Văn sĩ Trần Duy Đức, người mà trong mỗi tản văn (ông chuyên viết thể loại tản văn) đều có sự xuất hiện của thơ, ca dao, tuy nhiên ông sử dụng không nhiều trong mỗi tác phẩm. Trong tản văn Thương lắm đôi vai, ông sử dụng duy một câu ca dao để nói về “người phụ nữ gieo neo gian khổ để nuôi chồng con”: “Con cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non”, và cũng chỉ xuất hiện mỗi một câu tục ngữ trong cả tản văn -“kiến tha lâu đầy tổ”. Tản văn Dịu dàng nón lá, 2 lần ông dùng ca dao của chính nơi “trong võ có văn, trong văn có võ”: “Em về Đập Đá quê cha/ Gò Găng quê mẹ, Phú Đa quê chàng”; “Gò Găng có nón chung tình/ Ở đây có thiếp một dạ với mình mình ơi!” và thành ngữ “một nắng hai sương”. Ở Hồn quê xứ nẫu, số lần đưa thơ, ca dao vào 8 lần tất cả, số lượng đã được tăng lên gấp tám, gấp bốn lần so với hai tản văn Thương lắm đôi vai và Dịu dàng nón lá, suốt tản văn tác giả đã chứng minh mình là người con gốc “thượng võ trọng văn”, “Huyền Tích Kinh” (chữ dùng của ông) thực sự, qua mạch kể và am hiểu rất kĩ thơ ca, địa lí, và giải thích tận tường chữ “nẫu”, các phương ngữ của xứ nẫu… Trần Duy Đức đã thăng hoa trong việc chêm xen nhiều câu thơ, ca dao hơn, ngay đầu tản văn, ông đưa vào hai câu thơ trong bài thơ thất ngôn bát cú Nẫu và tui của Hà Giao: “Nẫu hờn nẫu giận tui xin nẫu/ Tui dỗi tui hờn nẫu bỏ tui…”. Ông là người rất yêu văn chương của quê hương, ông trích trong Nước non Bình Định của Quách Tấn đưa vào tản văn để khơi gợi người đọc hiểu về quê hương, đồng thời cũng thể hiện niềm tự hào về văn chương quê hương: “…Bình Định không đồng khô cỏ cháy/ Năm dòng sông chảy/ Sáu dãy non cao/ Biển đông sóng vỗ dạt dào/ Tháp xưa làm bút ghi tiếng anh hào vào mây xanh…”; ngoài ra ông còn đưa ca dao Bình Định từ thuở còn thương cảng Nước Mặn “Ai dìa nhắn với nậu (nẫu) nguồn/ Măng le gửi xuống, cá chuồn gửi lên”, “Ai về Bình Định mà coi/ Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền”và một số ca dao khác “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa”, “Cuối con phố đã là quê/ Người qua đó sẽ bộn bề màu xanh”. Nhà văn còn đưa vào những cảm nhận của nhạc sĩ Văn cao xuất thành thơ “Từ trời xanh - rơi vài giọt Tháp Chàm”, hay Yến Lan đã thốt lên thơ trong Bến My Lăng “Rượu làng Vân mỏng. Rượu Bàu Đá dày”. Ca dao thuần túy Bình Định được chuyển trong văn qua giọng tình, giọng cảm của nhà văn thành những hạt ngọc tinh túy phản chiếu quê hương đầy xán lạn, nhớ lại một thời hoài cổ làng quê, trong tản văn Nhớ bến sông xưa với 5 lần ca dao lần lượt rủ nhau kéo vào trong dòng ý thức của tác giả, ngay khi mở đầu ca dao đã xuất hiện “Anh về Đập Đá đưa đò/ Trước đưa quan khách sau dò ý em”, văn sĩ của tản văn cũng tìm hiểu và đưa ra tài liệu ghi chép có phần dị bản về danh xưng “Em về Đập Đá đưa đò/ Trước đưa quan khách sau dò ý anh”. Trần Duy Đức hình như rất quan tâm và yêu thơ của bộ Tứ linh, một lần nữa, ông nhắc đến một trong bốn nhà thơ Bàn Thành Tứ Hữu là Yến Lan, đưa thơ Yến Lan - Bến My Lăng “Bến My Lăng nằm không thuyền đợi khách/ Rượu hết rồi ông lái chẳng buông câu…”, “Rủ nhau đi hội Đổ Giàn/ Vui thì vui lắm, đò ngang chật đò”, “Măng le gửi xuống, cá chuồn chở lên”. Và, một lần dùng tục ngữ “đất lành chim đậu”. Vận thành ngữ, tục ngữ, ca dao đầy tinh tế, uyển chuyển đã làm nên giá trị thẩm mĩ của tản văn, giàu sức gợi, giàu màu sắc cho những dòng văn thắm tình quê hương.
