Ở Một thời tuổi trẻ, sông Côn cũng tiếp tục chảy dài trên câu chữ, “Nơi chôn nhau cắt rốn của tôi là một miền quê nằm ven bờ thượng nguồn sông Côn, con sông dài nhất tỉnh Bình Định, bắt nguồn từ các dãy núi cao ngút ngàn vùng K’Bang - An Lão, dài trên một trăm bảy mươi ki-lô-mét chảy xuyên suốt từ Bắc đến Nam huyện Vĩnh Thạnh quê tôi.”, các địa danh quấn quýt với sông Côn cứ lần lượt được ông Nguyễn Trọng Tín nhắc đến “sông Côn như dòng sữa mẹ ngọt ngào, trên dòng chảy hợp lưu cùng với sông Hầm Hô và sông An Tượng đưa nước về tươi mát những cánh đồng lúa phì nhiêu các huyện Tây Sơn, An Nhơn, Phù Cát, Tuy Phước và lặng lẽ xuôi ra đầm Thị Nại, hòa vào biển Đông xanh thẳm”, “Biển Quy Nhơn biếc xanh”, không chỉ có hình ảnh “nước” hiện lên, mà “non” cũng dần dần được nhìn thấy “những cánh rừng đại ngàn hùng vĩ của Vĩnh Thạnh”, “Vĩnh Thạnh vốn thuộc vùng Tây Sơn thượng đạo”, “sống với bà ngoại ở Bình Quang, vùng chợ Cây Dừa, thuộc Tây Sơn Hạ Đạo”, “một số người Hoa ở mạn Gò Bồi, An Thái cũng lên đây mở cửa hàng thu mua lâm thổ sản ở Định Quang, Vĩnh Thạnh”, “tôi xuống Bình Giang - Bình Khê”, tất cả làm nên những nước, những non, cái đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, và là sự tự hào của tác giả về đất mẹ.
Các dịa danh Bình Định lần lượt xuất hiện trong mở đầu tùy bút Tuổi thơ bên Thành Hoàng Đế của Mai Thìn, qua lời kể của nhân vật “tôi” giới thiệu về chính quê hương mình với những vẻ đẹp truyền thống cổ kính “Nơi tôi sinh ra và lớn lên là một xóm nhỏ dọc triền đồi đầy sỏi đá. Ngay giữa làng là Văn Miếu, nơi suy tôn đạo đức của cả tỉnh và cũng là nơi thường xuyên diễn ra những đêm hát bội[…]. Phía trước là cánh đồng với nhánh sông Côn, từng quẫy đạp, uốn lượn dưới chân Thành Hoàng Đế”, rồi một loạt địa danh khác cũng hiện lên qua lời kể của nhân vật “tôi” “tháp Cánh Tiên”; “chùa Thập Thá”; “chùa Ông Đá ở Nhạn Sơn”; “tháp Phú Lốc”; “làng Đại Hòa, Nhơn Hậu”; “cầu Bến Gỗ”; “bến Mi Lăng”, ”sông Quai Vạc”; “chùa Thập Tháp”, “Bả Canh”, “xóm Bờ Thành”, “xóm Nam Tân”, “Nhạn Tháp”- những làng nghề nổi tiếng quanh Thành Hoàng Đế. Liệt kê một loạt các địa danh làm giàu đẹp giá trị thẩm mĩ của tác phẩm, chứng tỏ nhà văn là người biết rõ địa lí khu vực Thành Hoàng Đế, đồng thời cũng là sự tự hào với những làng nghề truyền thống “đúc đồng, tiện gỗ, làm rèn, làm đồ gốm nức tiếng nhiều nơi…”, ấy là những đặc sản quê ngoại của nhân vật “tôi”, nhân vật “tôi” còn kể “còn ở quê tôi, xứ Gò găng với đồi Gò Quánh đá ong và hàng rào kẽm gai đầy bom mìn của sân bay Phù cát thì ngoài chiếc nón mảnh mai được cải thiện từ nón ngựa của xứ Kiều Huyên, chỉ có nghề đẽo đá ong và cày sâu cuốc bẫm trên những vạt ruộng dọc con sông Quai Vạc.” Nhà văn yêu quê hương một cách tha thiết, ngọt ngào từ những địa danh, hình ảnh gắn với địa danh cũng đem lại trong lòng người đọc những cảm nhận mãnh liệt niềm tự hào với những gì thuộc về quê hương “Tuổi nhỏ rong chơi, tôi chưa biết gì về lịch sử, về những giá trị mà bao triều đại đã để lại, giờ càng thấm thía dư vị ngọt ngào của dòng sữa quê hương.”