Tóm tắt: Văn xuôi Bình Định từ sau 1975 là giọng xứ “Nẫu” hòa vào tiến trình phát triển văn xuôi, góp phần đưa đất võ trời văn bắt đúng nhịp dạo đầu và phô được giọng riêng của chính mình trong nền văn học Việt Nam. Kì thực, cánh đồng biển núi Bình Định đã “bội thu” thành tựu để lại nhiều ấn tượng trong độc giả, đưa tên tuổi của quê hương và được đánh giá cao trong tiềm năng phát triển với các tỉnh bạn. Sự đổi mới ý thức nghệ thuật nằm ở chiều sâu của đời sống văn học, nó vừa là kết quả của động lực cho những tìm tòi đổi mới trong sáng tác, đồng thời lại tác động mạnh mẽ đến sự tiếp nhận của công chúng văn học. Tư duy văn học mới đã dần hoàn thiện đầy đủ dung mạo, làm thay đổi các quan niệm về chức năng của văn học, về mối quan hệ giữa nhà văn và bạn đọc, văn học và đời sống. Đồng thời sự đổi mới tư duy nghệ thuật cũng thúc đẩy mạnh mẽ sự tìm kiếm, thể nghiệm về cách tiếp cận thực tại, về các bút pháp và thủ pháp nghệ thuật, phát huy cá tính và phong cách cá nhân của nhà văn. Văn xuôi Bình Định sau 1975 tạo được dấu ấn riêng qua cách mà nhiều nhà văn sử dụng từ ngữ đậm thổ ngơi vùng miền, vận dụng thành ngữ, tục ngữ, ca dao, thơ hài hòa trong việc sử dụng thủ pháp trữ tình tâm lí giàu sức gợi, cảm giác nhẹ nhàng,… tình huống, tâm trạng được tạo dựng một cách “tự nhiên” như “hơi thở của cuộc sống”. Các nhà văn đã thành công trong việc tô đẹp vẻ đẹp con người, quê hương và đưa các địa danh quê nhà vào tác phẩm qua những câu chuyện, các nhân vật,...
Từ khóa: Ngôn từ nghệ thuật, văn xuôi Bình Định, văn xuôi sau 1975.
Mở đầu
Nhà văn Xô Viết Lê-ô-nôp từng khẳng định: “Tác phẩm nghệ thuật đích thực, nhất là tác phẩm ngôn từ, bao giờ cũng là một phát minh về hìn h thức và một khám phá về nội dung”. Còn Lê Quý Đôn cho rằng: “Văn học không phải là trò chơi, là câu chuyện phiếm. Muốn văn hay phải hiểu biết và từng trải nhiều. Văn chương chữ nghĩa không phải là lời nói suông. Tron g bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có núi sông kì lạ của thiên hạ thì không thể làm văn được”. Là một hình thái ý thức xã hội, văn học nghệ thuật bám chặt vào sự sống để lớn lên, rồi nó lại trở về nơi sinh ra nó để góp phần khám phá, hiểu biết và sáng tạo đời sống. Có bắt rễ vào hiện thực đời sống, văn học mới có thể bền vững và tồn tại được. Và, hiện thực trong văn học phải là “muối” của biển, nó phải được gạn lọc từ hiện thực xô bồ của đời sống với biết bao hiện tượng đan xen nhau giữa bao cái có nghĩa và vô nghĩa, bản chất và hiện tượng…Văn chương Bình Định của những năm sau 1975 là văn chương của sự “trải nghiệm” và “chiêm nghiệm”, chuyển tải thông điệp cuộc sống một cách sâu sắc có chiều sâu và có độ “mở”, đó là thứ văn quan sát, nghiền ngẫm. Bởi lẽ, giai đoạn này các nhà văn đã có những cách nhìn mới trong cách sáng tác của họ. Trên những ranh giới cổ điển - hiện đại, dân tộc - thế giới, lí trí - cảm xúc, tự sự - trữ tình, hiện thực - mộng ảo… các nhà văn đã thể hiện một bản lĩnh vững vàng, chưng cất những gì tinh hoa nhất của thời đại, những sự đổi khác, trong những mô hình nhỏ gọn truyện ngắn, tùy bút, tản văn, bút kí... Với một nội lực lớn lao về tư duy nghệ thuật,“Nghệ thuật như là thủ pháp” (Shklovski), thủ pháp - nghệ thuật đóng một vai trò vô cùng to lớn trong việc tạo lập nên văn bản. Khi nói tới chiếc bình văn chương của trời văn Bình Định ta có thể tự hào rằng nó chứa đựng hơn một nửa là truyện ngắn với những “tinh hoa chữ nghĩa” - thứ đặc sản mộc mạc, đồng thời trong quá trình sáng tác, các văn sĩ còn vận dụng khéo léo ca dao, tục ngữ, những dòng thơ cổ, các câu thơ chính mình sáng tác vào tác phẩm văn xuôi.
Đọc tiếp: Ngôn từ nghệ thuật trong văn xuôi Bình Định sau 1975 phần 2