Ngôn từ nghệ thuật trong văn xuôi Bình Định sau 1975 phần 16

Ngôn từ nghệ thuật trong văn xuôi Bình Định sau 1975 phần 16

Bởi Học văn cô Hà Huyền 07/11/2024

Vận dụng khéo léo thơ, ca dao, thành ngữ, tục ngữ

Vùng trời văn Bình Định, nhiều tác giả là người con của xứ sở “hoa biển”, họ đã gắn bó cả một quãng mấy mươi năm - “cao niên” - “trưởng làng”, họ có những thứ văn hóa rất riêng của vùng miền, tiếng nói rất đậm chỉ có ở con người miền Trung Nam Bộ. Với chất nghệ sĩ thấm tháp hồn họ từ mấy chục thiên niên kỉ nay, cũng dễ hiểu khi kỉ niệm không là sông, là sóng mà cứ trào trực tràn trề trong các sáng tác, cùng với một truyền thống văn chương dày dạn của quê nhà. Như Quách Tấn, một trong Tứ linh - bộ tứ Bàn Thành Tứ Hữu, trong tác phẩm Nước non Bình Định, ông đã viết trong lời thưa một cách khẳng định tình yêu quê hương, con người với tất cả sự am hiểu về nơi chôn nhau cắt rốn. Ông ghi chép lại cuốn sử sách về Bình Định, là cuốn sử, cuốn địa nhưng không hề khô khan thô ráp, mà lồng ghép những câu thơ, câu ca dao rất đỗi trữ tình về các địa danh khắp non nước Bình Định đúng như cái tên của nó Non nước Bình Định: “Mây chiều quấn quýt hòn Dinh/ Nhớ Tăng Tổng trấn hết tình cứu dân/ Non sông chưa sạch, bợn trần/ Nắng mưa bao quản tấm thân quê người/ Tre tàn còn có măng tươi/ Gương xưa còn tỏ còn người soi gương.”, “Non xanh suối biếc đẹp ghê/ Muốn cần nước củi, ta về Lộ Giao” hay “Nắng chiều ngã ngọn Đèo Nhong/ Nghĩa thêm chua chát nỗi lòng Diêm Tiêu/ Lạnh lùng xương trắng Phù - Nhiêu/ Bóng xa mây khói tiêu điều Ô Phi/ Đời mong sẵn ước dương chi/ Tây oan khắp nẻo A - Tỳ thế gian…/ Rừng sâu chim chóc gọi đàn/ Tình chung đất nước muôn vàn ái ân/ Trăng non đã hé viền ngàn/ Đường xa gió giục mau chân qua đèo.”,…

