Trong Nhật kí nữ nhà báo chiến trường của Trần Lệ Thu, nhật kí ghi lại một cách trung thực một phần về đời sống gian truân, cơ cực nhưng dũng cảm phi thường của đồng bào và chiến sĩ ta trên mảnh đất miền Trung, đặc biệt là Bình Định. Đi khắp Nhật kí ta thấy hàng loạt sự kiện, diễn biến trong đời sống kháng chiến của nhân dân thể hiện rõ thời gian, nơi chốn những con người anh hùng đi qua “Tam Quan Bắc”; “thôn An Quý thuộc xã Hoài Châu”; “xã Hoài Hảo”; “núi Bà”; “chùa Ông Núi”; “đầm Thị Nại”; “núi Bà Đen”; “núi Xương Cá”; “núi Kỳ Sơn”; “tháp Bánh Ít”; “thành phố Quy Nhơn”; “xã Phước Thuận ven đầm Thị Nại”; “bãi Sác”; “núi Vọng Phu”; “Tuy Phước”; “xã Phước Thắng, Phước Hưng”; “khu Gò Bồi”; “xã Phước Hòa”; “Tân Mĩ”;“Bình Lâm”; “Hữu Thành”; “Lạc Đạo”; “Trường Thế”; “xã Phước Quang”; tất cả những địa danh ghi dấu của những con người kháng chiến bảo vệ lãnh thổ cho dân tộc, cho quê hương, trong nhật kí còn có những địa danh mà Trần Lệ Thu kể về các tích của địa danh đó “chùa Ông Núi”, “núi Xương Cá” đầy huyền thoại “Ta đứng bên khu mộ của Hòa thượng chùa Ông Núi, bồi hồi nhớ về những chuyện ngày xưa. Theo truyền thuyết, xưa có ông già mù, ngày ngày đốn củi để ở chợ Kẻ Thử, dân đến thấy gánh củi thì đổi gạo treo lên cây cho Ông Núi và mang củi về dùng. Một hôm, vua Tự Đức đi kinh lí qua đây bị đau mắt, vào nghỉ, Ông Núi lấy lá chữa lành bệnh cho vua. Để ghi công, vua sức dân làng làm ngôi chùa này cho Ông Núi trụ trì…”, “Kia là núi Xương Cá. Hai mươi năm trước, tôi cũng đứng xa nhìn núi Xương Cá và nghe bà ngoại kể câu chuyện tình của nàng tiên cá. Có một nàng tiên cá đã đem lòng yêu chàng trai nghèo hiếu thảo nơi đây, nhưng nàng không thể nào lên bờ để phụng dưỡng cha mẹ già của chàng được, nên đã trao cho nàng “phép thần” bắt cá biển Đông để nuôi mẹ cha và giúp bà con nơi đây duy trì sự sống vào những năm hạn hán mất mùa… Người ở đây được ăn cá nhiều đến nỗi xương bỏ ra chất thành ngọn núi, gọi là núi Xương Cá, cũng chính là hồn cốt của nàng tiên”. Ở đây, tình yêu quê hương không chỉ là sự anh hùng xung phong ra chiến trường chiến đấu, mà tình yêu quê hương còn thể hiện bắt đầu từ những câu chuyện cổ tích gắn với các địa danh quê hương mình - từ những câu chuyện bà kể, từ những gì được nghe nhân dân truyền miệng nhau. Có yêu quê hương mới có những hiểu biết về quê hương, và Trần Lệ Thu là một người phụ nữ đẹp trong mắt độc giả vừa anh dũng, vừa tài hoa trong nghệ thuật và vốn hiểu biết dân gian.
Đọc tiếp: Ngôn từ nghệ thuật trong văn xuôi Bình Định sau 1975 phần 13