Trần Duy Đức, người con của An Nhơn cũng đưa rất nhiều địa danh quê hương vào các sáng tác, cùng với sự xuất hiện của các địa danh, không phải vô cớ, mà ông đưa nhiều địa danh cùng làng nghề truyền thống vào như một niềm tự hào, vừa như một lời mời gọi bạn đọc hãy đến thăm những nơi này. Ông là người yêu thích các làng nghề truyền thống cùng những đặc sản ở mỗi địa danh, mỗi khi nhắc tới địa danh nào ông sẽ nói tới một làng nghề truyền thống gì đó đặc biệt, tiêu biểu ở tản văn Dịu dàng nón lá, văn sĩ đã lần lượt cho xuất hiện với những giới thiệu các địa danh qua mạch chính của tản văn là nón lá “từ khi bắt đầu hình thành những làng nghề, trong đó có làng nghề nón lá Gò Găng”, cách giới thiệu với giọng đầy tự hào với làng nghề nón ở Gò Găng, dường như tác giả đang tuyệt đối hóa một nơi bán nón lá ở xứ nẫu “người phụ nữ xứ nẫu muốn có chiếc nón lá đội đầu thì cứ tới chợ Gò Găng”, khi nói đến sự tượng trưng của nón lá, Trần Duy Đức kể “tượng trưng cho người mẹ, càng không phải chỉ có người mẹ An Nhơn - Bình Định, mà là biểu tượng hồn Việt - người mẹ Việt Nam”, trong dạo đầu mà tác giả nêu hai địa danh Gò Găng và địa danh bao trùm Gò Găng là An Nhơn, trong trang văn đầu tiên đã có tới 8 lần lặp lại địa danh này - và cả tản văn có 20 lần tất cả xuất hiện địa danh Gò Găng, với ý khẳng định Gò Găng là làng nghề nón lá nổi tiếng và mạch chính của Dịu dàng nón lá là đang viết về làng nghề nón ở Gò Găng là chủ yếu, nét đẹp dịu dàng của vùng quê Gò Găng, An Nhơn. Nối mạch làng nghề nón, tác giả tiếp tục đưa ra một số loại nón và cho biết thông tin về dấu hiệu của nón và nơi bày bán các loại nón lá, nón dấu bày bán ở “thị trấn Phú Phong - Tây Sơn”, nón ngựa ở “Phú Gia - Phù Cát, Gò Găng - An Nhơn”,… những câu văn như một lời mời gọi, có phải dụng ý của nhà văn khi viết tản văn Dịu dàng nón lá cũng muốn giới thiệu rộng rãi đến mọi người biết làng nghề nón lá và những nơi có thể tham quan mua nón. Khi nói tới xuất xứ của làng nghề nón, thì một loạt địa danh lại hiện trước mắt người đọc “làng nón Kiều Nguyên, Phú Gia, xã Cát Tường, Phù Cát”, rồi lan dần vào “Gò Găng” và các làng lân cận của “Nhơn Thành, Nhơn Mĩ, Nhơn Hậu” và “lên tận huyện Bình Khê (Tây Sơn)”. Tản văn Hồn quê xứ nẫu, Trần Duy Đức không chỉ nói rõ nguồn gốc vùng đất Bình Định, những đặc điểm đặc trưng về ngôn ngữ của xứ nẫu (mà theo tác giả chỉ dùng để gọi cho Phú Yên, Bình Định), nhà văn còn kể nhiều địa danh ở Bình Định “Vĩnh Thạnh - Bình Khê”; “sông Côn”; “An Khê, Cù Mông, Bình Đê”; “Tây Sơn”; “Bình Định”; “Quy Nhơn”; “Thuận Truyền”, “An Thái”; “An Vinh”; ‘tháp Chàm”; “Bến Mi Lăng”; “Đồ Bàn”; “Đập Đá”; “Phú Phong”; “Cây Bông”; “chợ Gò Chàm, Phú Đa, Cảnh Hàng, Gò Bồi, vào Diêu Trì, ra Gò Găng, chợ Gồm…”; “xưởng dệt Phú Phong, An Thái, Đập Đá, Sita”; “làng rèn Nam Tân, Tây Phương Danh dưới chân thành Hoàng Đế”; “tiếng gò cồng chiêng râm ran ở làng Mĩ Thạnh”; “làng nghề cẩn xà cừ Cẩm Văn”; “làng nón là Gò Găng, Phú Da”; “làng làm xơ dừa, bánh tráng nước dừa Tam Quan”; “làng gốm Nhạn Tháp”; “làng tiện gỗ mĩ nghệ Vân Sơn”; “làng cốm, bánh hỏi, bánh ướt An Lợi”; “làng rượu Bàu Đá”, “bún Song Thằn An Thái”; “nước mắm Gò Bồi, Đề Gi” và có những địa danh lại được lặp đi lặp lại nhiều lần như Quy Nhơn, Gò Bồi, Đề Gi “Có ai ở miền trung du, đồng bằng khi ăn bánh tráng với cá ngừ, cá nục tươi luộc chấm nước mắm nhỉ lại không nhớ đến những nơi tráng bột mì, bột gạo pha mè, đến những gánh cơm, gánh muối đi bộ từ Quy Nhơn, Gò Bồi, Đề Gi…”. Cũng có địa danh xuất hiện lại, nhà văn lại cho độc giả biết thêm một thức quà là những sản vật đặc trưng của nơi đó bên cạnh với sự giới thiệu làng nghề truyền thống là xưởng dệt Phú Phong “chim mía Phú Phong”. Mạch giới thiệu quê hương không ngừng tuôn, Trần Duy Đức còn kể đến những món ăn nổi tiếng của vùng “nem chả chợ Huyện” (chợ Huyện - Tuy Phước), “chình mun đầm Châu Trúc - Phù Mĩ”, những sản vật, món ăn đặc sản được nhà văn nhấn mạnh “từ lâu đã đi vào thơ ca, trở thành văn hóa ẩm thực của người Bình Định”. Song, nhà văn còn nhắc tới “lễ hội Đống Đa tại Bảo tàng Quang Trung”, “quê hương An Nhơn - Bình Định”. Trải dọc theo những câu văn của văn sĩ Trần Duy Đức, ta bắt gặp hầu khắp các địa danh nổi tiếng ở Bình Định với những món ăn, làng nghề rất riêng.
Đọc tiếp: Ngôn từ nghệ thuật trong văn xuôi Bình Định sau 1975 phần 14