Việc khéo léo đưa thơ, ca dao, thành ngữ, tục ngữ như đã trở thành nét đặc trưng của các cây bút văn xuôi. Văn sĩ Huỳnh Kim Bửu cũng nhiều lần thai nghén tạo ra những đứa con tinh thần trữ tràn nét đẹp dân gian, truyền thống quê nhà, chính vì thế, ông được gọi là “người kể chuyện làng”. Huỳnh Kim Bửu đã sử dụng uyển chuyển nhiều những câu thơ, ca dao, thành ngữ, tục ngữ, trong các sáng tác của mình. Khảo sát trong hai tác phẩm, truyện ngắn Hoa đèn và bút kí Trồng trầu thả lộn dây tiêu của ông được in trong tập Nhìn lại mười năm văn xuôi Bình Định, ông đã sử dụng với tần suất khá cao với 8 lần thơ,vè xuất hiện chêm xen trong nền văn, 4 lần các câu ca dao và 8 lần thành ngữ, tục ngữ. Trong 8 lần ông đưa thơ,vè vào truyện, có 3 lần xuất hiện những câu thơ cổ thời Trung Quốc, trong Hoa đèn: “Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc.”(Vương Xương Linh, Khuê oán); “Yểu điệu thục nữ, Quân tử hảo cầu.” (Trích Quan thư trong Kinh thi); “Cảm quân triền miên ý.”(Trương Tịch, Tiết phụ ngâm)”. Ngoài ra, ông còn sử dụng một số từ Hán Việt “chinh phu”,” chinh phụ”, gợi cảm giác hoài cổ trang trọng. Việc sử dụng thơ song hành với văn xuôi trong sáng tác đã tạo ra hiệu ứng thẩm mĩ và đặc trưng rõ về phong cách của Huỳnh Kim Bửu. Điều này tạo nên tính giao thoa tương đối giữa thơ và văn xuôi. Đó là sự hòa pha giữa thể loại mang đậm tính tự sự và một thể loại mang đậm tính trữ tình. Mặt khác, nó góp phần phá vỡ tính nguyên tắc thể loại, giúp tác giả có thể phát huy tối đa điều mà tác giả muốn nói. Lê Hoài Lương đã nhận định “Bài nào, chuyện kể nào của Huỳnh Kim Bửu, ngoài nội dung kể chính cũng có hoặc những câu ca dao, dân ca, thành ngữ tục ngữ hay các câu thơ của những nhà thơ nổi tiếng đã in đậm trong trí nhớ ông được trưng kèm, như minh họa, như liên tưởng. Từ hai cuốn sách đã kể, thử giở bất kì, thấy trang nào cũng có những câu in nghiêng các thể loại ấy, nó xuất hiện với tần suất thật đậm đặc. Nó là một sự phối hợp tốt, câu chuyện thoảng ngắt quãng thêm chút mơ màng, phần minh họa - liên tưởng này nếu tách bạch thì cũng làm nên nét riêng khi kể chuyện. Thực ra nó không hề làm hư ảo chuyện cho thêm gia vị, nó cũng là nội dung, cũng là làng. Nó xuất hiện vừa gợi ý vừa hiển nhiên, và chắc rằng nó đã thành kí ức, thành máu thịt của người kể chuyện” [8]. Dù rằng, việc đưa thơ vào văn xuôi không phải là mới, nhưng các tác giả trước đây chủ yếu lấy thơ làm đề từ cho văn xuôi, như trong Tùy bút Sông Đà của Nguyễn Tuân (“Đẹp vậy thay tiếng hát trên dòng sông” “Chúng thủy giai đông tẩu - Đà giang độc bắc lưu”) hoặc đưa thơ vào văn với một “lượng” khiêm tốn. Đến với Huỳnh Kim Bửu, nam văn sĩ này đưa thơ vào văn như một thức quà ông gửi vào tác phẩm cùng những hình ảnh làng quê, mà Lê Hoài Lương gọi ông là “người kể chuyện làng, người kể chuyện phong hóa phong vị một vùng đất”. Ở bút kí Trồng trầu thả lộn dây tiêu, Huỳnh Kim Bửu đã giới thiệu Bình Định là cái nôi của hát bội - một truyền thống đẹp của dân tộc, kể về những tục lệ dân gian “các làng có lập đình thờ Thành Hoàng và có lệ “Xuân Thu nhị kì”, cúng tế Thành Hoàng hằng năm” và liệt kê các làng “làng Háo Đức lập chùa thờ Quan Vũ (tục gọi là Chùa Ông), làng Liêm Lợi lập chùa thờ Bà Mụ linh đỡ đẻ cứu người cứu vật (gọi là Chùa Bà), làng dệt Phương Danh lập chùa thờ Tổ nghề dệt tơ lụa (tục gọi Chùa Kén)…”, ông là người con thương hiệu “làng” của Bình Định - thể hiện những văn hóa rất riêng của mảnh đất trong những sáng tác, thể hiện một niềm - tự - hào - tự - tôn về quê - nhà - đất - võ.

Đọc tiếp: Ngôn từ nghệ thuật trong văn xuôi Bình Định sau 1975 phần 17

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22