Có khi những vần thơ đó được ngân lên từ trong chiến đấu, những vần thơ xanh tựa như những vẫn thơ Anđécxen gieo vào tâm hồn nhà văn Pauxtôpxki niềm cảm xúc mãnh liệt “Acđécxen đã lượm lặt hạt thơ trên luống đất của người dân cày, ấp ủ chúng nơi trái tim ông rồi gieo vào những túp lều, từ đó lớn lên và nảy nở những bó hoa thơ tuyệt đẹp, chúng an ủi trái tim những người cùng khổ”. Những cảm xúc mãnh liệt đó cũng tựa như độc giả khi đọc những “hạt thơ” của nhà thơ Lệ Thu viết cho cậu con trai hơn bốn tuổi của mình mà theo nhà văn Đặng Phú Sỹ viết trong Chúng tôi góp phần giải phóng quê hương “những vần thơ rất chân thật nhưng đầy ắp tình yêu thương da diết của trái tim người mẹ trẻ: “... Đêm cuối cùng được ở bên con/ Mẹ thao thức lắng nghe từng nhịp thở/ Nhịp thở bình yên môi con hé nở/ Con thấy gì mà cười trong giấc mơ! Mai mẹ lên đường nhiều gian lao vất vả/ Suốt chặng đường dài mẹ sẽ nhớ về con.../ ... Mai khôn lớn, con nghĩ gì về mẹ?/ Bởi không muốn lớn lên con phải làm nô lệ/ nên bây giờ mẹ ra đi...” (Lệ Thu viết cho con 8-1973)”. Những lời thơ của không chỉ là người nghệ sĩ mà còn là người ra trận, khi giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, chị ý thức được vai trò việc làm hành động của một người công dân phải làm ngay lúc này là cùng tiếp sức chiến đấu với vai trò là những phóng viên nhà báo “có mặt đông đủ, nghiêm chỉnh trang phục quần áo, mũ tai bèo màu xanh như các chiến sĩ giải phóng quân sẵn sàng ra trận. Chúng tôi đeo ba lô, máy ảnh, máy ghi âm, ruột ghé gạo, lương khô... tập hợp nghiêm chỉnh trước cổng Đài Tiếng nói Việt Nam (58 Quán Sứ - Hà Nội). Chúng tôi hứa hẹn và tạm biệt các đồng chí lãnh đạo và các bạn đồng nghiệp cùng các thính giả “Măng non trên đất Thành đồng”, vào chiến trường góp phần vào sự nghiệp chống Mĩ, diệt Ngụy giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.”. Rồi những ngày ở Trường Sơn, Đặng Phú Sỹ cũng hết sức uyển chuyển đưa câu thơ của nhà thơ Tố Hữu “Trường Sơn sớm nắng chiều mưa/ Ai chưa đến đó như chưa hiểu mình...” như lời bộc bạch tâm sự về thời gian gắn bó ở Trường Sơn.
Còn gì đẹp hơn khi trong lao động thơ được hình thành, Đỗ Tấn - nhà văn có niềm đam mê văn nhưng cũng mến thơ, cả hai tác phẩm được in trong Nhìn lại mười năm văn xuôi Bình Định, thơ tràn trong văn. Truyện ngắn Đường tim, thơ xuất hiện không nhiều như trong Hoa dại. Ở Đường tim “... Mai anh về với biển cùng ai/ Một sớm tinh mơ cô đơn biển nhỏ”, “Ta kiêu hãnh mang tên người thủy thủ/ Giữa mênh mông biển cả quê hương/ Ta đứng đây trên con tàu rẽ sóng/ Thế hệ Hồ Chí Minh - Thế hệ anh hùng”. Ở Hoa dại, gấp 3 lần Đường tim, tác giả sử dụng cả thơ và những ca khúc tất cả 6 lần trong truyện. Điều đặc biệt trong bài sử dụng nhiều khúc hát từ những sự rung động của trái tim giữa con người với thiên nhiên và giữa con người với con người đậm nét đẹp của con người Bana “Non biết bao trập trùng/ Lòng này hằng nhớ nhung”, “Trong tim ta vẫn từng/ Ngát hương thơm núi rừng/ Chờ ta đến lát giây/ Cách xa nhưng lòng xin chớ có xa...”, “Nếu lời nói em là thơ/ Nếu âm thanh em là nhạc/ Thì ngoài kia em ơi, trăng ôm ấp núi rừng/ Cây ơi! Chim ơi! Người Bana ta ơi!”, “Anh đeo vào tay em chiếc vòng đồng/ Anh đeo vào tay em chiếc vòng bạc/ Bạc và đồng lấp lánh/ Lấp lánh sao bằng mắt em bắt chồng/ Em bắt chồng/ Mà mắt em thăm thẳm/ Em bắt chồng/ Mà mắt em như dòng sông...”, “Đây cồng chiêng bộ tộc xưa để lại/ Đây gươm dao dòng họ lưu truyền/ Ôi! Voóc Hồ, ôi Vá! Ôi Mí!/ Ôi! Blan-chu, tháng Mười/ Pông kê char bông K’lai dố ngài...”, chỉ duy nhất một lần thơ xuất hiện - tiếng thơ từ buổi mới ra đời“Rừng bao nhiêu hoa lá/ Lá hoa bao cây rừng/ Yêu hoa và yêu lá/ Yêu tiếng đàn tơ- rưng...”.
