Không chỉ mỗi thơ “đậu bến” trong tác phẩm của Huỳnh Kim Bửu mà tần suất xuất hiện thành ngữ, tục ngữ trong văn của ông cũng không kém cạnh thơ. Các thành ngữ, tục ngữ dân gian là một loại sản phẩm văn chương đặc biệt, vừa công phu tỉ mỉ, vừa hàm súc, thành ngữ tục ngữ dân gian Việt Nam phản ánh được tư duy của con người Việt đúc kết kinh nghiệm trong quá trình lao động sản xuất. Trong một mô hình “nhỏ nhắn” ấy thể hiện đủ cả cái đẹp nhịp nhàng của hình thức và chiều sâu uyên thâm triết lí phương Đông. Tác giả Huỳnh Kim Bửu - người chuyên viết về những nét đẹp văn hóa một thời của quê hương ông, ngay trong ý thức hệ tư tưởng ông thường thể hiện nó không chỉ qua chủ đề mà còn ở ngay cách sử dụng từ ngữ, vận dụng thành ngữ, ca dao trong các tác phẩm của chính mình, ông sử dụng nhuần nhuyễn đạt đến độ tinh luyện về con chữ, về nghĩa tương ứng hoàn cảnh trong mỗi tình huống, lời nói của nhân vật trong truyện ngắn Hoa đèn. Mợ Thừa trong thời gian ngóng trông người chồng thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc, nhiều người ở làng đua nhau tán tỉnh “Mợ Thừa là con gái thầy đồ Vinh ở Phủ Cũ, có nhan sắc mặn mà”, nhưng Mợ Thừa là người phụ nữ kiên trinh “ Mợ xa tránh họ, có người bị mợ mắng là “Ong non ngứa nọc””, “Rồi tình cảnh của mợ, người vợ chờ chồng giữa “miệng hùm nọc rắn””, “Đến khi cực quá, Ngoại chịu về ở với má tôi. Nhưng người con gái thứ hai này lại nghèo quá, nên Ngoại cũng chẳng yên lòng. “Bụng đói đầu gối phải bò””. Lúc Mợ Thừa làm thuê cho nhà hiệu buôn, ông chủ tìm hiểu biết nhà Mợ sa cơ, bèn ngỏ lời ong bướm, nhưng nghe được câu trả lời của Mợ, người chủ buôn khâm phục nhưng sợ liên lụy nên buông tha, Bà Ngoại luôn yêu quý nàng dâu Út, “ luôn lựa dịp nhắc nhở câu: “Gái khôn trai dỗ lâu ngày cũng xiêu””, “ Ông Thế “giữa đường gãy gánh” vợ chết để lại đứa con gái duy nhất”, “Mấy lần ông Thế có thư cho mợ, nói ông mở tiệm vẽ truyền thần, làm ăn phát đạt mà vẫn sống cảnh “gà trống nuôi con””. Cuộc sống của Mợ Thừa mỗi ngày “bao nhiêu công việc lo cho chồng”, “bác Phổ láng giềng và mấy ông”Cựu dân quân” đồng đội ngày xưa vẫn đến chơi nhà cho có bạn với cậu Thừa. Mấy ông uống trà, nói chuyện “Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh””. Thành ngữ còn cất lên từ trong giọng nói yếu ớt của Mợ Thừa, như gần ôn cả cuộc đời làm vợ, Mợ tâm sự hết với những đứa con là Việt và Pháp “Ba má lấy nhau từ hồi còn rất trẻ, sống cho tới nay ai cũng ngoài tám mươi, được câu“Bách niên giai lão”. Nhưng thời gian sống chung thì rất ít, có ba lần xa cách thật dài, cộng lại chẳng biết đến sáu mươi năm chưa?”. Còn với ca dao, ông sử dụng những câu ca dao thể lục bát quen thuộc hằng ngày trong đời sống “Làm sao lấy thúng úp voi, Úp được đằng trước nó thòi đằng sau”, “Ớt nào là ớt chẳng cay”, “Trồng trầu thả lộn dây tiêu/ Con theo hát bội, mẹ liều con hư/ Ngó lên hòn núi Mù U/ Con theo hát bội Xuân- Thu mẹ buồn”,“Mẹ ơi đừng đánh con đau, Để con theo hát làm đào mẹ coi”,”Ai về Bình Định mà coi, Con gái Bình Định múa roi đi quyền”. Ông chịu ảnh hưởng của văn hóa dân gian rất rõ qua các đề tài trong các tác phẩm viết về các nghề truyền thống từ dệt đến hát đình, hát bội,… ông thực sự là người con của mảnh đất khi ông am hiểu khá kĩ về các nghi lễ, văn hóa nghệ thuật của Bình Định. Như vậy, chỉ vẹn hai tác phẩm là truyện ngắn và bút kí mà đã có sự xuất hiện của rất nhiều tích cổ văn hóa Việt và Trung Hoa, chứng tỏ ông là người am tường rất rõ về văn hóa và phải có một niềm say mê với quê hương thì ông mới có thể viết những dòng văn đầy cổ điển mà cũng đầy hiện đại. Trong cách sử dụng từ ngữ trong sáng tác, Huỳnh Kim Bửu dùng một lượng từ Hán Việt: “chinh phu”, “chinh phụ”, “phong vị” nhưng cũng đồng thời có những cái nhìn của thời đại mới. Trong cách diễn đạt ngôn ngữ của ông, chịu ảnh hưởng của một số nhà văn, nhà thơ thời kì trước như trong Hoa đèn có câu “Má thà không chồng, bay thà không cha còn hơn”, cái điệu này làm chúng ta nghĩ tới bài Tống biệt hành của Thâm Tâm: “Mẹ thà coi như chiếc lá bay, /Chị thà coi như là hạt bụi./ Em thà coi như hơi rượu say”, dường như “hơi thơ” của Thâm Tâm đã thâm nhập vào truyện ngắn của văn sĩ Huỳnh Kim Bửu tự bấy giờ! Mạch truyện trong cách nhìn của ông theo hướng cổ thi, ông dùng thơ cổ để “dự báo nỗi niềm” của người thiếu phụ với mô tuýp “đăng cao” trong Đường thi các thi nhân hay vận dụng. Đọc cả truyện Hoa đèn, ta mới thấy rõ cái nội hàm của nó cũng chính là nội hàm của Khuê oán. Nhưng, Hoa đèn lại có những cái đổi khác về diễn biến tâm trạng của người phụ nữ từ giữ trọn tiết hạnh để chờ chồng đến không chấp nhận được người chồng mình có người bên ngoài rồi khi ngã bệnh sắp phải đi thì người vợ này ý thức được sự sâu xa trong sự việc đã xảy ra và “tha thứ”, cảm thông cho người chồng của bà.
Đọc tiếp: Ngôn từ nghệ thuật trong văn xuôi Bình Định sau 1975 phần 18