Mãi sau này, mùa xuân năm 75, cậu Thừa trở về, mợ vui mừng gặp ai mợ cũng chia sẻ niềm vui, qua lời thoại của mợ nói với nhân vật ông Khảnh, mợ có nhắc đến một di tích lịch sử ở Tây Sơn “tuần tới, vợ chồng ông đi cùng vợ chồng tôi lên tham quan Điện thờ Ba vua Tây Sơn trên huyện Tây Sơn. Ông đồng ý không?”. Vòng tuần hoàn, cuộc tiễn đưa như một chu kì cứ liên tiếp diễn ra và hình ảnh bến xe Đập Đá dường như đã đọng lại trong người đọc là một nơi tiễn biệt, “Ngày cậu ra đi “về với vợ con của ổng ngoài Bắc” con Việt, con Pháp đi tiễn ở bến xe Đập Đá. Người ra đi và người đưa tiễn thấy mình mất mác một cái gì lớn lắm!”, kết truyện là ngày cậu Thừa trở về, nhưng không phải về một mình, cậu về cùng hai người con trai ở ngoài Bắc, ba cha con của cậu về Bình Định cũng là tại bến xe Đập Đá, rồi từ bến xe, cậu về làng Lương Định, ba cha con cậu Thừa đi bộ cùng sự xuất hiện làng mai Hiếu Đước nổi tiếngg. Các địa danh xuất hiện mang theo những ý nghĩa sâu sắc, bến xe Đập Đá là nơi tiễn đưa, nơi ghi dấu số lần chia li của gia đình mợ Thừa, hình ảnh làng mai Hiếu Đước có những vườn đã nở sớm dọc hai bên đường, nhưng ba cha con cậu Thừa chẳng ai để ý đến làng mai, những vườn mai nở vàng cả không gian, như một sức sống mới xé tan bầu không khí trầm uất trước đó với những sự đè nén, tiếng lòng u hoài của Mợ Thừa; nó còn mang tầng nghĩa sâu xa hơn, “ba cha con cậu chỉ lầm lũi đi bộ trên con đường liên xã trải bê tông xuôi ngược đông người và cũng không hề để ý đến làng mai Hiếu Đước nổi tiếng chạy dọc hai bên đường đã có những vườn mai nở sơm”. Ba cha con cậu Thừa không quan sát những thứ xung quanh, một sự lạnh lùng, dửng dưng của một người ở phố lâu ngày trở lại quê, không còn để ý, cảm nhận những nét đẹp quê hương. Càng cay đắng hơn, trước đó, ba cha con cậu Thừa hỏi đường vào làng Lương Định, có chăng làng quê giờ đã thay đổi nhiều, đã khác xưa nên cậu Thừa chẳng thể định hình được ngôi nhà ngày xưa cậu ở hay chính cậu là người đã xa quê lâu năm và những kí ức về con đường làng không còn trong kí ức của cậu nữa? Tất cả các địa danh xuất hiện trong Hoa đèn đều ẩn trong nó những ý nghĩa riêng, còn nhiều ý nghĩa sâu xa hơn đang đón đợi người đọc khám phá.
Trường từ địa danh Bình Định phủ sóng khá mạnh các mặt giấy trong văn xuôi Bình Định, tiêu biểu có thể kể đến các sáng tác của các văn sĩ Trần Duy Đức, Lê Hoài Lương, Mai Thìn, Huỳnh Kim Bửu, Trần Lệ Thu,… Chắc chắn rằng, các nhà văn đã dành nhiều tình cảm cho quê hương đặt quê hương ở một vị trí đặc biệt trong bản đồ địa lí trái tim của họ, nên những địa danh luôn nằm trong tư tưởng, tâm tư, lí trí của các nhà văn, họ lấy chất liệu “thực” từ đời sống xung quanh, từ sự quan sát, khái quát và cảm nhận về “con sông”, “ngọn núi”, “làng”, “tháp”, “cảng”, “bến xe”,… Những hình ảnh thân quen đó luôn đi kèm với những cái tên địa lí rất riêng kèm theo những đặc trưng của địa danh, không chỉ vài ba địa danh mà các nhà văn đưa rất nhiều địa danh của tỉnh làm mạch không gian những câu chuyện xoay quanh con người, có khi một địa danh lại xuất hiện nhiều lần trong nhiều sáng tác của cùng một tác giả; cũng có khi một địa danh được nhiều tác giả “quan tâm” đưa vào xây dựng thành những câu chuyện đầy thơ mộng, đầy bí ẩn. Những sự xuất hiện của những địa danh quen thuộc khắp Bình Định với những nét đẹp riêng, những tích cổ huyền thoại, tất cả như một lời chào gọi đầy tự hào về những cảnh đẹp, làng nghề truyền thống - sẽ thúc giục những ai thích tìm hiểu, khám phá đó đây nhanh chân đến, nhiều nhà văn cứ như đã được học qua khóa “kĩ thuật viết quảng cáo”, họ viết thật sự cuốn hút bằng tất cả sự say mê, tình yêu quê nhà, tác phẩm có sức tác động đến người đọc cái trì tò mò muốn biết rõ thêm những nơi mà tác giả nhắc đến… cùng với đó là niềm tin của tác giả vào một ngày kia, nhiều bạn bè trong và ngoài nước sẽ đến thăm quê hương Bình Định, để cái tên Bình Định được nhiều người biết đến, đồng thời là lời nhắc nhớ cho những người con xứ nẫu xa quê. Mỗi sáng tác là một bức họa về quê hương mà ở đó người nghệ sĩ là người tô lên đó những gam màu, chủ đạo là màu cổ điển của các địa danh quê nhà.
Đọc tiếp: Ngôn từ nghệ thuật trong văn xuôi Bình Định sau 1975 phần 16