câu nói tự nhiên tuôn ra từ người anh trai chạm vào trái tim bạn đọc nhiều cảm xúc, là người một nhà, nhưng lại không yêu thương thấu hiểu nhau - chỉ một miếng ăn cũng đủ làm con người ta hoạnh họe nhau, đã lộ ra bao điều chua xót trong mối quan hệ giữa người vợ và em gái, yếu tố thần linh trong câu chuyện đưa người đọc vỡ lẽ ra hạnh phúc là khi con người ta yêu thương nhau thực sự, tình yêu thương chân thành sẽ gắn kết những mối quan hệ, yếu tố thần linh ban đầu đã đưa người chị dâu đi đúng hướng nhưng ý nghĩ ban đầu vẫn là vị kỉ vì cái lợi bản thân, sau này thì dần dần cô cảm nhận được hạnh phúc gia đình và ý thức được tình yêu thương thực sự sẽ giúp con người gắn kết tôn trọng nhau. Cách đưa đẩy diễn biến trong truyện ngắn của Thiên Nga luôn xuất hiện yếu tố hư ảo như trong những câu chuyện cổ tích, từ thần linh trong hố bom ở truyện Nơi thần linh trú ngụ đến Quỷ Núi trong truyền thuyết ở Rừng già ơi!. Ở diễn biến khác trong truyện Rừng già ơi!, câu thoại của anh Phú nói với Quỷ Núi, “- Này mấy ông! Bộ mấy ông không phải người hay sao mà cứ mắng loài người như thế này, loài người như thế khác”, tác giả sử dụng khẩu ngữ “bộ” đệm trước chủ ngữ “mấy ông” tạo nên ngữ điệu quen thuộc trong sinh hoạt để chỉ hàm ý coi thường, làm tăng giá trị diễn đạt nhấn mạnh trong câu hỏi khéo léo của anh Phú.
Ngữ điệu trong cách nói chuyện của người miền Trung khá đặc sản, khi giao tiếp thông thường người nói đi kèm ngữ điệu “…. nghe”, ta rất dễ bắt gặp trong rất nhiều sáng tác của các nhà văn Bình Định, Hoa đèn của Huỳnh Kim Bửu “Sáng mai, con Việt chở ba đi thăm anh Cậy, Bí thư xã nghe”, “Tiền đây nè, ghé hiệu Đồng Hòa mua cho ba chiếc đồng hồ hiệu Seiko Nhật Bản nghe!”. Hay, Một nơi về rất cũ, truyện ngắn của Nguyễn Mỹ Nữ qua lời của nhân vật “tôi”- Vi, khi nói chuyện với Loan- cô bạn ngày xưa học chung, Vi nói một cách thân thuộc “Dỡn. Tao làm ở “casino” lương cao mà tiền “tip” cũng khá lắm à nghe!”, hay lúc Vi nhớ lại ngày xưa được Hoan tỏ tình, cầu hôn “Vi! Tui với bà thương nhau nghen”, “Vi! Bà lấy tui nghen”. Tuổi thơ bên Thành Hoàng Đế, Mai Thìn có viết thoại của một người ông nói với nhân vật “tôi”: “Bây giờ mày bảnh quá, không ai nhận ra thằng nhỏ đen đúa loi ngoi trên đồng ngày xưa nữa. Đừng quên quê mình nghen con!…”, lời nói - cũng là lời căn dặn của người ông yêu quê hương như yêu chính bản thân, dù mình có ra sao thì tình yêu quê hương trước sau như một, vẫn sắt son như thuở nào, bởi lẽ như nhà thơ Đỗ Trung Quân “Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người”, “Quê hương là gì hở mẹ?/ Mà cô giáo dạy phải yêu/ Quê hương là gì hở mẹ?/ Ai đi xa cũng nhớ nhiều”(Quê hương).
Đọc tiếp: Ngôn từ nghệ thuật trong văn xuôi Bình Định sau 1975 phần 8