Trong cảnh chia li của đôi vợ chồng trẻ mới cưới cậu Thừa, Mợ Thừa trong Hoa đèn của Huỳnh Kim Bửu, cảnh tiễn biệt này không phải diễn ra trên “sông” như bao nhà thơ cổ vẫn hay viết. Nhà văn Huỳnh Kim Bửu chọn một nơi quen thuộc và cũng có thực trên địa lí hành chính ở quê hương làm không gian cho cuộc tiễn đưa, người vợ tiễn chồng đi lính tại “cửa Tây thành Bình Định”. Lần thứ hai tiễn cậu Thừa đi tập kết vào một ngày tháng tư năm 55, Đập Đá là nơi chứng kiến cảnh chia li của cả gia đình, “ba mẹ con mợ Thừa tiễn cậu trên bến xe Đập Đá, nơi đang đậu đoàn xe cam nhông - chiến lợi phẩm tịch thu của Pháp - chở đoàn cán bộ cuối cùng của huyện An Nhơn đi Quy Nhơn để xuống tàu Ba Lan, tập kết ra miền Bắc”, hành trình đi tập kết của cậu còn qua An Nhơn, Quy Nhơn, những địa danh nổi tiếng Bình Định. Tin tức cậu Thừa lần đầu đi tập kết được thể hiện qua những nơi cậu đi qua “ông Ngoại nghe tin đâu, rằng cậu Thừa tôi xuống tàu chở tân binh ở cảng Quy Nhơn”. Một địa danh được nhắc đến là minh chứng cho những chiến tích trong kháng chiến “Thành lập chưa được bao lâu, Dân quân đã bắt sống được lính Pháp nhảy dù xuống sân bay Phù Cát, được huyện, tỉnh khen thưởng”, địa danh còn được hiện rõ trong cái tên của Dân quân “Dân quân Nhơn Tân”, “Trong suốt chín năm kháng chiến, Dân quân Nhơn Tân luôn có thành tích sẵn sàng đánh giặc giữ làng”. Một loạt địa danh xuất hiện cùng với cuộc kháng chiến ngày càng đi dần tới thắng lợi “Đêm đêm, lũ nhỏ chúng tôi xách đèn dầu đi học, nhìn xuống vùng trời Quy Nhơn xa tít trong bóng đêm, thấy đèn hỏa châu Pháp thả sáng một góc trời. Rồi chiến thắng giòn dã trên đèo An Khê, đèo Mang Giang…”, việc liệt kê địa danh cụ thể cùng dấu “…” tạo cảm giác“dài hơi”, sự liệt kê như những tiếng vỗ tay thật dài, thật rõ, báo hiệu tin chiến thắng và hòa bình lập lại. Quê hương Bình Định qua góc nhìn của tác giả gửi vào nhân vật “tôi” trong truyện ngắn Hoa đèn thật trữ tình với không gian đa chiều cùng các địa danh “Từ quê tôi nhìn ra phía Bắc không xa, thấy dãy Núi Bà chạy từ biển Đông tới Trường Sơn, vững chãi như bức tường thành và trên ấy có ngọn Chóp Vung khỏi tỏa và đá Vọng Phu quấn mây sớm chiều”. Từ thơ mộng, nhà văn đưa ta trở về với hiện thực ngay sau đó, Núi Bà không còn mang vẻ đẹp thơ mộng khói tỏa, quấn mây sớm chiều nữa, “Từ Núi Bà, cuộc kháng chiến chống Mĩ lan tràn cả quê tôi từ những năm đầu thập kỉ 60”. Núi Bà đã thực sự là một nhân chứng có sức sống vĩnh cửu, tác giả đưa ta về với quá khứ, nhìn lại lịch sử những năm 60, nhân dân bắt đầu cuộc kháng chiến chống Mĩ, con của Mợ Thừa là Việt và Pháp cũng là những lớp thanh niên “xin phép mẹ đi theo “các cô, các chú, các anh”” tham gia vào cuộc chiến, làm du kích xã, “Tổ chức phân công con Việt ở du kích xã cho gần mẹ, con Pháp lên núi học y sĩ”. Hai đứa con tham gia du kích, chúng trưởng thành “khôn lớn”, “mợ Thừa vừa mừng vừa lo”, nằm đêm nghe tiếng súng, mợ nghĩ về hai đứa con cùng bao nhiêu người du kích khác. Rồi quê hương được giải phóng - “vùng Khu Đông”, địa danh không chỉ rõ cụ thể tên, chỉ là một vùng, nhưng là một địa danh ở phạm vi rộng lớn bao hàm nhiều nơi tập hợp, “vùng” đã tạo nên một sức mạnh của sự đoàn kết, không phải gọi tên riêng lẻ, cụ thể từng địa danh mà tác giả vẫn hay sử dụng trước đó. Tin tức của cậu Thừa, nay là Đỗ Mỗ - Xã đội trưởng, có người mách cho mợ “cậu đang ở vùng giải phóng trên Hoài Ân”, hay tin “Mợ đòi đi Hoài Ân”, hai đứa con Việt, Pháp can không cho mợ đi vì nguy hiểm nhưng rồi “mợ vẫn đi Hoài Ân tìm chồng”, ấy là sức mạnh của tình vợ chồng bấy lâu xa cách, mong ngóng ngày đoàn tụ, hạnh phúc gia đình. Tình yêu của người phụ nữ lúc nào cũng vượt lên trên những nỗi sợ dù nỗi sợ có nguy hiểm, gian nan, mợ vẫn đi tìm cậu, mợ chịu những đau đớn về thể xác, tinh thần và sự hạ phẩm nhân cách của mợ khi Đại úy trưởng đồn Bảo An Ân Hữu xem mợ là người chuộc lợi tiền mà bán người thân “Đánh nhừ đòn, bỏ đói ba ngày rồi thả cho đi, bảo lên trên đó dẫn chồng về đây chiêu hồi để được sống và lãnh thưởng”. Đại úy còn xem mợ là vật để “thử”, để “nhử”, “Nhốt bà ấy mười ngày trong lô cốt chung với nghĩa quân, coi thử đồn An Hy này có bị tấn công không?”, mợ Thừa một lòng ngóng chờ mong gặp mặt cậu Thừa, trải qua những lần bị đòn roi, mợ vẫn “đi không về không”.
Đọc tiếp: Ngôn từ nghệ thuật trong văn xuôi Bình Định sau 1975 phần 15