Ngôn từ nghệ thuật trong Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng phần 3

Ngôn từ nghệ thuật trong Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng phần 3

Bởi Học văn cô Hà Huyền 13/09/2024
  1. Tính lạ hóa và lệch chuẩn

Có lẽ, sẽ không quá lời khi nhận xét rằng nhà văn Vũ Bằng quả là “bậc thầy ngôn từ trữ tình”. Tính lạ hóa và lệch chuẩn trong ngôn từ của nhà văn được thể hiện qua những từ ngữ phá cách, tưởng chừng như không thể kết hợp lại với nhau. Nhưng khi ghép lại giải nghĩa ta sẽ thấy được ý nghĩa sâu xa bên trong. Những từ ngữ kì lạ và lệch chuẩn đó có thể kể đến như: “con tim có cánh”, “bầu không khí biêng biếc sầu”, “buổi tà huân”, “trời đất xuống màu”, “mây đỏ đòng đọc”, “buổi trưa tiền kiếp”,.

Hay trong tập tùy bút “Thương nhớ Mười Hai, nhà văn Vũ Bằng còn dùng những câu tiếng Việt không có chủ ngữ như: “Hỡi những người mày móc, đừng có bảo những đồng bào ấy là những người hưởng lạc. Bị kẹt trong một cái thế hết xâm lăng nọ đến quân cướp nước kia, với những tài nguyên chưa có bao giờ khai thác, họ, những người phương Bắc, phải chiến đầu không ngừng, đổi bát mồ hôi lấy bát cơm để sống, nhưng họ không vì thế mà phải chạy ngược chạy xuôi, phờ râu trớn mắt để đánh vật với đồng tiền”. Tác giả đã cố tình lược bỏ đi phần chủ ngữ và thay vào để ngầm nhấn mạnh cái chủ thể “bị kẹt” ấy chính là đồng bào, là dân tộc, là xóm làng ở “Bắc Việt thương mến”.

Ta còn bắt gặp những câu văn có cú pháp mới lạ như: “nắng giết người”, “nắng ức cả ngực”, “tiếng cười như xé lụa”,… để thể hiện nỗi nhớ dâng trào, mãnh liệt, cuộn trào trong lòng tác giả.

Không dừng lại ở đó, tính lạ hóa và lệch chuẩn còn được hiện lên qua cách nhà văn sử dụng các trường liên tưởng cùng các thủ pháp tu từ để biểu đạt nội dung mang hàm ý sâu sắc hơn. Điển hình khi bày tỏ nỗi sầu của người cô chích, nhà văn đã so sánh như sau: “Lòng người xa nhà y như thể là khúc gỗ bị mối ăn, mục nát từ lúc nào không biết”, “con tim của người khách tương tư cố lý cũng đau ốm y như là gỗ mục”, “cảm như có hàng ngàn vạn con mọt nhỏ li ti vừa rung cánh o o vừa đục khoét con tim bệnh tật”. Hay khi viết về cảm giác của một con người đang đứng trước mùa xuân, nhà văn Vũ Bằng so sánh cảm giác đó giống với nhựa sống của một chú nai đang căng lên “nhựa sống ở trong người căng lên như máu căng lên trong lộc của loài nai, như mầm non của cây cối, nằm im mãi không chịu được, phải trỗi ra thành những cái lá nhỏ ti ti giơ tay vẫy những cặp uyên ương đứng cạnh” để thể hiện tình cảm dành cho mùa xuân “Bắc Việt”. Có đôi khi tác giả lại so sánh thiên nhiên mang những tâm trạng, cảm xúc của con người: Trăng tháng giêng thì “non như người con gái mơn mởn đào tơ”, tiếng của sóng được ví với“có vẻ như thủ thỉ ân tình”,..

  1. Tính thẩm mỹ

Nhà văn Vũ Bằng đã biến hóa cấu trúc từ ngữ thông thường thành một cấu trúc riêng rất “Vũ Bằng”. Điều này tạo nên tính thẩm mỹ cho Thương nhớ Mười Hai”. Khi bộc lộ những niềm nhớ mong của mình với từng tháng trong một năm, tác giả viết “Đẹp quá đi, mùa xuân ơi – Mùa xuân của Hà Nội thân yêu, của Bắc Việt thương mến” hay “Yêu quá cái đêm tháng hai ở đất Bắc; thương quá cái đêm tháng hai ở Bắc, thành ra cái gì cũng thấy qua đi nhanh quá”. Đây là những câu văn có cấu trúc đặc biệt kết hơp giữa hai thành phần của tiếng Việt đó là cảm thán và phụ chú. Rõ ràng nhà văn đã cố tình sai cú pháp nhưng lại mang đến tác dụng về tính thẩm mỹ trong việc thể hiện những cảm xúc bồi hồi khi nhớ về Hà Nội vào mỗi tháng khác nhau.

KẾT LUẬN

Tóm lại những phân tích về ngôn từ nghệ thuật trong tập tùy bút “Thương nhớ Mười Haicủa nhà văn Vũ Bằng, có thể thấy rằng cách sử dụng và lựa chọn từ ngữ của nhà văn gốc Hà Nội này vô cùng đa dạng và sáng tạo nhưng vẫn mang đậm chất trữ tình và chất thơ. Từ đó để thấy được cảm hứng bao trùm của cả tập truyện đó chính là nỗi nhớ quê hương nồng nàn, thiết tha. Đôi khi đó còn là sự day dứt khi tác giả hồi tưởng lại những kí ức về thủ đô mến yêu. Chung quy lại, khi phân tích một tác phẩm văn học ở góc độ thi pháp học, cụ thể là qua yếu tố ngôn từ, ta sẽ có một cái nhìn cụ thể nhất về hình thức nghệ thuật bên trong và bên ngoài của chính tác phẩm đó.

Đọc tiếp: Ngôn từ nghệ thuật trong Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng phần 1

 

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22