Ngôn từ nghệ thuật trong Sự tích những ngày đẹp trời của Hòa Vang phần 2

Ngôn từ nghệ thuật trong Sự tích những ngày đẹp trời của Hòa Vang phần 2

Bởi Học văn cô Hà Huyền 13/09/2024
    1. Ngôn ngữ trần thuật mang tính khẩu ngữ, đời thường

Tính khẩu ngữ, đời thường thể hiện ngay từ lời kể chuyện với những tình thái từ, trợ từ và cách nói nước đôi, mơ hồ của người dẫn chuyện “Như mọi người đều biết”, “Lại cứ theo thế mà suy, sai cũng coi là cố nhiên”, “Nhưng, có điều, còn có một cái lẽ cố nhiên khác nữa, riêng nhỏ âm thầm”,…. Lối dẫn chuyện tự nhiên, phóng khoáng, tinh tế và đôi lúc giễu nhại phá vỡ hoàn toàn không khí trang nghiêm vốn có khi người đọc tiếp nhận những câu chuyện truyền thuyết. Đồng thời, cách kể gần gũi như kể những câu chuyện tầm phào khiến các nhân vật như trút bỏ lớp áo chức năng, trở thành những con người trần thế đa đoan, phức tạp, khó đoán biết. Cách kể này hỗ trợ tối đa cho cách dựng đối thoại và thay đổi hình tượng nhân vật từ mẫu gốc ở phần sau truyện.

Không chỉ trong lời kể, tính khẩu ngữ thể hiện rõ trong những lời đối thoại của nhân vật. Sau bao nhiêu năm, Mị Nương trong một lần một mình về Phong Châu thăm vua cha thì gặp lại Thủy Tinh. Xét trên bình diện xã hội, Thủy Tinh và Mị Nương ở hai phe đối lập: một người là Thủy Tinh- người gây ra bao lũ lụt, thiên tai, mưa gió; một người là vợ của Sơn Tinh- đại diện cho sức mạnh chế ngự thiên tai. Nhưng ngay từ đầu, Thủy Tinh đã xác lập quan hệ thân mật, gần gũi bằng cách xưng hô “tôi”, “em” tình cảm và đắm say. Ở đoạn đầu của cuộc đối thoại, những câu hỏi dồn dập của Thủy Tinh “Mỵ Nương em có nhận ra tôi không?”, “Vậy thì tôi là ai? Em hãy gọi tên tôi. Hãy gọi tên tôi một lần.” thể hiện sự nhung nhớ, dè dặt mà tha thiết, cháy bỏng của người con trai luôn hướng về người mình yêu sau bao năm đằng đẵng. Cách xử lí đoạn hội thoại, sự lém lỉnh pha chút tinh quái của Thủy Tinh, sự bối rối của Mị Nương khiến ta liên tưởng đến cuộc đối thoại của những cặp đôi đang hờn dỗi chứ không phải 2 con người cổ xưa bị luật tục và định kiến ràng buộc.

Trong những lời đối thoại ở lượt lời của Thủy Tinh, ta bắt gặp cả những lời độc thoại nội tâm “Và... ý nghĩ cuối cùng khiến tôi đành nén lòng nằm yên chờ sáng... "Biết đâu, em cũng đang ngủ rất ngon, rất say. Thực vô duyên nếu quấy rầy em, nếu làm em dở giấc", hay những đoạn tự trào “... Ô hô! Cuộc đời...” khiến cho lời thoại mang đậm tính cảm xúc và dấu ấn cá nhân. Hóa ra vị thần như Thủy Tinh cũng có những phút giây băn khoăn, xúc động, giằng xé, tinh tế và vị tha, đau đớn và giằng xé.Các đoạn hội thoại sử dụng tối đa dấu “…” để thể hiện sự ngập ngừng của Mị Nương, sự chua chát, nỗi đau khi hồi tưởng lại của Thủy Tinh.

    1. Giọng điệu trần thuật nhiều màu sắc

Tính đa thanh của truyện ngắn thể hiện qua giọng kể với nhiều cung bậc, nhiều âm sắc. Có chất giọng khi thì sôi nổi, nồng nàn; khi thiết tha, khi trầm buồn của người tình Thuỷ Tinh. Đó là những lời bộc bạch về sự lỡ dở năm ấy, sự oan trái khi bị hiểu lầm sau này, sự tha thiết khi nhớ về những cảm xúc rạo rực ngày đến hỏi cưới, sự bao dung thấu hiểu lúc chia tay. Có giọng điệu ấm áp, trầm tĩnh của một Sơn Tinh trí tuệ và bao dung. Đó là khi chàng biết về sự trở lại của Thủy Tinh "Rõ ràng bên cạnh những việc lớn bộn bề ta phải có trách nhiệm, phải để ý đến vợ ta hơn. Nàng đi đâu, chạy đến đâu, làm gì, hãy để nàn g đi, nàng chạy, nàng làm, nhưng đừng để nàng thiếu ánh sáng chỉ có thể chiếu ra từ mắt ta, từ tâm não ta, ánh sáng chưa bao giờ vẩn đục, chưa một phút mờ ám. ánh sáng lúc nào cũng tinh khôi của núi, ánh sáng soi rọi mọi nẻo đường cho nàng, từ khi nàng về với ta", rồi sự âm trầm thấu hiểu khi nhìn ra mọi truyện “Chàng biết: người thường giao duyên với thần nhân lâu ngày thì đến lúc nào đó, hội với khát vọng, cũng đủ sức phân thân. Ngọn gió ấy chính là Mỵ Nương đấy!” Và cũng có giọng điệu vừa trẻ trung, thơ ngây, nũng nịu vừa đằm thắm của nàng công chúa nền nếp, đoan trang – biết mình yêu và được yêu. Nhưng ấn tượng sâu đậm nhất vẫ n là giọng của người kể chuyện với tấm lòng trẻ thơ đã làm sống dậy những cảm xúc trong sáng, mơ mộng và tạo nên một thế giới cổ tích hoàn hảo.

            Kết luận

“Sự tích những ngày đẹp trời” là một truyện ngắn với theo hơi hướng phản huyền thoại. Cốt truyện, nhân vật, ngôn ngữ, lời kể đều được tác giả làm mới như một cách nhìn nhận lại những định kiến và gửi gắm vào đó hình ảnh con người hiện đại đa đoan. Việc sử dụng ngôn ngữ gần gũi, đậm tính khẩu ngữ, diễm tình, hư ảo chủ động xây dựng hội thoại để nhân vật tự nói lên tiếng lòng cùng sự đa dạng trong giọng điệu đã góp phần tạo nên nét đặc sắc cho câu chuyện. Đồng thời, nó đã góp phần tạo nên một bút pháp nghệ thuật độc đáo, riêng biệt của Hòa Vang trong dòng chảy văn xuôi Việt Nam hiện đại.

Đọc tiếp: Ngôn từ nghệ thuật trong Sự tích những ngày đẹp trời của Hòa Vang phần 1

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22