Tiêu biểu nhất viết theo cách này có thể thấy trong Bảng thống kê là nhà văn Trần Quang Lộc và Nguyễn Mỹ Nữ, Lê Hoài Lương. Ba cây bút với hồn văn tự do trong cách thể hiện dùng những từ ngữ địa phương, không chỉ để diễn đạt ý nghĩa bề mặt con chữ mà còn tạo sự gần gũi với văn học tỉnh nhà. Người đọc văn như đang bắt gặp những cuộc đối thoại - không hoàn toàn sử dụng từ ngữ phổ thông mà có dùng một lượng từ phương ngữ, khẩu ngữ trong giao tiếp sinh hoạt vào nhiều tác phẩm như một phong cách của văn học Bình Định. Thổ âm đặc trưng nhất xứ “người ta” mà văn sĩ Trần Duy Đức gửi hương trong Hồn quê xứ nẫu đã giúp cho những bạn bè vùng miền khác có thể hiểu rõ xứ nẫu Bình Định, trong tản văn ông giải thích rất sát, rõ và dễ hiểu một số từ phương ngữ. Nhìn chung, các nhà văn đều có sử dụng từ ngữ khẩu ngữ trong tác phẩm, nhưng có người thì sử dụng nhiều, người thì sử dụng với lượng khiêm tốn hơn.
Lớp ngôn ngữ đời thường chiếm một lượng lớn trong các sáng tác, các nhân vật trong tác phẩm là những con người thực và thường là những người nông dân, bởi vậy, cách nói năng của họ rất tự nhiên, thoải mái, suồng sã. Sự linh hoạt trong ngôn ngữ khiến nhân vật hiện lên sống động, tự nhiên. Bên cạnh cách xưng hô thân mật: mày, tao, bay, thằng, cái,…cùng những lối nói trần trụi, những câu chửi tục, chửi thề xuất hiện hai lần lặp đi lặp lại. Khi bước vào truyện ngắn Đường đời chông chênh của Phạm Kim Sơn ta gặp ngay “Mẹ kiếp!” rồi cũng trong trang văn đầu tiên, Phạm Kim Sơn tiếp tục lặp lại “Mẹ kiếp!” lần thứ hai (- từ “Mẹ kiếp” là chữ dùng của Vũ Trọng Phụng). “Mẹ kiếp” được tái xuất hiện rất nhiều lần trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng, ở nhân vật Xuân Tóc Đỏ với phát ngôn có tính điển hình của nhân vật Xuân Tóc Đỏ “Mẹ kiếp” ở chương một, hai, ba, mười bảy trong tác phẩm Số đỏ, những tiếng chửi phù hợp với cách xây dựng tính cách, con người của Xuân Tóc Đỏ vốn được tôi luyện từ trường đời với những sự ma mãnh, khôn lỏi. Ở Đường đời chông chênh, Phạm Kim Sơn cũng xây dựng nhân vật với cách nói văng tục “Mẹ kiếp!” và đi kèm đó là cái lí do chửi “Hẳn mụ đang hơn dỗi vì mất cơn hứng tình”, qua cách mở đầu của nhà văn, ta thấy được cách xây dựng nhân vật và sử dụng từ trong lời thoại giao tiếp với nhân vật khác. Nếu quy chiếu cách nói trong nhân vật của Phạm Kinh Sơn với nhân vật trong văn của Vũ Trọng Phụng, ta có thể tìm được nhiều cái tương cận trùng hợp, trong truyện ngắn Đường đời chông chênh chỉ trong một trang giấy đã tuần tự xuất hiện hai tiếng chửi, tiếng đầu tiên từ người vợ, tiếng sau của người chồng, hai người tự chửi nhau, nhà văn đưa ra tiếng chửi có hồi đáp, chúng ta có thể dự đoán được đôi chút về tính cách hai vợ chồng mà nhà văn gọi là “mụ” và “gã”, trong cách gọi, nhà văn cũng thể hiện cách nhìn của chính nhà văn với nhân vật - cách gọi giúp người đọc có thể hiểu được thêm về con người nhân vật. Ở truyện ngắn Rừng già ơi! Của Thiên Nga Sô Zuôn cũng có từ thông tục “Mẹ kiếp!”, “Mẹ kiếp! Cái thứ men Trung Quốc nhập vào sao mà nhức đầu thế không biết”, từ “Mẹ kiếp” có sức nặng cao trong cách diễn đạt, thể hiện thái độ của nhân vật Phú trước sự việc vợ anh Phú ca đi, ca lại mấy câu “vọng cổ”, “Thời buổi gì mà kì, người ta tranh nhau phá rừng trồng keo. Cứ như chỉ ở cái vùng cao khó khăn này có cách đó mới làm giàu nhanh nhất”. Trong truyện ngắn Mưa rửa bùn của Trần Thị Huyền Trang, từ “Mẹ kiếp” cũng xuất hiện, trong lời nói của nhân vật Điền “Sếp Khả bảo ra mạn Bắc, ở đó học trò qua sông bị trôi mất đứa. Mẹ kiếp, quê nghèo chưa đủ sức làm cầu”.
Đọc tiếp: Ngôn từ nghệ thuật trong văn xuôi Bình Định sau 1975 phần 6