Thơ được xen vào văn xuôi, dẫn mạch chuyện hoặc làm thi vị thêm sắc màu văn xuôi, có khi là lời dẫn lượt lời nhân vật trong truyện. Văn học Việt Nam từ sau 1975, nhiều nhà văn cũng với hình thức chêm xen thơ vào truyện, trong đó nổi bật có thể kể đến: nhà văn Nguyễn Huy Thiệp,…
Thế giới văn hóa dân gian, thơ ca cổ thi, trung đại đã truyền tín hiệu rủ nhau xuất hiện trong “chiếc bình rượu nồng vị văn” với các thể loại khác nhau của các nhà văn, đồng thời cũng là lời nhắc nhớ, đưa một thế hệ con người cùng ngoảnh nhìn quá khứ, lắng lòng mà nghe những âm hưởng dân ca bài hòi, hát bội, những bài thơ, vè, ca dao vọng suốt ngàn năm quê hương, dân tộc, cùng nhau tìm về vẻ đẹp cổ xưa, truyền thống, mà tự thấy yêu thêm những giá trị văn hóa quê hương, đất nước mình.
Dễ lí giải, khi những câu ca dao được đưa vào văn xuôi hầu như là thể lục bát, bởi thể lục bát là thể thơ của dân tộc, quen thuộc với đời sống con người qua bao hằng hà thế hệ, trong cuốn Tín hiệu ngôn ngữ thẩm mĩ trong ca dao Nam Trung Bộ, người biên soạn sách đã khảo sát trong 4537 bài ca dao Nam Trung Bộ thì “Thể lục bát trong ca dao Nam Trung Bộ chiếm tỉ lệ cao nhất: 40.22%. Đây là điều hiển nhiên, bởi nhắc đến ca dao là chúng ta nghĩ đến thể thơ này” [1,49]. Ca dao xuất hiện trong quá trình lao động, con người thường quen nhịp điệu hài hòa dùng thể thơ sáu, tám để đối đáp với nhau. Và từ đó, có những câu ca dao lục bát trở thành đặc sản của quê nhà mà các nhà văn đã vận dụng để mặn mòi hơn nét riêng của quê hương với những địa danh, sự vật được nhắc đến trong ca dao.
Kết luận
Đọc văn xuôi Bình Định, ta không chỉ bắt gặp những hình ảnh quen thuộc của làng quê, những làng nghề truyền thống mà còn có những cảm nhận ngọt lành âm điệu thổ ngơi xứ Nẫu, và hiểu hơn về con người, văn hóa Bình Định - vùng đất Nam Trung Bộ, “càng lớn lên, càng quan hệ rộng hơn, biết được ở mỗi vùng miền có thổ âm, phương ngữ riêng và họ vẫn giữ như vậy, nên tôi lại càng thấy mình tự hào về tiếng nói xứ nẫu và thích người ta gọi mình là dân xứ nẫu” (Trần Duy Đức, Hồn quê xứ nẫu). Cùng với việc sử dụng ngôn ngữ mang âm hưởng thổ ngơi quê nhà, các văn sĩ Bình Định đã vận dụng hiệu quả chêm xen câu thơ cổ trung đại, Trung Hoa; ca dao, tục ngữ của văn học dân gian, trong đó có nhiều câu ca dao quê hương Bình Định, làm nên chất trữ tình trong văn xuôi. Đó là nét đặc trưng trong cách viết của nhiều nhà văn Bình Định, với những giọng điệu thiên về tâm lí tình cảm, hoài niệm suy tư, triết lí, trữ tình,… những thanh sắc ấy đều xuất phát từ hiện thực đời sống xã hội với góc nhìn trăn trở cá nhân của người nghệ sĩ.
Đọc tiếp: Ngôn từ nghệ thuật trong văn xuôi Bình Định sau 1975 phần 1