. Và, ở trong phần kết của tùy bút, tác giả cũng một lần nữa khẳng định lại “tình yêu quê hương” của nhân vật “tôi” qua cách nhấn mạnh lặp lại những địa danh đã liệt kê trong mạch tùy bút trước đó, từ những hình ảnh quen thuộc đến những hình ảnh cụ thể “Từ mỗi bờ tre, rặng duối trên con đường làng hay ngõ những ngôi nhà lá mái, đến Bến My Lăng, Bến Gỗ, bến sông quê; từ tượng Chim Thần Garuđa mang phong cách Tháp Mẫm đến con voi nơi Hoàng Thành hay con lân Văn Miếu; từ những vũ nữ nơi tháp Cánh Tiên hay trên những sản của làng tiện làng đúc; từ chiếc hồ bán nguyệt mới khai quật trong Tử Cấm Thành hay ao sen làng Nhạn Tháp”, và kết lại “tất cả hiện rõ dần, rõ dần, lung linh trong nắng xuân như một sự bừng tỉnh sau giấc ngủ dài… Ngày mai! Hi vọng một ngày mai, nói như ai đó, quê tôi sẽ được cả thế giới tìm đến!”, tác giả gửi vào một niềm tin, gieo hi vọng vào những nét đẹp quê hương rồi đây sẽ vang xa, lan tỏa, hấp dẫn nhiều người biết và đến thăm. Ngoài ra, một tùy bút khác - Quê tôi mùa hát bội, Mai Thìn cũng đưa vào hiếm hoi một địa điểm đậm màu sắc nghệ thuật ở Bình Định “Nhà hát tuồng Đào Tấn”, nhân vật “tôi” kể về sức hấp dẫn của hát bội, và trong suốt cả tùy bút không có sự xuất hiện của một địa danh nào ở Bình Định, mãi đến khi gần kết thúc tùy bút, Mai Thìn mới đẩy đưa “Và cũng từ những đêm hát bội như thế mà ở Bình Định vào cuối những năm 70 của thế kỉ trước từng có hẳn một đoàn hát Đồng Ấu, Suối tre là tập hợp những kép hát tuổi mười ba, mười lăm tóc xém da đen chuyên đi diễn lấy tiền thiên hạ. Trong số ấy bây giờ có người đã trở thành những nghệ sĩ trụ cột của Nhà hát tuồng Đào Tấn”, tác giả tự hào về truyền thống làng quê, đó là “Mùa xuân, mùa hát bội đã lại về!…”. Sông Quai vạc, cầu Bến Gỗ không chỉ có trong mỗi một sáng tác của Mai Thìn mà được xuất hiện nhiều lần, tản văn Những mùa hoa cải, Mai Thìn đã phát hiện vẻ đẹp của con sông qua cánh đồng cải của người cha “Cải cha tôi trồng kín cả một triền sông Quai Vạc, đoạn gần cầu Bến Gỗ”, vẻ đẹp được miêu tả sánh đôi cùng nhau tăng sức gợi, lột tả được màu sắc của quê nhà “Thật kì lạ là cái sắc hoa! Li ti vàng những chiều nồm ngan ngát, long lanh sáng những buổi sương mai… Mỗi cánh hoa như được dát bằng bạc, bằng ngọc, bằng thủy tinh trong suốt”. Hay, trong tản văn Quả thị quê nhà, Mai Thìn cũng đã nhắc tới Phù Cát; làng Tri Thiện,Tuy Phước; làng An Hòa; huyện An Nhơn, thành phố Quy Nhơn, Mai Thìn nhắc về những cây thị có tuổi đời mấy trăm năm ở các địa danh khắp Bình Định. Có thể thấy, cây thị như một chứng nhân lịch sử của cuộc sống, xã hội, con người Bình Định trong mấy trăm năm qua, nhân vật “tôi” nhớ lại trong hồi ức ngày trước những cây thị quê nhà đã lần lượt ra đi theo thời gian - chính quả thị ở cơ quan đã giúp nhân vật “tôi” cảm nhận lại “mùi của quê hương tuổi nhỏ có sức quyến rũ lạ thường”- cảm giác thèm muốn quay trở về lúc bé nhưng không thể, như câu nói của Heraclitus “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”.
Đọc tiếp: Ngôn từ nghệ thuật trong văn xuôi Bình Định sau 1975 phần 12