Mai Thìn, một văn sĩ, một thi sĩ, người cũng đưa thơ, ca dao vào văn xuôi với một “lượng” “đáng kể”, ông là người thuần Bình Định, sinh ra và lớn lên ở mảnh đất có truyền thống hát bội, trong Quê tôi mùa hát bội, văn sĩ đưa ca dao ngay từ dạo đầu tùy bút: “Hát bội làm tội người ta, Đàn ông bỏ vợ đàn bà bỏ con”, “Bầu Đông đóng Lý Phụng Đình, Dẫu chồng có đánh thì mình cũng đi” và vào “ngõ trong” tùy bút, ca dao vẫn được đệm vào hòa với chất văn “Nghe tiếng trống chầu đâm đầu mà chạy/ Nghe tiếng trống chiến chết điếng trong ruột”; trong tản văn Mẹ tôi ăn trầu. Mai Thìn cũng có 6 lần lồng ca dao trong một tản văn, ngỡ rằng đưa vào quá nhiều có xảy ra hiện tượng “lạm dụng ca dao vào chất văn”, làm loãng chất văn, nhưng chính sự xuất hiện nhiều các câu ca dao đã làm cho tản văn “thắm vị duyên dáng quê hương truyền thống”. Với hình ảnh trầu, cau - văn hóa của người Việt: “Trầu xanh, cau trắng cay nồng/ Vôi pha với nghĩa, thuốc nồng với duyên”, “Anh về em đưa miếng trầu/ Miếng thương miếng nhớ miếng sầu anh ơi/ Quệt vôi em quệt cả lời trăm năm…”, “Tội tình thiếp lắm chàng ơi/ Trầu ăn không đỏ vì vôi quệt già”, “Ước gì anh hóa ra cơi/ Để cho cơi đựng cau tươi trầu vàng/ Ước gì anh cưới được nàng/ mai sau anh trả lại nàng đôi mâm”, “Yêu nhau trao một miếng trầu/ Giấu thầy giấu mẹ trao sau bóng đèn”, “Đêm trăng thiếp mới hỏi chàng/ Cau tươi ăn với trầu vàng xứng không?/ Trầu vàng nhá với cau xanh/ Duyên em sánh với tình anh tuyệt vời”, những câu ca dao trữ tình như lời thủ thỉ tâm sự, lời ngỏ trong mối quan hệ nam nữ, lối giao duyên bình dị mà duyên dáng, làm “bừng sáng” cả tản văn, trầu cau cứ quanh quanh khắp tản văn làm chúng ta thấm thía về một thời mà trầu cau gắn liền với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày rõ nét cho tới ngày nay dù mờ nhạt nhưng trầu cau vẫn là vật giao duyên trong nghi thức lấy vợ gả chồng. Cũng có khi Mai Thìn chỉ cho ca dao xuất hiện một lần riêng hẳn hoi trong tản văn nhưng đã làm thơm cả những lời văn trong tản văn Quả thị quê nhà: “Ngó vô vườn thị thơm quanh/ Thị thơm mược thị bụng em thành thời thôi”, câu ca dao đậm khẩu ngữ “mược”- từ hay dùng trong sinh hoạt thường ngày, toát lên vẻ mộc mạc cho tản văn, độc giả dễ cảm được sự gần gũi hay một lần lẫn trong câu từ chất văn nhưng có sức lay động giác quan: “Xoài giòn, mít dẻo, thị dai”.
Đọc tiếp: Ngôn từ nghệ thuật trong văn xuôi Bình Định sau 1975 phần 20